Saturday, November 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaDư luận quốc tế, khu vực đang lên án việc TQ vi...

Dư luận quốc tế, khu vực đang lên án việc TQ vi phạm chủ quyền và quyề tài phán của Việt Nam tại Bãi Tư Chính

Từ ngày 3/7, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có những hành vi vi phạm vùng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, cụ thể là tại Bãi Tư Chính. Dư luận quốc tế và khu vực đang rất quan tâm theo dõi, trong đó đa phần đều lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc.

Ngày càng nhiều ý kiến phản đối hành vi của TQ tại Bãi Tư Chính thuộc Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Từ các nước châu Âu

Hãng Reuters của Anh và nhiều tờ báo lớn của các nước đều khẳng định Bãi Tư Chính là khu vực nằm hoàn toàn trong vùng EEZ và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Tuy nhiên, khu vực này đang bị Trung Quốc và Đài Loan đòi hỏi chủ quyền. Đối với Trung Quốc, “đường chín đoạn” mà nước này vẽ ra đã chồng lấn và bao trọn khu vực Bãi Tư Chính và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Báo AFP của Pháp trích dẫn nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh khẳng định khu vực tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống của Trung Quốc xâm phạm hoàn toàn là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển 1982 đã quy định. Hành vi của các tàu Trung Quốc những ngày qua là không thể chấp nhận được và các tàu này phải rút ra khỏi khu vực trên. “Đó là hành vi vi phạm và coi thường luật pháp quốc tế, gây tổn hại đến việc xây dựng lòng tin trong khu vực. Để tạo dựng lòng tin trong việc thực hiện DOC và tiến tới đàm phán thành công COC, các quốc gia đều phải có nghĩa vụ tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển theo đúng luật pháp quốc tế. Các nước, bao gồm cả Trung Quốc, có trách nhiệm phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về luật Biển. Cộng đồng quốc tế cũng phải cùng nỗ lực bảo vệ lợi ích chung trong việc duy trì trật tự, an ninh và hòa bình ở Biển Đông”, phát biểu của ông Phạm Quang Vinh được một số tài khoản Facebook nước ngoài dẫn lại.

Từ Australia

Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia thì cho rằng Trung Quốc đưa tàu khảo sát tới vùng thềm lục địa của Việt Nam không phải nhằm mục đích kinh tế mà ý đồ nguy hiểm hơn là nhằm khẳng định chủ quyền mà nước này đòi hỏi tại khu vực này, thậm chí là những khu vực trong vùng thềm lục địa và EEZ của các nước khác. Hành động của Trung Quốc diễn ra khi các nước kỷ niệm ba năm ngày Tòa Trọng tài (PCA)ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc cũng có thể nhằm khẳng định nước này quyết không công nhận phán quyết và tiếp tục theo đuổi yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Hành động của Trung Quốc rất đáng lên án. “Nếu vị trí của tàu khảo sát Trung Quốc thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa), thì đây sẽ là khu vực cực kỳ nhậy cảm với Việt Nam. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là đông dân nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam vi phạm tinh thần hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước. Và bây giờ năm 2019 thì chiếc giầy đang ở trong chân của Trung Quốc. Nếu những gì đang diễn ra ở Biển Đông trong tháng 7 được xác nhận chính xác, thì điều này cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị đẩy đòi hỏi chủ quyền trên biển của mình khi Việt Nam lùi bước”, Giáo sư Carl Thayer cho biết thêm.

Từ Hồng Kông

Tờ South China Morning Post của Hồng Kông cho rằng Trung Quốc đã điều tàu khảo sát vào hoạt động toàn trong vùng EEZ và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam bất chấp việc Lãnh đạo nước này thời gian gần đây liên tục có những tuyên bố, cam kết về đảm bảo hòa bình ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong đó, ngay trong khi đưa tàu Trung Quốc vào Bãi Tư Chính, Chủ tịch Trung Quốc còn tuyên bố sẽ đảm bảo ổn định, an toàn hàng hải bằng những hành động cụ thể.

Từ Mỹ

Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) tại Mỹ cho rằng Trung Quốc đang muốn cảnh báo thế giới rằng nước này sẽ tiếp tục các yêu sách ở Biển Đông và sẵn sàng sử dụng vũ lực đối với các nước. “Trung Quốc đòi chủ quyền với vùng nước lịch sử trong vùng đường đứt khúc 9 đoạn. Nhưng cả khi không có đường đứt khúc, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền với toàn bộ quần đảo Trường Sa và đòi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với quần đảo này. Bắc Kinh sẽ đòi chủ quyền vùng này vì nó nằm trong khoảng 200 hải lý từ quần đảo Trường Sa, dù có hay không có đường đứt khúc 9 đoạn”, theo Chuyên gia Gregory Poling. “Vùng mà tàu này hoạt động là khu vực mà công ty CNOOC của Trung Quốc tuyên bố 9 lô dầu khí và đưa ra mời thầu vào năm 2012, ngoài khơi Việt Nam, và cũng là để gửi thông điệp đến Hà Nội. Không có công ty nước ngoài nào sẵn sàng tham gia đấu thầu các lô này vì không có công ty nào thấy hiệu quả vì việc đưa khí từ đó vào đất liền Trung Quốc là không hiệu quả. Trung Quốc không quan tâm đến khí đốt ở đó, nó không giúp ích gì cho họ cả, không hiệu quả về mặt kinh tế. Nhưng nếu họ có thể khiến công ty nước ngoài tham gia đâú thầu vào một trong nhưng lô mời thầu năm 2012 ở phía bắc Bãi Tư Chính thì đó là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho Trung Quốc. Họ có thể nói là công ty nước ngoài thừa nhận đòi hỏi chủ quyền của họ”.

Từ khu vực Đông Nam Á

Báo Phil Star của Philippines cảnh báo Trung Quốc không nên áp dụng chiến thuật đã thành công với Philippines lại đối với Việt Nam vì sẽ thất bại. Trung Quốc được xem là đã thành công khi thúc ép Philippines cùng khai thác, hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc đại học New South Wales của Australia cho rằng cũng có khả năng vụ đụng độ nằm ở gần khu vực nơi Trung Quốc đã từng bán quyền khai thác dầu khí cho công ty Crestone của Mỹ hồi năm 1992. Nếu vị trí này được xác nhận thì khu vực này cũng là thuộc các lô dầu khí 133 và 134 của Việt Nam.

Một số tờ báo khu vực trích ý kiến của Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam, Chuyên gia uy tín về Biển Đông cho biết nhìn nhận một cách rất khách quan và khoa học thì việc các tàu Trung Quốc vào đó mà không được sự đồng ý của nhà nước Việt Nam là một hành động vi phạm rất thô bạo các quyền là lợi ích hợp pháp của Việt Nam được Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 quy định rất rõ. “Đây không phải lần đầu tiên, mà vi phạm của phía Trung Quốc liên tiếp xảy ra từ sau khi nước này dùng vũ lực để đánh chiếm 7 thực thể phía tây bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và dần dần có những hoạt động ở khu vực này. Đó là một sự vi phạm hết sức trắng trợn và công lý yêu cầu Trung Quốc cần phải chấm dứt những hành động phi pháp đó”, TS Trục nêu quan điểm. Ông Trục cũng cho rằng, những phản ứng của nhà nước Việt Nam những ngày qua là rất chuẩn xác về mặt pháp lý và cũng rất thiện chí về mặt chính trị trong bối cảnh hiện nay.“Hoạt động của tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc cùng một số tàu quân sự Trung Quốc bảo vệ, đã đi vào khu vực bãi Tư Chính, là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam chúng ta”, Chuyên gia Việt Nam cho biết thêm.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, đến nay, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về luật Biển 1982”, bà Hằng nói rõ và nhấn mạnh rằng: Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.

RELATED ARTICLES

Tin mới