Tuesday, November 26, 2024
Trang chủĐàm luậnDiễn biến khó lường trên Biển Đông

Diễn biến khó lường trên Biển Đông

Nhiều nước ASEAN và các đối tác đã chia sẻ quan ngại sâu sắc về vấn đề Biển Đông, kêu gọi không có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình.

Hôm qua tại Thái Lan tiếp tục diễn ra loạt hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các đối tác Úc, Nhật Bản, Canada, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc, EU, trong đó Biển Đông là một trong các vấn đề “nóng” được đưa ra thảo luận.

Nhìn thẳng vấn đề

Trong cuộc họp báo chiều qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích Trung Quốc về hành vi “cưỡng ép” ở Biển Đông. Nhà ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên (COC) khi ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất lần đọc thứ nhất trong 3 lần đọc của quá trình đàm phán, Mỹ cùng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Trước đó tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản, ngoại trưởng các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông, hàm ý chỉ trích các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở vùng biển này, theo Kyodo News. Hội nghị do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đồng chủ trì. Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Kono nói rằng tình hình Biển Đông “mỗi năm càng xấu đi” và Nhật chia sẻ sự lo ngại với khối ASEAN về vấn đề này. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cùng đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển.
Hôm 31.7, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Trả lời câu hỏi của BBC liên quan đến tình hình Biển Đông, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết chính phủ nước này tin rằng vấn đề Biển Đông có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản. “Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp trên biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc đe dọa hay sử dụng vũ lực, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông đối với tất cả các nước liên quan”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật nêu rõ.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Ấn Độ hôm qua, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và thịnh vượng, trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực, theo Đài News 18. Tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nga và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – New Zealand chiều 31.7, vấn đề Biển Đông cũng được đưa ra bàn luận và các nước đều nhìn nhận rõ diễn biến phức tạp, đáng quan ngại hiện nay.

Việt Nam nêu rõ hành động phi pháp của Trung Quốc

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trực tiếp nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 hôm 31.7, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-08 (Hải Dương 8) của Trung Quốc, được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định những hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, theo UNCLOS 1982.
Theo Phó thủ tướng, nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển mà Trung Quốc đã tiến hành. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển, và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất, theo TTXVN.
Ngay tại cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chiều 31.7, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thẳng thắn nhấn mạnh hành động như của nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Trong các cuộc đối thoại, các nước đều ghi nhận quan ngại của Việt Nam, nhất trí cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không có hành động gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực đối thoại và xây dựng lòng tin, ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN trong đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.

Philippines phản đối tàu cá Trung Quốc

Theo The Philippine Star, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. xác nhận Manila đã chính thức phản đối Trung Quốc về việc điều hơn 100 tàu cá đến khu vực quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. “Biện pháp ngoại giao đã được tiến hành”, Ngoại trưởng Philippines viết trên Twitter, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon Jr. cho biết ông đã đề xuất biện pháp ngoại giao sau khi 113 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đang “vây kín” đảo Thị Tứ từ ngày 24 – 25.7. Đảo này nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang do Philippines chiếm đóng. Ông Esperon cho biết số tàu cá Trung Quốc tăng lên 113 chiếc vào ngày 24.7, so với 61 chiếc vào ngày 8.2.

RELATED ARTICLES

Tin mới