Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát trái phép trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc tế và khu vực, đang chú ý nhất trong số đó là phản ứng của Mỹ.
Lần đầu tiên Mỹ chính thức coi “các tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông là phi pháp”
Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra một tuyên bố Mỹ quan ngại về sự can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí ở biển Đông, bao gồm các hoạt động thăm dò, khai thác đã có từ lâu của Việt Nam. “Các hành động khiêu khích liên tục nhằm vào sự phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên biển đe dọa an ninh năng lượng khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố. “Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng bách và đe dọa của bất kỳ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền trên biển nhằm củng cố yêu sách chủ quyền biển hoặc lãnh thổ của họ. Trung Quốc phải chấm dứt lối hành xử bắt nạt và kiềm chế tham gia hoạt động khiêu khích, gây mất ổn định như vậy”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại lời của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu năm rằng “bằng cách ngăn việc phát triển ở biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng bách, Trung Quốc ngăn các thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng có thể khai thác trị giá hơn 2.500 tỷ USD”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói rằng, việc Trung Quốc gia tăng sức ép đối với các thành viên ASEAN để họ chấp nhận các điều khoản có lợi cho Trung Quốc, như hạn chế quyền hợp tác của các quốc gia ASEAN với nước thứ ba hoặc công ty thứ ba, càng bộc lộ rõ ý định của Bắc Kinh trong việc kiểm soát tài nguyên dầu khí ở biển Đông. “Việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở khu vực tranh chấp trên biển Đông, bao gồm sử dụng dân quân biển để đe dọa, cưỡng bách các quốc gia khác, làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực”, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
Dư luận chú ý đến nhiều việc Bộ Ngoại giao Mỹ sử dụng từ “Unlawful” (China’s reclamation and militarization of disputed outposts in the SCS, along with other efforts to assert its unlawful SCS maritime claims, including the use of maritime militia to intimidate, coerce, and threaten other nations, undermine the peace and security of the region). Phản ứng của Mỹ đối với các yêu sách chủ quyền và hành động của TQ ở Biển Đông được xem là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, khi lần đầu tiên Mỹ chính thức coi “các tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông là phi pháp”.
“Lối hành xử cưỡng bách của TQ đối với các nước láng giềng đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”
Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, một chính trị gia có vai trò quan trọng hiện nay trong chính sách đối ngoại của Mỹ, ngày 20/7 cũng đã lên án rằng Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách hành xử cưỡng bách đối với các nước Đông Nam Á. “Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là nền tảng của tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và ASEAN chia sẻ. Lối hành xử cưỡng bách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”, ông Bolton viết trên Twitter.
Tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng biển của Việt Nam. “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói ngày 19/7.