Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐộng thái lạ, Philippines “dám” bác lập trường của TQ về Biển...

Động thái lạ, Philippines “dám” bác lập trường của TQ về Biển Đông

Trái ngược với những tuyên bố gần đây của Chính quyền Tổng thống Duterte về vấn đề Biển Đông và quan hệ song phương với Trung Quốc, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo (25/7) đã bác bỏ lập luận yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, “Trung Quốc nghĩ Biển Đông là của họ. Tổng thống Duterte đã nhắc đi nhắc lại rằng Trung Quốc nghĩ họ sở hữu Biển Đông…Tất nhiên, chúng tôi không công nhận lập trường của Trung Quốc”. Tuyên bố trên của ông Salvador Panelo đưa ra ngay sau khi chính ông này nói với các phóng viên rằng Trung Quốc “sở hữu hợp pháp” Biển Đông. Việc Người phát ngôn của Tổng thống Philippines đưa ra tuyên bố trên đã vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của người dân trong nước. Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio (24/7) đã yêu cầu ông Panelo rút lại phát biểu cùng ngày của mình vì cho rằng nó có thể làm suy yếu thắng lợi ngoại giao của Philippines trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.

Trươc đó, trong một động thái tương tự, Tổng thống Philippines (22/7) đã đọc Thông điệp Quốc gia thường niên trước Quốc hội. Trong Thông điệp Quốc gia của Philippines tiếp tục thể hiện thái độ “mềm mỏng” đối với Trung Quốc, đặc biệt là liên quan tới khu vực vùng Biển Tây Philippines thuộc Biển Đông. Ông Duterte khẳng định việc “tránh xung đột – xung đột vũ trang, bảo vệ chủ quyền biển và tài nguyên thiên nhiên buộc chúng ta phải có hành động cân bằng khéo léo”. Theo ông, “hành động cân bằng khéo léo” nhằm bảo vệ lòng tự hào dân tộc và chủ quyền lãnh thổ này sẽ được thực hiện một cách hòa bình, “trong khuôn khổ kín tại các phòng hội đàm, thay vì cãi lộn trước công chúng”. Đây là một tuyên bố không giống với phong cách thường thấy của Tổng thống Duterte, người mà trước đây đã hơn một lần công khai quan điểm về vấn đề đối ngoại trước giới truyền thông. Sở dĩ có sự mềm mỏng hiếm thấy này bởi trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo này đã thừa nhận rằng “Philippines sở hữu, song Trung Quốc lại là quốc gia kiểm soát Biển Tây Philippines”. Theo ông, tên lửa dẫn đường tại các đảo do Bắc Kinh kiểm soát “có thể bắn trúng Phillipines trong 7 phút”. Xa hơn, ông Duterte khẳng định đã thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình để “xin phép” được đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), nơi thường xuyên chứng kiến sự xuất hiện của ngư dân Trung Quốc. Một tháng trước, ông Duterte cho rằng việc tàu Philippines bị đâm chìm trong EEZ chỉ là “va chạm” đơn thuần.

Ngay sau đó, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ca ngợi chính sách biển của ông Duterte. Báo này khẳng định mong muốn tránh xung đột vũ trang trên biển của nhà lãnh đạo Philippines, hợp tác với Trung Quốc là đúng đắn.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân Philippines không nghĩ vậy. Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Duterte về việc thừa nhận sự hiện diện của Trung Quốc tại EEZ của Philippines. Theo ông, sự xuất hiện thường xuyên của các tàu chiến từ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Australia, Nhật Bản… trên Biển Đông, bao gồm vùng Biển Tây Philippines, cho thấy Trung Quốc không kiểm soát vùng biển này.

Chính vì thái độ có thể nói là yếu hèn của Chính quyền Duterte khiến Trung Quốc liên tục điều tàu chiến đi vào nội thủy của Manila mà không bị cản trở. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết tàu chiến Trung Quốc trong năm đã nhiều lần đi qua vùng biển nội thủy mà không thông báo cho Manila. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (25/7) cho biết, trong năm nay các tàu chiến Trung Quốc đã ít nhất 4 lần đi qua vùng biển giữa vịnh Bongao và eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi của Philippines. Theo ông Lorenzana, đây là nơi có lượng lưu thông lớn với khoảng 150 tàu, chủ yếu là tàu thương mại, đi qua mỗi ngày. Tuy nhiên, theo luật, Trung Quốc cần phải thông báo cho Philippines nếu điều các tàu chiến đi qua vùng biển nội thủy của Manila. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết đội hình tàu Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu gồm những chiến hạm cỡ nhỏ và không có tàu sân bay Liêu Ninh. Ông Lorenzana cũng tiết lộ Đại sứ Trung Quốc ở Philippines đã cam kết trong tương lai sẽ thông báo với chính quyền Manila trước khi có hành động tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới