Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐưa tàu khảo sát xâm phạm vùng biển của Việt Nam, TQ...

Đưa tàu khảo sát xâm phạm vùng biển của Việt Nam, TQ lại là nhân tố chính đe dọa hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực

Trong những ngày đầu tháng 7/2019, Trung Quốc đã đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào hoạt động tại vùng biển gần bãi Tư Chính do Việt Nam kiểm soát, đi cùng tàu thăm dò này là một số tàu hải cảnh và tàu cá dân binh Trung Quốc làm nhiệm vụ bảo vệ. Hành động này cho thấy, Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, không nhất quán giữa lời nói và hành động mà họ vừa mới “đề nghị” với lãnh đạo cấp cao Việt Nam gần đây, không xứng với tư cách một “nước lớn có trách nhiệm” mà nước này từng tuyên bố. Có mấy điều cần nói rõ hơn với công luận trong ngoài nước và cả phía Trung Quốc xung quanh vấn đề này.

Trước hết, cần khẳng định rằng, Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý quan trọng trên biển để thực thi các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ chủ quyền của mình. Trên cơ sở Hiến pháp Việt Nam, năm 2012, Quốc hội Việt Nam thông qua bộ luật biển Việt Nam làm căn cứ pháp lý quan trọng cho các hoạt động của Việt Nam trên biển. Bộ luật này còn được soạn thảo trên tinh thần của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982, được gọi là hiến pháp trên biển của thế giới) mà Việt Nam, Trung Quốc và tất cả các nước xung quanh Biển Đông đều là thành viên.

Căn cứ vào hai văn bản pháp lý này, Việt Nam đã xác lập các quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của mình tại Biển Đông, trong đó:

Nguyên tắc đất thống trị biển là nguyên tắc đầu tiên để xác lập các vùng biển với các chế định tương ứng của các quốc gia. Điều này có nghĩa là: (1) Các quốc gia ven biển có thể xác lập các vùng biển của mình hướng ra biển. (2) Các quốc gia sở hữu các thực thể xa bờ nổi trên mặt nước khi thuỷ triều lên (điển hình nhất là các đảo xa bờ) cũng có thể xác lập các vùng biển bao quanh chúng theo luật pháp quốc tế.

Nguyên tắc này có hệ quả quan trọng là khi càng hướng xa ra biển, quyền kiểm soát của các quốc gia sẽ càng bị hạn chế. Do đó, tuần tự theo hướng đi ra biển, các quốc gia sẽ có chủ quyền đối với vùng nội thuỷ và lãnh hải. Ở các vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, các quốc gia sẽ có quyền chủ quyền và quyền tài phán tương ứng với các đặc điểm khác nhau.

Từ những tuyên bố vào các năm 1977, 1982 và Luật biển 2012, Việt Nam đã thực hiện việc xác lập chủ quyền tại tất cả các vùng biển của mình trên Biển Đông cùng với việc thụ hưởng các quyền và nghĩa vụ tương ứng tại đây.

Thứ hai, về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Đầu tiên, Việt Nam sẽ có chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối đối với nội thuỷ của mình. Nó tương tự với chủ quyền tuyệt đối trên đất liền. Ra đến lãnh hải, Việt Nam sẽ có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có quyền đặt ra luật và thi hành các luật này cho tất cả các hoạt động ở cột nước, vùng trời và đáy biển trong lãnh hải. Tuy nhiên, các tàu thuyền nước ngoài sẽ có quyền đi lại vô hại (đi một cách nhanh chóng, liên tục và khẩn trương) trong lãnh hải. Đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, Việt Nam sẽ có các quyền kiểm soát liên quan đến các vấn đề an ninh như hải quan, nhập cư và vệ sinh môi trường.

Trong vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khai thác kinh tế đối với tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động khai thác năng lượng trong cột nước và đáy biển.

Quyền chủ quyền có thể hiểu là quyền độc quyền khai thác và sử dụng của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các quốc gia khác chỉ có thể tiến hành các hoạt động kể trên nếu được Chính phủ Việt Nam cho phép dưới hình thức phổ biến nhất là các hiệp ước với các điều khoản quy định chặt chẽ về việc khai thác này.

Ngoài ra, các hoạt động khác liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo, các cấu trúc phục vụ cho hoạt động đi biển, nghiên cứu khoa học hay bảo vệ môi trường trong khu vực đặc quyền kinh tế đều nằm trong quyền tài phán của Việt Nam. Điều này có nghĩa Việt Nam có quyền đưa ra các quy định liên quan đến các lĩnh vực trên và lực lượng hành pháp của Việt Nam có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo các quy định trên phải được tuân thủ bởi không những các tàu thuyền của Việt Nam mà kể cả các tàu thuyền nước ngoài đi lại trong khu vực này.

Liên quan đến thềm lục địa, có nhiều trường hợp các quốc gia ven biển có thềm lục địa kéo dài chỉ có 200 hải lý và cột nước phía trên nó cũng là vùng nước đặc quyền kinh tế. Nhưng với các điều kiện địa chất thuận lợi, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có thể mở rộng thềm lục địa ra xa hơn.

Năm 2009, Việt Nam đã nộp hồ sơ mở rộng thềm lục địa của mình cho Uỷ ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc và đang chờ sự xác nhận của cơ quan này.Tuy nhiên, trong thềm lục địa 200 hải lý, Việt Nam đã có đầy đủ các quyền chủ quyền tại đây mà không một sự chiếm đóng hay khai thác của bất cứ quốc gia nào khác có thể làm ảnh hưởng đến tính chất pháp lý của thềm lục địa Việt Nam.

Quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở thềm lục địa tương tự các quyền này ở vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, luật biển quốc tế nhấn mạnh rằng, các hoạt động khoan vào thềm lục địa dù dưới bất cứ hình thức hay mục đích gì đều phải tuân theo các quy định và quản lý của Chính phủ Việt Nam.

Thứ ba, quyền tự do đi lại của tàu thuyền nước ngoài. Đối với cột nước của vùng đặc quyền kinh tế hay cột nước nằm trên thềm lục địa, các tàu thuyền của các quốc gia khác có quyền tự do đi lại.Mặc dù vậy, các hoạt động này phải cần lưu ý và không được có bất cứ hành động nào liên quan đến các hoạt động khai thác kinh tế và các công trình được các quốc gia ven biển xây dựng tại đây. Thậm chí, luật biển quốc tế còn cho phép các quốc gia ven biển thiết lập các vùng an toàn không quá 500m bao quanh các công trình của mình.Việc tôn trọng các vùng an toàn này là nghĩa vụ bắt buộc của tất cả các tàu thuyền, bất chấp quốc tịch, khi đi lại tại đây.

Thứ tư, vùng biển Việt Nam ở Biển Đông là độc lập, không chồng lấn.

Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các nghĩa vụ pháp lý quốc tế để xác lập vững chắc các vùng biển của mình từ đất liền và các đảo gần bờ.Căn cứ vào phán quyết của Toà Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) trong vụ kiện giữa Philippines đối với Trung Quốc, các thực thể tại quần đảo Trường Sa không thể thiết lập các vùng biển xa hơn 12 hải lý xung quanh nó, có thể nói các vùng biển của Việt Nam độc lập và không bị chồng lấn với các vùng biển tạo ra từ quần đảo này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang tiến hành phân định biển với các quốc gia láng giềng ở phía bắc, Trung Quốc, đến các quốc gia ở vùng biển phía namnhư Philippines, Malaysia, Indonesia và Campuchia.

Trên đây là những nội dung cơ bản trong Luật biển năm 2012 của Việt Nam để Việt Nam thực thi các biện pháp bảo vệ chủ quyền của mình, do đó, bất cứ hành động nào xâm phạm đến các quyền đã kể trên của Việt Nam đều vi phạm luật biển Việt Nam và luật biển quốc tế.Điều này đã được khẳng định một lần nữa trong tuyên bố của Việt Nam vào ngày 19/07/2019 liên quan đến các hành vi khiêu khích của tàu Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (bãi Tư Chính).Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Trước những sự kiện diễn ra, xem xét tình hình và đánh giá hành động của Trung Quốc, giới phân tích quốc tế và khu vực đều thống nhất cho rằng:

Thứ nhất, Trung Quốc đang hành động bất hợp pháp, trái với UNCLOS 1982 và phán quyết mà PCA đã đưa ra năm 2016 bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. UNCLOS 1982 và phán quyết của PCA cấm các nước xâm phạm tài nguyên quốc gia của nước khác.Trong trường hợp này, Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Vùng đặc quyền kinh tế là khu vực có chủ quyền của một quốc gia ven biển đối với tài nguyên thiên nhiên. Khi đưa tàu khảo sát đến hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã can thiệp bất hợp pháp vào quyền lợi của Việt Nam.

Thứ hai, hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 đã vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên Biển Đông. Trung Quốc đã ký và là thành viên của UNCLOS 1982 thì phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Một nước lớn lại càng phải tôn trọng điều này hơn thì mới đúng. Trung Quốc đã có tình hữu nghị lâu đời, khăng khít với Việt Nam thì càng không nên có những hành vi như thế. Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), do đó Bắc Kinh phải thực hiện cam kết họ đã đề ra với ASEAN như trong DOC.

Thứ ba, từ hành động này của Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc đang “nói một đằng, làm một nẻo”, bởi họ tuyên bố đang có những tiến triển tốt đẹp trong việc đàm phán về Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) với các nước ASEAN, thậm chí một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nói rằng, ba năm nữa sẽ hoàn thành COC, thế nhưng trên thực tế thì tàu của Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Điều đó chứng tỏ họ không thiện chí với COC, đang đẩy tiến trình đàm phán COCcó thể rơi vào thế bế tắc kéo dài.

Thứ tư, Trung Quốc từng cho rằng, sự can thiệp, quấy rối từ bên ngoài vào khu vực là yếu tố làm cản trở tiến trình đàm phán COC. Thế nhưng, với hành động trên của mình, chính Trung Quốc đang “kéo” bên ngoài vào, khiến cho tình hình khu vực bất an, việc đàm phán về COC vì thế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong khi đó, đánh giá về chính sách đối ngoại và ứng xử của Việt Nam trong vấn đề này, giới phân tích quốc tế và khu vực nhìn nhận, Việt Nam đã nỗ lực sử dụng luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi trên biển và bảo vệ chủ quyền trước các hành vi của Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc là Bắc Kinh đã bất chấp luật pháp quốc tế, một mực duy trì các hành động bất hợp pháp gây tổn hại cho quyền lợi của Việt Nam. Ví dụ như thực hiện các cuộc tập trận đầy nguy hiểm, gây hấn với tàu cá Việt Nam và cả việc tự ý ban hành lệnh cấm bắt cá ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giờ đây lại đưa tàu khảo sát địa chấn xâm phạm chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Trong một diễn biến khác, động thái đáng chú ý nhất là, sau khi xuất hiện hành động trên của Trung Quốc, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Boltomđã lên tiếng. Ngày 19/07/2019, trên trang Twittercủa mình, ông này đã coi hành động trên của Trung Quốc là“cưỡng ép” đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, là hành động đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực, đồng thời nhấn mạnh, “việc tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nền tảng của tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương được Mỹ và các nước ASEAN chia sẻ”.

Đây không phải là lần đầu tiên ông John Bolton phản ứng mạnh hành vi của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 3/2019, ông này cũng nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông là “không thể chấp nhận được” khi trả lời phỏng vấn kênh Fox News. Theo ông Bolton, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và có những hành động khác nhằm ngăn chặn Bắc Kinh biến khu vực này thành “một tỉnh mới của Trung Quốc”. Trong khi đó, ngày 18/07/2019, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ đã chỉ trích Bắc Kinh “phô trương cơ bắp” tại Biển Đông và không phản hồi lời kêu gọi của Washington về việc thiết lập một cơ chế liên lạc khủng hoảng nhằm giảm nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm.

Theo tờ báo SouthChina MorningPost, ông Davidson khẳng định cam kết của Washington về việc hiện diện liên tục ở Biển Đông nhằm giúp giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và duy trì trật tự dựa trên luật pháp. Đô đốc Mỹ cũng chỉ trích tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và nhắc lại việc Bắc Kinh gần đây tiến hành vụ phóng thử tên lửa vào vùng biển này không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri – La ở Singapore hồi tháng 6/2019. 

Đáng chú ý, trong bối cảnh căng thẳng đang xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam tại bãi Tư Chính, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Boltom cho rằng, đến lúc này, Mỹ cùng các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia và cả Nga cần thể hiện rõ rằng, không thể ủng hộ chính sách đầy rủi ro của Trung Quốc. Các nước cần phối hợp cùng Việt Nam để đẩy lùi việc Trung Quốc theo đuổi tham vọng độc chiếm Biển Đông. Nếu những tuyên bố và kế hoạch của ông John Boltom được thực thi thì sẽ đẩy Biển Đông vào một thời kỳ “dậy sóng” mới, với nhiều diễn biến phức tạp hơn. Hòa bình, ổn định và hợp tác đang bị đe dọa và nhân tố chính gây ra không ai khác lại là Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới