Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực, việc Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế điều tàu xâm phạm thô bạo vùng biển của Việt Nam sẽ khiến COC rơi vào bế tắc.
Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam
Trong những ngày gần đây, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông. Có thể nói, hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà còn xâm phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông. Theo quy định của UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trước hành động phi pháp trên của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án việc nhóm tàu của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời tái khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Ông Ngô Thường San, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khẳng định hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 đã vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên biển Đông. Theo ông San, Trung Quốc đã ký và là thành viên của UNCLOS thì phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Một nước lớn lại càng phải tôn trọng điều này. Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng Thông tin – Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) nhấn mạnh hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 là vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Giữa Việt Nam – Trung Quốc có tình hữu nghị lâu đời, khăng khít thì nước bạn không nên có những hành vi như thế. Theo đại tá Mẫu, việc phản đối và thể hiện thái độ cương quyết của Việt Nam trong những ngày vừa qua là rất kịp thời. Chúng ta phải đấu tranh kiên trì theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, Trung Quốc phải thực hiện cam kết họ đã đề ra với ASEAN như trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Trung Quốc không thiện chí với COC
Với việc điều tàu thăm dò, tàu chấp pháp và tàu chiến xâm phạm thô bạo Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong những ngày qua cho thấy, Trung Quốc đang coi thường luật pháp quốc tế và không có thiện chí thúc đẩy các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc đàm phán về COC với ASEAN.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca cho biết, Trung Quốc đã thực hiện thăm dò tài nguyên tại khu vực Bãi Tư Chính và khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này đang làm xấu hình ảnh của Trung Quốc và làm mất lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực đối với Trung Quốc. Đặc biệt, hiện nay ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC. Hành động này của Trung Quốc đã gây khó khăn rất lớn, nếu không muốn nói là cản trở quá trình đàm phán và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đàm phán COC thất bại. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nếu cứ tiếp tục các hành động sai trái như thế. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, nếu COC là một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế thì đó sẽ là một công cụ rất tốt để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên biển Đông. Tuy vậy, việc đàm phán để đạt được COC như thế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho tất cả các nước, đòi hỏi các nước ASEAN phải thật sự quyết tâm.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt thuộc Ban Nghiên cứu luật Biển và Hải đảo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định rằng những hành động của Trung Quốc đi ngược lại với những gì chính phủ nước này cam kết, cũng như các văn bản đã ký kết với ASEAN, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn thảo COC.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nhận định, từ bản thảo của Văn bản Thương lượng về COC do Trung Quốc nộp lên, chúng ta có thể thấy họ muốn việc thăm dò dầu chỉ nên được tiến hành giữa các công ty dầu quốc gia thuộc các nước trong ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, các cuộc tập trận giữa lực lượng bên ngoài và bên trong khu vực cần được thông báo trước. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn áp đặt bá quyền ở Biển Đông và tuyến đường hàng hải huyết mạch nơi 1/3 lượng hàng hóa của thế giới đi qua.
Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin nhận định, ngay từ khi ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đàm phán COC, thì đã đặt ra vấn đề là thực tế hợp tác an ninh hàng hải ở vùng biển này như thế nào. Cần nhớ rằng Biển Đông là vùng biển nửa kín, trung tâm hàng hải toàn cầu – nơi hàng hóa có giá trị hàng ngàn tỉ USD được chuyên chở qua đây mỗi năm. Đây là vùng biển hàm chứa quyền lợi kinh tế toàn cầu, nên cần được đảm bảo hòa bình và ổn định, vốn gắn chặt với cả các nước ven vùng biển lẫn các quốc gia có hàng hóa vận chuyển qua đây. Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 chính là cơ sở pháp lý để các nước hợp tác với nhau đảm bảo an ninh, hòa bình. Trong đó, các quốc gia vùng ven Biển Đông đóng vai trò quan trọng để thực thi điều này, nhưng sự đóng góp của các nước bên ngoài quan trọng không kém. Điển hình như eo biển Malacca được kiểm soát bởi 4 quốc gia ven biển giáp ranh, nhưng 4 nước này cũng luôn hoan nghênh các đóng góp, nỗ lực từ bên ngoài. Nói rõ hơn thì các nước vùng ven Biển Đông cũng cần tiếp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài để theo đuổi mục tiêu trên. Sự hỗ trợ có thể là tài chính, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, đào tạo… hay thậm chí là thông tin tình báo. Những hoạt động này cũng giúp cho các quốc gia trong khu vực ngày càng tiến đến năng lực quốc tế. Từ nền tảng đó, COC mới có thể được thực thi hiệu quả hơn trong thực tế, chứ không phải bị “độc quyền” bởi quốc gia nào.
ASEAN cần đoàn kết chống lại Trung Quốc
Theo báo chí Indonesia, phát biểu tại một hội nghị tổ chức tại đại học Paramadina, Jakarta, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (20/7) nhấn mạnh là, nếu ASEAN muốn duy trì được vị thế trung tâm của mình trên trường quốc tế, thì không quốc gia nào có thể đàm phán riêng rẽ với Trung Quốc về các tranh chấp tại Biển Đông; nhấn mạnh là không thể để cho Biển Đông trở thành yếu tố chia rẽ ASEAN, mà ngược lại điều này cần khiến toàn khối siết chặt đoàn kết; đồng thời kêu gọi khối ASEAN đoàn kết để đàm phán với Trung Quốc về COC.
Được biết, từ 29/07 – 03/08, các bộ trưởng Ngoại Giao ASEAN sẽ có cuộc họp tại Bangkok. Báo Nhật Nikkei cho biết, theo một dự thảo tuyên bố chung của hội nghị này, các nước ASEAN ghi nhận các lo ngại liên quan đến các hoạt động đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, “làm gia tăng căng thẳng, và xói mòn lòng tin, có hại cho hòa bình và ổn định của khu vực”.