Saturday, December 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 06/08/2019

Bản tin Biển Đông ngày 06/08/2019

Bản tin Biển Đông ngày 06/08/2019.

Tàu Trung Quốc rút khỏi đảo Thị Tứ sau khi Phillipines phản đối

Ngày 6/8, ABS-CBN trích dẫn nguồn tin từ quân đội Philippines cho biết hơn một trăm tàu của Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển ngoài khơi đảo đảo Thị Tứ ở Biển Đông sau khi Manila lên tiếng phản đối về sự hiện diện này. Khoảng 140 tàu Trung Quốc đã có mặt quanh đảo Thị Tứ do Philippines quản lý vào hồi tháng 7, sau đó giảm xuống còn khoảng 115 tàu sau cơn áp thấp nhiệt đới Falcon.

Ông Rene Medina, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Miền Tây của quân đội Philippines, nói với các phóng viên “Chúng tôi không biết lý do vì sao song trong 4 ngày vừa qua, chúng tôi không thấy bất kì tàu cá nào ở khu vực này. Chúng tôi đang làm việc cùng lực lượng đặc nhiệm phía Tây để tiến hành tuần tra xác thực lại thông tin.”

Tổng thống Philippines Duterte theo đuổi chính sách thân Trung Quốc kể từ khi lên nhậm chức vào năm 2016. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại trong khi Philippines tạm gác vấn đề tranh chấp chủ quyền để tranh thủ nguồn đầu tư từ Trung Quốc thì Bắc Kinh lại đang củng cố dần kiểm soát thực tế trên biển thông qua chiến thuật vùng xám và sự kết hợp giữa các chiến thuật chính trị, quân sự, kinh tế, dần dần làm chủ Biển Đông trên thực tế.

Tranh chấp ở Biển Đông, hợp tác khai thác chung có thể là những vấn đề được nhắc tới trong cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ngày 5/8, GMA News Online đưa tin Người Phát ngôn Tổng thống Philippines Duterte Salvador Panelo phát biểu tại họp báo cho biết tranh chấp trên biển và kế hoạch thăm dò khai thác chung ở biển Tây Philippines (một vùng biển thuộc Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền) “có thể sẽ là một phần của cuộc trao đổi” giữa hai nhà lãnh đạo vào cuối tháng này.

Đây là chuyến thăm thứ năm của Tổng thống Duterte đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức vào năm 2016. Chuyến thăm gần nhất là vào tháng 4 khi ông tham dự “Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai” tại Bắc Kinh. Trong Thông điệp Quốc gia lần thứ tư được đưa ra vào ngày 22/ 7, Tổng thống Duterte tái khẳng định biển Tây Philippines thuộc về Philippines. Ông cũng cho biết chính phủ sẽ ngăn chặn Trung Quốc đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines “vào thời gian thích hợp”.

Tấn công mạng trong tranh chấp Biển Đông

Ngày 5/8, The Diplomat đăng bài viết của tác giả Mark Manantan (Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan) về vấn đề tấn công mạng trong tranh chấp trên Biển Đông. Theo đó, tác giả cho rằng Trung Quốc không bao giờ tiếp cận vấn đề Biển Đông bằng những chiến thuật một chiều hay quá đơn giản. Thay vào đó, Trung Quốc sử dụng kho “vũ khí” tinh vi liên quan đến chính trị, kinh tế, chiến lược. Chiến tranh hay đối đầu quân sự vẫn được để ngỏ, nhưng những diễn biến gần đây ở Biển Đông đã cho thấy, trái ngược với thước đo “được ăn cả, ngã về không” của Tổng thống Philippines Duterte, Trung Quốc đã liên tục sử dụng các biện pháp can dự để củng cố quyền kiểm soát đơn phương đối với Biển Đông, bao gồm tấn công mạng.

Một báo cáo được enSilo công bố gần đây cho thấy nhóm gián điệp không gian mạng Trung Quốc có tên là APT10 đã triển khai hai biến thể phần mềm độc hại nhắm vào các tổ chức chính phủ và tư nhân ở Philippines vào tháng Tư vừa qua. Cũng trong tháng Tư, Hiệp hội Phân tích Philippines (AAP) phát hiện các tập lệnh liên quan đến Trung Quốc được chèn vào mã nguồn của các trang web chính phủ khác nhau của Philippines như malacanang.gov.ph, dict.gov.ph, comelec.gov .ph, pnp.gov.ph, navy.mil.ph và laguna.gov.ph. AAP cho rằng các tập lệnh được triển khai nhằm mục đích chặn các hệ thống khác nhau và thu thập thông tin từ các tài khoản được nhắm đến.

Khi các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc nổ ra, điều quan trọng là phải đặc biệt chú ý đến yếu tố chính trị của các hoạt động này. Thời điểm và ý định của các hoạt động tấn công mạng đặt ra nhiều nghi vấn. Các cuộc tấn công được ghi nhận gần đây vào tháng Tư, trùng khớp với những diễn biến lớn trong môi trường chiến lược và an ninh của Philippines, khởi phát từ các vấn đề đối nội và đối ngoại. Và tất cả đều có liên quan lớn đến Biển Đông: Lực lượng vũ trang Bộ chỉ huy Miền Tây Philippines báo cáo về hiện diện và hoạt động của 275 tàu dân quân biển Trung Quốc xung quanh khu vực đảo Thị Tứ; ông Duterte đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay, cam kết sẽ hạ lệnh quân đội thực hiện các nhiệm vụ cảm tử nếu Bắc Kinh vượt qua “giới hạn đỏ”; Mỹ và Philippines tái khẳng định quan hệ chiến lược trong khi Chỉ huy Hải quân Mỹ tuyên bố Mỹ sẽ xem tàu dân quân biển Trung Quốc như tàu Hải quân.

Hơn nữa, tháng Tư cũng là tháng áp chót trước khi hoàn tất đàm phán 20 năm giữa Philippines và Indonesia về hiệp ước biên giới trên biển của hai bên, dựa trên UNCLOS 1982. Một thỏa thuận như vậy giúp phân định sự chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của hai quốc gia hải đảo.

Việc gia tăng số lượng các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc trong thời gian này có thể là do những diễn biến trên. Những tin tặc được nhà nước bảo trợ có thể đang tìm cách truy cập thông tin có giá trị để theo dõi xem liệu rằng các phát biểu của Tổng thống Duterte có được chuyển hóa thành các chính sách thực tế nhằm đẩy lùi “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc hay không, nhất là khi Washington đưa ra các cam kết bảo vệ Manila. Các dữ liệu tình báo quan trọng cũng sẽ giúp cho Trung Quốc đưa ra cách tiếp cận mới cho chiến thuật vùng xám hiện tại, đặc biệt là khi Philippines bắt đầu tìm ra các chiến lược cải tiến khác nhằm kiểm soát các đảo do Manila nắm giữ. Trong khi đó, thỏa thuận hàng hải giữa Philippines và Indonesia cũng đưa ra triển vọng cải thiện cách thức các quốc gia ASEAN giải quyết một cách hòa bình các vấn đề bằng việc sử dụng phán quyết trọng tài như một tài liệu tham khảo chính, điều mà Trung Quốc kịch liệt phản đối.

Cuộc tấn công mạng của Trung Quốc cũng có thể là một chiến thuật phủ đầu trong quá trình dự thảo COC của ASEAN, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019. Sau các vụ va chạm hàng hải gần đây, Philippines, với tư cách là điều phối viên chính của COC, đang bày tỏ sự cấp bách cần nhanh chóng hoàn thành COC. Những diễn biến gần đây đòi hỏi phải định hình được các cơ chế trong COC, sao cho có thể ngăn chặn hoặc chống lại với sự bành trướng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các hoạt động gần đây của tin tặc Trung Quốc diễn ra trong thời gian ngắn hay là một phần trong kế hoạch phối hợp mới, nhằm thực thi quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Vẫn rất khó để đánh giá được mức độ nguy hiểm của các hoạt động này. Tuy nhiên, các bằng chứng từ lịch sử và hiện có với các nhóm tin tặc như APT 10 cho thấy việc sử dụng các cuộc tấn công mạng sẽ vẫn là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới