Wednesday, December 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhilippines và Mỹ sẽ phối hợp đấu tranh TQ ở Biển Đông?

Philippines và Mỹ sẽ phối hợp đấu tranh TQ ở Biển Đông?

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, Tổng thống Philippines Duterte thường xuyên thể hiện lập trường xích lại gần Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư và xa rời đồng minh Mỹ. Để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Duterte còn tạm thời gác lại, không đề cập đến phán quyết 12/7/2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông mà trong đó Philippines đã giành chiến thắng ngoại mục, thắng lợi trong hầu hết các nội dung Philippines đã khởi kiện.

Tuy nhiên, sau 3 năm tích cực thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, ông Duterte đã không đạt được các mục tiêu đề ra trong hợp tác kinh tế đầu tư với Trung Quốc. Trái lại, các quyền và lợi ích trên biển của Philippines tiếp tục bị Trung Quốc xâm phạm. Các lực lượng Hải cảnh, Kiểm ngư và dân quân biển của Trung Quốc tiếp tục uy hiếp lực lượng chấp pháp và tàu cá, ngư dân Philippines, thậm chí tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá và bỏ mặc ngư dân Philippines lênh đênh trên biển ngay trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines. Xem ra, sau một thời gian nỗ lực ông Duterte cũng đã “chán ngấy” Bắc Kinh.

Những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đã buộc Philippines phải thay đổi thái độ của mình trên vấn đề Biển Đông. Trong những tháng đầu năm 2019, Philippines đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập với các nước Mỹ, Nhật… ở Biển Đông. Vấn đề Biển Đông cũng trở thành một nội dung quan trọng được thảo luận trong Cuộc đối thoại chiến lược Mỹ – Philippines kéo dài hai ngày tại Manila trung tuần tháng 7/2019.

Trước cuộc họp, trả lời phóng viên đài NHK của Nhật hôm 12/7/2019, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương David R. Stilwell bày tỏ quan ngại về hành động quân sự hóa vùng biển tranh chấp của Trung Quốc, nhấn mạnh “dù được dán mác là các ngọn hải đăng hay nơi trú ngụ cho các ngư dân, chúng rõ ràng là các cơ sở quân sự” và nói “Hôm nay, tình cờ cũng là ngày đánh dấu 3 năm ngày Tòa quốc tế về Luật Biển năm 2016 ra phán quyết cũng nói rằng Liên Hợp Quốc và thế giới cùng chia sẻ các quan ngại về việc phát triển các thực thể ở lãnh thổ tranh chấp”.

Tại cuộc họp cả Philippines và Mỹ đều thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh vững mạnh trong việc tăng cường hợp tác an ninh, cũng như thúc đẩy ổn định và thịnh vượng khu vực. Trong Tuyên bố chung của cuộc họp hai bên khẳng định cam kết bảo vệ tự do hàng hải, hàng không và các hoạt động hợp pháp khác ở Biển Đông. Hai nước cũng coi trọng việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế vốn được đề cập trong Công ước về Luật biển.

Sau cuộc họp, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ luôn sát cánh cùng Philippines để bảo vệ và duy trì tự do hàng hải tại Biển Đông. Ông Esperon nhấn mạnh “Philippinescó thể không phải là một cường quốc quân sự, nhưng chúng tôi tự tin có thể giữ vững chủ quyền lãnh thổ ở vùng biển Tây Philippines (Biển Đông”.

Đặc biệt là ngay sau đó, ngày 17/7/2019, phát biểu trên truyền hình Philippines, Tổng thống Duterte nói “Tôi đang kêu gọi Mỹ. Tôi đang cầu khẩn hiệp ước Mỹ – Philippines. Tôi muốn Mỹ triển khai toàn bộ Hạm đội 7 để đối đầu Trung Quốc. Tôi đang yêu cầu họ. Tôi sẽ tham gia cùng họ, tôi sẽ ngồi cùng với đô đốc Mỹ trên tàu chiến”.

Hiệp định Tương trợ Quốc phòng giữa Mỹ và Philippines được ký kết vào năm 1951, những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Theo hiệp ước này, Manila và Washington cam kết hỗ trợ cho nhau trong trường hợp một trong hai quốc gia bị tấn công vũ trang vào lãnh thổ lục địa hoặc đảo ở Thái Bình Dương thuộc quyền tài phán của quốc gia đó, các lực lượng vũ trang, các tàu hoặc máy bay ở Thái Bình Dương. Tháng 3/2019, khi thăm Philippines Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã nhắc lại về Hiệp định Tương trợ Quốc phòng 1951, đồng thời giải thích rằng Biển Nam Trung Hoa nằm ở Thái Bình Dương, và rằng mọi cuộc tấn công vũ trang vào quân đội, tàu nhà nước, hay máy bay Philippines ở Biển Nam Trung Hoa sẽ kích hoạt Điều 4 của Hiệp định Tương trợ Quốc phòng. Tuyên bố chung của Cuộc đối thoại chiến lược Mỹ – Philippines tại Manila cũng đã khẳng định lại nội dung phát biểu của ông Pompeo.

Văn bản đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ ở Manila có đoạn: “Là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Philippines có vị thế tốt để bảo đảm rằng văn bản về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông của ASEAN hoàn toàn đúng với luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền tự do hàng hải, quyền bay ngang và việc sử dụng một cách hợp pháp vùng biển cho tất cả các nước, cũng như các quyền của các nước tuyên bố chủ quyền nhằm theo đuổi các thỏa thuận an ninh và phát triển với các đối tác mà họ lựa chọn”.

Với những động thái của cả Philippines lẫn Mỹ thời gian gần đây cho thấy “gió đã đổi chiều”. Trước những hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines cần đến sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển của mình, từng bước thúc đẩy thực thi phán quyết 12/7/2019 của Tòa Trọng tài. Mỹ cũng có nhu cầu tranh thủ Philippines để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, duy trì tự do an ninh an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông.

Do vậy, xét về mặt lợi ích cả Philippines và Mỹ đều có nhu cầu hợp tác, phối hợp với nhau để đấu lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Lúc này lúc khác, quan hệ Philippines và Mỹ có thể có những trục trặc, song nhìn tổng thể mà nói thì Philippines vẫn là đồng minh của Mỹ ở khu vực. Bắc Kinh dù muốn che dấu thể nào thì họ vẫn hiện nguyên hình là một kẻ bành trướng, bá quyền buộc các nước phải cùng hợp tác để ngăn chặn. Chúng ta sẽ cùng quan sát xem Philippines và Mỹ sẽ làm gì để đối chọi với Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới