Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các nước trong khu vực công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan, sáng 1/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Nhật Bản.
Tại hội nghị, trao đổi về tình hình thế giới và khu vực, các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực, bao gồm Biển Đông; nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); nhấn mạnh thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và khuyến khích các nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cùng đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển.
Cùng ngày, phát biển tại Bangkok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như việc Bắc Kinh xây đập ở thượng nguồn sông Mekong.
Ngoại trưởng Pompeo kêu gọi các nước trong khu vực “công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông”. Ông Pompeo cũng cho rằng việc Trung Quốc xây đập ở thượng nguồn sông Mekong đã gây ra tình trạng mực nước thấp kỷ lục trong thập kỷ qua, ảnh hưởng đến tuyến đường vận chuyển huyết mạch này.
Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên trong năm nay với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52).
Hai bên đã thảo luận về hàng loạt vấn đề, từ cuộc chiến thương mại giữa hai nước, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với tập đoàn viễn thông Huawei, vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, quyền tiếp cận đối với các vùng biển tranh chấp, vấn đề Đài Loan…
Phát biểu sau cuộc hội đàm dài 30 phút, trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông đã có cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc với người đồng cấp Vương Nghị về mối quan hệ Mỹ – Trung cùng nhiều chủ đề khác.
Ông Pompeo nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc nếu điều đó thúc đẩy lợi ích của Mỹ”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhấn mạnh: “Vào những thời điểm khác nhau, có nhiều vấn đề nảy sinh giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng dù đó là vấn đề gì, điều quan trọng là hai bên đã ngồi lại và thảo luận trực tiếp với nhau”.
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, ngày 31/7, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông.
Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực.