Monday, January 6, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKhông để TQ 'viết luật' ở Biển Đông

Không để TQ ‘viết luật’ ở Biển Đông

Mối nguy hiểm lớn nhất lúc này không phải việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo, mà là khả năng khiến các nước khác phải chấp nhận cách “diễn dịch luật pháp quốc tế” của Bắc Kinh.

Tiến sĩ Zach Abuza, giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ, gửi Tuổi Trẻ bài viết về những hiểm họa Trung Quốc đặt ra cho khu vực, liên quan tới việc xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam gần đây.

Ngụy biện

Tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương 8 đã thực hiện khảo sát địa chất trong vùng biển Việt Nam vài tuần nay. Đây là sự vi phạm rõ ràng đối với luật pháp quốc tế.

Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc vốn cũng là thành viên, Việt Nam được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ), cũng như các quyền trong thềm lục địa.

Việc khảo sát của Trung Quốc hay bất kỳ hoạt động khoan thăm dò nào, như Hải Dương 981 năm 2014, cũng là một sự vi phạm rõ ràng tới chủ quyền của Việt Nam.

Quan điểm của Trung Quốc với luật biển vừa ngụy biện vừa thiếu nhất quán. Trong khi khẳng định rằng mình cam kết với luật pháp quốc tế, Trung Quốc đơn phương tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn”, vốn không hề dựa trên luật pháp quốc tế.

Thêm vào đó, dù khẳng định Việt Nam không có thềm lục địa hay EEZ, bản thân Trung Quốc lại tuyên bố những thứ đó trong tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Tòa trọng tài, được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982, về vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, đã đưa ra phán quyết có thẩm quyền nhất về UNCLOS. Phán quyết ấy phủ nhận mọi cơ sở pháp lý đối với “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Tòa trọng tài cũng khẳng định rằng trong khi Trung Quốc có thể đưa “quyền lịch sử” lên các vùng nước thì việc chứng tỏ quyền lịch sử ấy không thể được lấy để bác bỏ quyền lịch sử của các bên tranh chấp khác.

Cần sự khẳng định đa phương từ ASEAN

 Dù thế nào đi nữa, phán quyết của Tòa trọng tài cũng chỉ tác động ít ỏi tới hành vi của Trung Quốc. Không chịu bỏ yêu sách “đường chín đoạn”, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên 6 đảo nhân tạo nữa.

Bắc Kinh tự cho mình EEZ và chủ quyền trên các đảo họ tôn tạo, mặc dù UNCLOS 1982 quy định rõ: đảo nhân tạo không chứa bất kỳ quyền gì trên đó.

Tiếp nữa, Trung Quốc công khai yêu sách về đường cơ sở xung quanh Trường Sa, việc mà họ đã làm ở Hoàng Sa. Trung Quốc tiếp tục áp yêu sách chủ quyền của mình bằng việc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân hàng hải để ngăn ngư dân của các nước khác, bao gồm cả sử dụng vũ lực.

Sau cùng, không gì có thể giúp thách thức việc Trung Quốc đơn phương diễn dịch luật pháp quốc tế tốt hơn một sự khẳng định đa phương từ ASEAN, hành động cùng các đối tác bên ngoài của khối.

Mối nguy hiểm lớn nhất lúc này không phải việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo – điều vốn dĩ họ đã làm rồi, mà là khả năng khiến các nước khác phải chấp nhận cách “diễn dịch luật pháp quốc tế” của Bắc Kinh.

Mỹ gắn chặt với các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS), vốn được sử dụng để thách thức một số khía cạnh trong yêu sách quá đáng của Trung Quốc hoặc các nước khác. Pháp và Anh cũng bắt đầu hành động, nhưng vẫn cần thêm các nước khác nữa.

Trung Quốc vừa thử nghiệm tên lửa chống tàu ở Biển Đông, thể hiện cả năng lực tấn công lẫn số lượng.

Trong lúc Trung Quốc ít khả năng leo thang xung đột quân sự với Mỹ vào thời điểm này, họ vẫn hiểu rằng FONOPS là cái đang chống lại yêu sách quá đáng của mình. FONOPS không chỉ là mối đe dọa về mặt quân sự mà còn là pháp lý nữa.

Nếu luật pháp quốc tế có sức nặng thì các nước cần phải bảo vệ và nỗ lực tuân thủ nó. Nếu không, Trung Quốc không chỉ kiểm soát lãnh thổ, mà còn viết luật.

RELATED ARTICLES

Tin mới