Tuesday, December 24, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMục tiêu nhắm tới của TQ khi tiến hành các cuộc tập...

Mục tiêu nhắm tới của TQ khi tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần eo biển Đài Loan

Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc cho biết quân đội Trung Quốc tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thậtbắt đầu từ ngày 29/7 cho đến 2/8 tại khu vực ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến phía Tây Đài Loan. Liên quan hoạt động này, giới quan sát nhận định Trung Quốc muốn đạt được một số mục tiêu dưới đây.

Thứ nhất, nhằm tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của nước này đối với vấn đề Đài Loan là không chấp nhận “Đài độc” và thực thi nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Tuần đầu năm 2019, tại Lễ kỷ niệm 40 năm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu về chính sách Đài Loan quan trọng nhất kể từ khi ông lên nắm quyền. Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình thể hiện thái độ nhất quán “cái cần mềm mỏng thì mềm mỏng hơn, cái cần cứng rắn thì cứng rắn hơn”. Ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh tuyệt đối không để lại bất cứ không gian nào cho các hoạt động ly khai Đài Loan độc lập dưới mọi hình thức. Bài phát biểu cứng rắn với Đài Loan của ông Tập Cận Bình và thái độ đối kháng, muốn duy trì hiện trạng tự trị của chính quyền bà Thái Anh Văn đã đẩy Đài Loan vào một tình cảnh đầy thách thức. Tại Đối thoại Shangri-la 2019, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa nhấn mạnh: “Nếu ai đó muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài chiến đấu bằng mọi giá vì sự thống nhất đất nước”.

Thứ hai, gửi tín hiệu mạnh mẽ giới lãnh đạo tại Đài Loan hiện nay như Trung Quốc đã tuyên bố chưa bao giờ từ bỏ và sẵn sàng sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Vì Đài Loan cũng đã cho thấy sự đáp trả Trung Quốc một cách mạnh mẽ, khi tổ chức cuộc tập trận quân sự thường niên của mình hồi tháng 5, thề sẽ bảo vệ được mình trước mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự quanh Đài Loan, bao gồm hoạt động bay thường xuyên mà Bắc Kinh gọi là tập trận “bao vây đảo” và đưa các tàu chiến tới khu vực xung quanh. Hiện tại, có vài nhân tố chính có thể ảnh hưởng đến việc liệu Trung Quốc có dùng vũ lực để thống nhất hay không. Thứ nhất, sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan đã chạm tới giới hạn của Trung Quốc. Trở ngại lớn nhất của việc dùng vũ lực thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh không phải là sự đối kháng của chính Đài Loan mà là Mỹ. Bên cạnh đó, rất có thể còn có sự can dự và can thiệp quân sự của Nhật Bản. Thứ hai, tình hình trên eo biển Đài Loan nằm ngoài tầm kiểm soát. Đời sống chính trị và xã hội ở Đài Loan cũng đang có sự biến đổi, từ quan điểm giữ nguyên hiện trạng sang yêu cầu trưng cầu dân ý đòi độc lập và gia nhập Liên Hợp Quốc. Nguyên tắc Bắc Kinh muốn duy trì trong quan hệ với Đài Bắc là “nhận thức chung 92”, một Trung Quốc tùy cách hiểu mỗi bên. Tuy nhiên, sau khi Tiến sĩ Thái Anh Văn lên cầm quyền, Đài Loan dường như không chấp nhận “nhận thức chung 92”. Thứ ba, sức ép từ dư luận trong nước Trung Quốc cũng sẽ khiến Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ thống nhất bằng quân sự.

Thứ ba, đáp trả những động thái can dự của Mỹ và phương Tây hiện nay trong vấn đề Đài Loan. Trong Sách trắng Quốc phòng 2019 vừa qua, Trung Quốc đã tái khẳng định sẵn sàng chống lại những người cố gắng chia cách Đài Loan khỏi đại lục và buộc tội Mỹ gây bất ổn toàn cầu, đồng thời phản đối việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Sở dĩ Trung Quốc lo ngại sự can dự của Mỹ đối với Đài Loan vì từ khi Mỹ có động thái công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và ngừng việc công nhận nước Trung Hoa Dân quốc vào năm 1979 và tuyên bố rằng chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “Chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc”. Tuy nhiên, Mỹ không nhượng bộ yêu cầu của Trung Quốc rằng nước này công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan.Đài Loan và Mỹ đang tham gia các chương trình chung trong Khuôn khổ đào tạo hợp tác toàn cầu, làm việc cùng nhau nhằm mở rộng sự hợp tác vốn đã mạnh mẽ giữa hai bên nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu trong các lĩnh vực như viện trợ nhân đạo quốc tế, y tế công cộng, bảo vệ môi trường, năng lượng, công nghệ, giáo dục và phát triển khu vực. Trong năm 2012, hai quốc gia đã cùng khởi động Chương trình đối tác lãnh đạo quần đảo Thái Bình Dương, và vào năm 2014, Mỹ đã tham gia với tư cách đối tác sáng lập của Chương trình đối tác môi trường quốc tế do Đài Loan khởi xướng. Quan hệ đối tác cũng được nhấn mạnh bởi các nỗ lực hợp tác gần đây của Đài Loan và Mỹ để phản ứng trước các vấn đề cấp bách, từ dịch bệnh Ebola và MERS đến cuộc khủng hoảng nhân đạo về người tị nạn ở Trung Đông. Đài Loan đã chứng tỏ là một đối tác sống còn không chỉ đối với Mỹ, mà còn đối với khu vực. Từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ đã cho thấy việc nước này đang tăng cường cacsmoois quan hệ với Đài Loan, đầu tiên là việc cho phép quan chức hai bên tiến hành các cuộc thăm viếng lẫn nhau thay vì trước đây chỉ là du lịch hoặc quá cảnh. Hai là xúc tiến các hợp đồng mua bán vũ khí từ Mỹ cho Đài Loan, trong đó có nhiều loại vũ khí chiến lược mà Bắc Kinh phải dè chừng. Ba là tăng tần suất các chuyến tuần tra tàu quân sự của Mỹ qua eo biển Đài Loan và các hoạt động hợp tác quân sự hai bên. Bốn là liên tục ra các tuyên bố ủng hộ Đài Loan trong các phát biểu, chiến lược… của giới lãnh đạo Mỹ. Vì vậy, những hành động quân sự khẳng định ảnh hưởng trong lúc này sẽ là lựa chọn của Bắc Kinh. Ngày 7/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng kêu gọi Mỹ chấm dứt các hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan nhằm tránh làm tổn hại quan hệ song phương, cho biết Bắc Kinh đặc biệt lo ngại việc Washington lên kế hoạch bán lô vũ khí trị giá gần 2,7 tỷ USD cho Đài Bắc. Trung Quốc cuối năm 2018 cũng đã phản ứng dữ dội trước việc chính phủ Mỹ phê duyệt hợp đồng vũ khí 330 triệu USD với Đài Loan, kêu gọi Washington tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” bằng việc chấm dứt hợp đồng bán vũ khí và cắt quan hệ quân sự với Đài Bắc.

Bên cạnh ba mục tiêu trên, giới quan sát cũng cho rằng cùng với đồng bộ các động thái từ quân sự, chính trị đến ngoại giao, trong đó bao gồm cả việc Trung Quốc có các hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, Bắc Kinh muốn khẳng định ảnh hưởng sức mạnh cứng trong khu vực bao gồm hai vấn đề mà nước này ngang nhiên tuyên bố là “lợi ích cốt lõi” là vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Những hành động đơn phương của Trung Quốc sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực đến tình hình khu vực và quốc tế như gia tăng căng thẳng trong khu vực; thúc đẩy chạy đua vũ trang, các hoạt động quân sự thị uy sức mạnh; tiềm ẩn nguy cơ đụng độ quân sự giữa các bên; ảnh hưởng đến hoạt động giao thương hàng hóa trong khu vực Biển Đông… Những hệ lụy này hoàn toàn đi ngược lại với xu thế và mong muốn chung của các nước hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới