Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ xác nhận TQ bắn tên lửa đạn đạo chống hạm mới...

Mỹ xác nhận TQ bắn tên lửa đạn đạo chống hạm mới ra Biển Đông

Sau gần một tháng xác minh, Mỹ đã chính thức xác nhận tên lửa đạn đạo chống hạm Trung Quốc bắn thử hôm 30/6 ở Biển Đông là Cự Lãng 3 – JL3.

Mỹ xác nhận Trung Quốc bắn thử JL-3 ở Biển Đông

Đài truyền hình Nhật Bản NHK dẫn lời Chỉ huy các lực lược quân đội Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson cho biết, 6 tên lửa mà Trung Quốc đã bắn ra Biển Đông hồi tháng trước là tên lửa đạn đạo chống hạm, trong đó có một tên lửa đạn đạo chống hạm mới JL-3 bắn từ tàu ngầm mà Bắc Kinh đã phát triển. Theo Đô đốc Davidson, đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắn thử tên lửa mới ở Biển Đông và gọi thử nghiệm này là một sự cảnh báo không chỉ đối với Mỹ mà còn dành cho cả thế giới.

JL-3 thuộc thế hệ tên lửa JL của Trung Quốc, được phát triển từ kiểu tên lửa Julang-1 (JL-1, hay còn gọi là CSS-N-3) do Học viện số 4 CASIC (đơn vị đóng tại vùng C22-Baoji-Shaanxi) nghiên cứu, thiết kế, phát triển và sản xuất; được phóng thử thành công lần đầu năm 1990 và triển khai sử dụng lần đầu vào năm 2009. Julang-2 (JL-2) là phiên bản tiếp theo, dài 13 m (tầng đẩy 10 m, đầu nổ 3m), đường kính (đoạn lớn nhất) 2 m, có tầm bắn khoảng 7.000 km, có thể từ bờ biển Trung Quốc phóng đến Alska, Guam, Hawai (Mỹ) và khu vực Sibiria của Nga. JL-2 được trang bị bị hệ thống điều khiển đa phương tiện gồm các chức năng tự tìm mục tiêu bằng hình ảnh, điều khiển quỹ đạo bay bằng hệ thống quán tính, điều khiển cưỡng bức quỹ đạo bay bằng lệnh từ mặt đất, tự định vị thông qua hệ thống định vị vệ tinh quân sự, tự hủy trên quỹ đạo khi sai số mục tiêu đến 20 độ hoặc cưỡng bức tự hủy từ mặt đất, tự phá hủy mạch khởi động đầu nổ hạt nhân hoặc cưỡng bức đóng mạch khi chệch mục tiêu hoặc tàu ngầm mang tên mửa bị đánh đắm. JL-2 có khả năng mang 01 đầu nổ thường 1.000 kg hoặc 01 đầu nổ hạt nhân 25 KT. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến nhận định JL-3 có tầm bắn ước tính tới 12.000 km, mang được 5-7 đầu đạn với sức mạnh tương đương 16 quả bom hạt nhân ném xuống Hiroshima. Mỗi tàu Type-096 có thể mang tới 24 tên lửa JL-3, đủ sức đe dọa gần như toàn bộ khu vực Bắc Mỹ mà không cần rời vùng biển gần Trung Quốc. Lớp tàu ngầm này dự kiến sẽ được biên chế trong thập niên 2020, tăng cường đáng kể năng lực răn đe hạt nhân của Bắc Kinh.Tháng 11/2018, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa này từ biển Bột Hải và hồi đầu tháng 6/2019, tên lửa được bắn ở bờ biển miền Bắc Trung Quốc. Những lần phóng trước được thực hiện từ các khu vực gần phía lãnh thổ Mỹ nhất, còn lần phóng thử mới đây lại là trên Biển Đông và thực hiện trên tàu ngầm.

Được biết, ngoài JL-3, Trung Quốc đã đưa các tên lửa chống hạm Dongfeng-21D (DF-21D) và Dongfeng-26 (DF-26) vào hoạt động. Các tên lửa này được cho là có khả năng tấn công chính xác vào các tàu đang di chuyển trên biển. Trong đó, DF-21D được Trung Quốc gọi là “Sát thủ tàu sân bay”, là tên lửa đạn đạo chống hạm có tầm bắn hơn 1.500 km, có thể nạp đạn nhanh chóng và có đầu đạn tháo rời di động. Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng quân đội Trung Quốc hiện có ít nhất 60 phương tiện phóng và 150 tên lửa loại này. Còn đối với DF-26, đây là một tên lửa đạn đạo tầm xa thông thường và hạt nhân do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc chế tạo. Nó có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu trên đất liền hoặc tàu cỡ lớn trên biển. Đây là loại tên lửa đạn đạo chống hạm tầm trung và tầm xa lớn thứ hai trên thế giới sau DF-21D.

Trung Quốc đang đe dọa an ninh của Mỹ

Đáng chú ý, Đô đốc Philip Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông và không trả lời đề nghị của Washington về việc thành lập một cơ chế liên lạc nhằm giải quyết khủng hoảng ở vùng biển chiến lược. Trong những năm gần đây, dù không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song Mỹ vẫn thường xuyên điều động lực lượng quân sự tới khu vực để thực hiện tuần tra đảm bảo tự do hàng hải cũng như phản đối kế hoạch mở rộng quân sự hóa của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược. Về phần mình, Trung Quốc nhiều lần lên tiếng phản đối thậm chí là điều tàu thuyền theo dõi và ngăn cản hoạt động của các chiến hạm Mỹ. Tuy nhiên, ông Davidson một lần nữa khẳng định, Mỹ cam kết tiếp tục hiện diện quân sự ở Biển Đông nhằm giúp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và duy trì trật tự dựa trên luật pháp.

Hải quân Mỹ hiện phát triển hệ thống chống tên lửa SM-6 với đầu đạn nổ. Theo ông Davidson, đây là vũ khí có thể đối phó với đe dọa của tên lửa DF-21D và DF-26. Ngoài ra, Đô đốc Davidson cũng cảnh báo quân đội Mỹ cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống vũ khí nhằm tránh bị lấn át bởi tốc độ phát triển nhanh chóng trong năng lực chiến tranh thông thường cũng như công nghệ cao của Trung Quốc; nhấn mạnh phát triển vũ khí thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống thông tin liên lạc an toàn với công nghệ điện toán lượng tử đang là vấn đề cấp thiết đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Đô đốc Mỹ cũng cho rằng Washington cần có cách tiếp cận trên quy mô toàn chính phủ để tránh nguy cơ bị Bắc Kinh chiếm mất các ưu thế.

Về mặt tích cực, Đô đốc Davidson cho biết nỗ lực của Mỹ nhằm vạch trần các hoạt động của Trung Quốc đã giúp mang lại cho Washington ngày càng nhiều tiếng nói ủng hộ khắp khu vực Ấn Độ và Thái Bình Dương đối với sáng kiến khu vực “tự do và mở” không chịu kiểm soát của Trung Quốc. Để hiện thực hóa các cam kết với khu vực, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên vùng biển là tuyến đường giao thương trị giá hơn 3.000 tỷ USD. Không những vậy, ông Davidson cho biết các hoạt động tuần tra của tàu chiến nước này cũng sẽ ngăn cản Trung Quốc can thiệp vào hệ thống dây cáp thông tin ngầm dưới lòng biển, nối từ bờ Tây nước Mỹ, đi qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, với điểm đến là các nước ở Đông Nam Á; nhấn mạnh “tự do hàng hải không chỉ là chuyện hai tàu khu trục di chuyển an toàn vào ban đêm, chúng ta đang nói về quyền tiếp cận của cả thế giới đối với vùng biển quan trọng nhất hành tinh”.

Nói về vụ phóng 6 tên lửa diệt hạm mới đây của Bắc Kinh, chuyên gia Rick Fisher từ Trung tâm Đánh giá và chiến lược quốc tế, bang Virginia, cho rằng vụ việc này là dấu hiệu cho thấy “cạnh tranh kiểu cũ nhằm kiểm soát các vùng biển đã bước sang thời kỳ mới, các nhóm tàu sân bay hạt nhân sẽ không còn là lực lượng độc bá trên biển”, và Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống gồm nhiều hệ thống, tên lửa đạn đạo chống hạm cùng hàng loạt vệ tinh, radar, cảm biến máy bay cần thiết để định vị chúng, tạo ra mối đe dọa không thể ngăn chặn cho các tàu sân bay. Ông Fisher cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ có thể sử dụng loại vũ khí năng lượng cao như tia laser hoặc súng điện từ để đối phó với các loại tên lửa này. Tuy nhiên, công nghệ này cần nhiều năm nữa mới có thể được triển khai trong thực chiến.

Quá trình Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm

Từ năm 1985 đến nay, Trung Quốc đã có bước chuyển mình vượt bậc về tên lửa đạn đạo nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Mỹ và đồng minh. Ban đầu, Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15 (Đông Phong) với tầm bắn lên tới 1.000 km, chủ yếu dùng để đe dọa các mục tiêu cố định của Mỹ trên vùng nước Tây Thái Bình Dương. Từ năm 1985, các chuyên gia Học viện Công nghệ Trung Quốc tham gia chế tạo động cơ tên lửa cho DF-15 và hoàn thiện một nguyên mẫu tiêu chuẩn giữa năm 1987. Một năm sau, tên lửa DF-15 được trưng bày tại một trong những triển lãm kỹ thuật quân sự. Tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm gần DF-15 được đưa vào biên chế cho Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) đầu năm 1989. Tên lửa đạn đạo DF-15 có khả năng mang đầu đạn nặng đến 500kg, khối lượng phóng của tên lửa là 6.200kg. Tên lửa có thể mang theo các đầu đạn khác nhau như nổ phá mảnh, nhiệt áp, bom chùm và đầu đạn hạt nhân. Lực lượng pháo binh số 2 của PLA có hai lữ đoàn tên lửa trang bị tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-15. Theo dự đoán của Mỹ, quân đội Trung Quốc hiện có khoảng 144 xe phóng DF-15, từ 300 đến 360 tên lửa.

Sau DF-15, Trung Quốc tập trung phá triển tên lửa đạn đạo DF-21 chống hạm, mục đích chủ yếu nhằm vào các tàu khu trục, tuần dương lớn và tàu sân bay Mỹ. Đây là phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa đạn đạo JL-1 (Ngưu Lang), được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân dự án 092 lớp Hạ (Type 092 Xia-Class). Theo chương trình phát triển DF-21, các chuyên gia Trung Quốc hoàn thiện các tính năng kỹ chiến thuật, chủ yếu là phạm vi chiến đấu và độ chính xác. Đến giữa thế kỷ 20, PLA phát triển ba loại tên lửa với những đặc điểm kỹ chiến thuật khác nhau là DF-21A, DF-21C và DF-21D. Trong đó, DF-21A, DF-21C được sử dụng vào mục đích tấn công các mục tiêu cố định của đối phương trên tầm xa từ 2.500km – 2.700km. DF-21D được coi là tên lửa chống hạm đầu tiên, có khả năng tấn công các mục tiêu mặt nước với khoảng cách đến 1.450km.

Tên lửa đạn đạo DF-26 là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung, được biên chế cho quân đội Trung Quốc vào tháng 4/2018. DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của Trung Quốc, nó là bước phát triển từ DF-21 với tầm bắn lớn và độ chính xác được gia tăng. Trung Quốc tuyên bố rằng DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung xuất sắc nhất thế giới do cả Nga lẫn Mỹ không có sản phẩm tương tự vì chịu ảnh hưởng của Hiệp ước INF. DF-26 thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, có chiều dài 14 m; đường kính thân 1,4 m; trọng lượng phóng 20 tấn; tầm bắn chưa thấy công bố rõ ràng, ước tính vào khoảng 3.000 – 4.000 km, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định rằng con số này ít nhất phải đạt tới 5.000 km; tải trọng đầu đạn mà tên lửa DF-26 có thể mang theo nằm trong khoảng 1,2 – 1,8 tấn, nó lắp được đầu đạn hạt nhân. Nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu mà sai số của DF-26 chỉ nằm dưới 10 m. Tuy nhiên, một trong những tính năng nổi bật của tên lửa này là có khả năng đánh trúng các mục tiêu di động. Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. Khả năng đặc biệt của vũ khí mới là tốc độ cao trong triển khai và vận hành. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước, theo các nhà phân tích quân sự. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung. Theo các chuyên gia, tên lửa Đông Phong-26 khi được phóng từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị đánh chặn hơn so với khi phóng từ các khu vực gần bờ biển, bởi trong giai đoạn đầu, tên lửa bay ở tầm khá thấp và dễ bị phát hiện. Đối thủ khả dĩ nhất của tên lửa DF-26 trong khu vực là Agni V do Ấn Độ sản xuất, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự thì tính năng kỹ chiến thuật của DF-26 cao cấp hơn nhiều.

Tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm JL-3 là một trong những loại vũ khí mới nhất được Trung Quốc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm tên lửa diễn ra ngày 24/11/2018 và không nói rõ tầm bắn của JL-3, song theo phỏng đoán của tình báo Mỹ, loại vũ khí này có tầm bắn hơn 9.000km. Thông số này đã vượt xa loại tên lửa đời cũ JL-2 chỉ có tầm bắn từ 7.400-8.000km. Tên lửa JL-3 cùng với lớp tàu ngầm Type 96 đang được chế tạo, sẽ đánh dấu sự hiện đại hóa khả năng răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc. Hiện nay, Bắc Kinh đang sở hữu 4 hoặc cũng có thể nhiều nhất là 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo Kiểu 94 (NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Tấn), được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2. Tầm bắn xa hơn của tên lửa JL-3 sẽ cho phép các tàu ngầm Trung Quốc tấn công các mục tiêu ở sâu trong lục địa, giảm thiểu sự di chuyển vào vùng biển gần đối phương trong một cuộc xung đột, tăng khả năng sống sót cho kíp lái tàu. Hiện tại số lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân sẽ được Trung Quốc đóng vẫn chưa được xác định, nhưng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đưa tàu ngầm Type-96 và tên lửa JL-3 vào trang bị trong những năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới