Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaCăn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia – Mối đe...

Căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia – Mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định của khu vực

Ngày 21/7/2019, Tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin Campuchia ký một Thỏa thuận ngầm với Trung Quốc cho phép Bắc Kinh sử dụng một căn cứ hải quân trên lãnh thổ Campuchia.

Thông tin về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự rộ lên từ nửa cuối năm 2018. Khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gửi một lá thư cho Thủ tướng Hun Sen, bày tỏ lo ngại Phnom Penh đang có kế hoạch tiếp nhận khí tài Trung Quốc ở Căn cứ hải quân Ream gần Dara Sakor. Trong lá thư hồi đáp, Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia khước từ mọi hiện diện quân sự nước ngoài, cũng như “bất cứ sự cạnh tranh nào có khả năng đẩy Campuchia vào một cuộc chiến ủy nhiệm thêm lần nữa”.

Để làm yên lòng Việt Nam, nước sẽ chịu nguy hiểm nhất với việc hình thành căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Cămpuchia, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2018, tại họp báo chung với Thủ tướng Việt Nam, ông Hun Sen đã chủ động nhấn mạnh tin tức về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Cămpuchia chỉ là “tin giả”, đồng thời nói thêm rằng Hiến pháp nước này “không cho phép bất cứ nước nào lập các căn cứ quân sự”.

Năm 2008, khi hợp đồng thuê đất được trao cho công ty Trung Quốc, Dara Sakor được quảng cáo sẽ trở thành một trung tâm du lịch mới của Campuchia. Tuy nhiên, quy mô của Dara Sakor (một khối lượng hạ tầng quá lớn so với tiềm năng vùng đất này, nhất là sân bay quốc tế, cảng nước sâu…) khiến Mỹ lo ngại khu nghỉ mát này là một phần trong kế hoạch thiết lập căn cứ hải quân của Bắc Kinh ở Campuchia.

Sau 10 năm, kể từ khi khởi xướng, Dara Sakor đã trở thành một siêu dự án với đầu tư khổng lồ 3,8 tỉ USD của Trung Quốc tại tỉnh Koh Kong thuộc Campuchia – không giống với bất cứ dự án nào ở Đông Nam Á. Khu đất hơn 45.000 ha này bị kiểm soát bởi một công ty Trung Quốc (Tập đoàn Tianjin Union Development Group, một tập đoàn được nhiều lãnh đạo Đảng Cộng Sản Trung Quốc ủng hộ) theo hợp đồng cho thuê 99 năm. Theo các ảnh chụp từ vệ tinh một sân bay lớn với đường băng dài 3,2 km, có thể sử dụng cho các máy bay quân sự đã được hình thành ở Dara Sakor. Cách đó không xa, tại quân cảng Ream, Trung Quốc đầu tư xây dựng 2 cảng nước sâu đủ khả năng tiếp nhận các chiến hạm hải quân cỡ lớn của Trung Quốc.

Trên thực tế, với vỏ bọc bên ngoài thực hiện sáng kiến “vành đai, con đường”, Bắc Kinh đã biến 2 Cảng Hambantota ở Sri Lanka và cảng Gwadar ở Pakistan thành căn cứ hải quân của Trung Quốc dưới hình thức đầu tư sở hữu 99 năm. Đối với các công trình sân bay, cảng biển ở Campuchia cũng chịu chung số phận như các cảng biển ở Sri Lanka và Pakistan, trở thành các căn cứ quân sự của Trung Quốc.

Sự hiện diện hải quân ở đây sẽ mở rộng dấu chân chiến lược của Trung Quốc ở Đông Nam Á, giúp Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông và các tuyến hàng hải trị giá ngàn tỉ đô la. Thiết lập căn cứ ở Campuchia, Hải quân Trung Quốc sẽ có một môi trường hoạt động thuận lợi trong vùng nước xung quanh Đông Nam Á. Cùng với các tiền đồn quân sự Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Campuchia tạo ra một khu vực chiến lược nằm ngay phía sau vành đai phòng thủ của quân đội Trung Quốc. Đây sẽ là hệ lụy lớn nhất cho khu vực, đi kèm theo nó là những ảnh hưởng về chính trị.

Hôm 22/9/2019, ông Hun Sen tiếp tục bác bỏ thông tin của Wall Street Journal về Thỏa thuận ngầm giữa Trung Quốc và Campuchia, khẳng định “một điều như vậy hoàn toàn không thể xảy ra vì nước ngoài đặt căn cứ quân sự là trái với Hiến pháp của Campuchia”. Trong khi đó, Bắc Kinh không bác bỏ cũng không xác nhận thông tin của Wall Street Journal, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chỉ nói một cách chung chung rằng “phía Campuchia đã phủ nhận điều này”. Bất luận thế nào thì việc Trung Quốc đang xây dựng một sân bay lớn và một cảng nước sâu ở Sihanoukvill đã được các ảnh vệ tinh chứng minh. Với tính cách “lá mặt, lá trái” của ông Hun Sen thì những phát biểu của ông Hun Sen không thể phủ nhận được những thông tin mà Wall Street Journal đã đăng.

Theo Wall Street Journal, Thỏa thuận trên – được ký kết từ mùa Xuân năm nay cho phép Trung Quốc quyền được sử dụng một căn cứ hải quân của Campuchia nằm trên Vịnh Thái Lan. Thỏa thuận không được bên nào công khai. Theo một bản dự thảo thỏa thuận mà giới chức Mỹ thu được, Thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân trong vòng 30 năm, và sẽ được làm mới cứ sau mỗi 10 năm. Trung Quốc sẽ được phép triển khai nhân sự, dự trữ vũ khí và neo đậu chiến hạm ở căn cứ hải quân này. Dự thảo Thỏa thuận còn nêu rõ, nhân sự phía Trung Quốc được phép mang theo vũ khí, hộ chiếu Campuchia, và phía Campuchia cần được phía Trung Quốc cho phép mới có thể đi vào khu vực 62 hecta mà Trung Quốc quản lý ở căn cứ Ream. Điều đó có nghĩa là Campuchia đã nhường lại cho Trung Quốc “chủ quyền” của mình tại khu vực này trong thời gian Thỏa thuận ngầm có hiệu lực?

Nếu điều nói trên xảy ra thì đây sẽ là một bước nhượng bộ không thể được chấp nhận đối với bất cứ quốc gia nào. Các bạn có thể tưởng tượng người Mỹ được phép xài hộ chiếu Nhật trên đảo Okinawa không? Không! Chủ quyền sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu sổ hộ chiếu Campuchia được phân phát bừa bãi cho quân nhân Trung Quốc. Campuchia sẽ là một nước thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc. 

Giới phân tích cho rằng, các chiến dịch quân sự được triển khai từ căn cứ hải quân này, hoặc sân bay ở Dara Sakor gần đó, sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường khả năng thực thi các tuyên bố chủ quyền của họ và cả lợi ích kinh tế trên khu vực Biển Đông, đe dọa các đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, và mở rộng tầm ảnh hưởng trên eo biển chiến lược Malacca.

Các chuyên gia cũng cho rằng Thỏa thuận ngầm giữa Bắc Kinh và Nông Pênh sẽ tạo ra những hệ quả rất nghiêm trọng. Campuchia thỏa thuận cho Trung Quốc duy trì khí tài trên đất Campuchia là một biến chuyển lớn làm thay đổi cục diện bố trí lực lượng quân sự ở khu vực. Đây sẽ là căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á và trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình, ổn định của khu vực.

Không phải chỉ có Việt Nam cảm thấy bị mà tất cả các nước khác trong và ngoài khu vực chắc cũng có cảm nhận điều đó bởi lẽ với những bước hành động vươn ra và phóng sức mạnh quân sự của mình sâu vào lãnh thổ Campuchia sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc khống chế toàn bộ Biển Đông, chấn giữ tuyến đường hàng hải huyết mạch.

Đây là lúc cộng đồng quốc tế cần chung tay hành động ngăn chặn mối đe dọa của Bắc Kinh, cần vạch trần bộ mặt dối trá của cả Bắc Kinh và Nông Pênh để xây dựng một trật tự trên Biển Đông và trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế vì một khu vực hòa bình, hữu nghị.

RELATED ARTICLES

Tin mới