Sau khi Trung Quốc điều tàu hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, phía Mỹ đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn chỉ trích Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagu (20/7) đã phát đi Thông cáo bày tỏ quan ngại trước các thông tin về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí từ lâu của Việt Nam. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động phát triển dầu khí ở ngoài khơi đã đe dọa tới an ninh năng lượng trong khu vực và gây tổn hại cho thị trường năng lượng tự do và cởi mở tại Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington “kịch liệt phản đối hành vi cưỡng ép trái phép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định yêu sách hàng hải hoặc chủ quyền của mình”, đồng thời yêu cầu “Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt, kiềm chế tham gia vào các hành động khiêu khích và gây bất ổn”. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lại tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo đầu năm 2019 nói Trung Quốc “ngăn chặn phát triển kinh tế ở Biển Đông thông qua ép buộc… không cho các nước thành viên ASEAN tiếp cận trữ lượng năng lượng trị giá 2.500 tỷ USD ở đây”. Thông cáo dùng nhiều lời lẽ mạnh mẽ lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, dùng các tàu dân quân để “áp đảo, ép buộc và đe dọa các nước khác, gây nguy hại đến hòa bình và an ninh của khu vực”. Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc “ngày càng gây sức ép buộc các nước ASEAN phải chấp nhận Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các điều khoản giới hạn quyền của các nước hợp tác với các công ty, các nước thứ ba”, và điều này cho thấy ý đồ của Bắc Kinh muốn kiểm soát toàn bộ tài nguyên dầu khi trên Biển Đông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (19/7) cũng lên tiếng chỉ trích hành động đe dọa hòa bình và an ninh của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ông John Bolton nhận định tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là vấn đề căn bản trong tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ và ASEAN. Hành vi cưỡng ép của Trung Quốc nhằm vào các nước láng giềng Đông Nam Á đang phản tác dụng và đe dọa hòa bình – ổn định khu vực.
Tư lệnh Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) Đô đốc Karl L. Schultz (24/7) nhận định các hành động của tàu dân quân biển và cảnh sát biển Trung Quốc không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ; nhấn mạnh “đối với tuần duyên Mỹ, hải quân Mỹ, các đồng minh và đối tác cùng những nước láng giềng trong khu vực, chúng ta cần một nỗ lực phản đối quốc tế”; cho rằng “chúng ta cần lên tiếng không chấp nhận những cách hành xử này, những cách hành xử khiêu khích và hung hăng không phù hợp với trật tự dựa trên luật lệ”. Ngoài ra, Đô đốc Karl L. Schultz đánh giá “lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc thể hiện rõ nhất khi gia tăng đáng kể số lượng tàu. Sau đó là quân chủng hải quân thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) của chính phủ. Lực lượng cảnh sát biển từng được đặt dưới sự lãnh đạo dân sự, giờ phải đi qua lực lượng cảnh sát quân đội nhân dân. Bên cạnh đó còn có lực lượng dân quân biển”; đồng thời cho biết USCG sẽ tăng cường hoạt động tại các vùng biển trong khu vực theo yêu cầu hỗ trợ của Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM) và “sẽ mang đến khu vực hình mẫu về cách hành xử đúng đắn và quản trị hàng hải tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng quyền tiếp cận tự do và mở các tuyến đường hàng hải quốc tế”. Ông nhấn mạnh USCG đang tích cực hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển các nước trong khu vực cải thiện khả năng bảo vệ và thực thi chủ quyền. USCG cũng chuyển giao nhiều tàu tuần tra có năng lực cao đã qua sử dụng cho các nước Đông Nam Á, điển hình là Việt Nam và Philippines. Ông kỳ vọng những nguồn lực bổ sung sẽ giúp các nước tiến hành tuần tra biển thường xuyên hơn với lộ trình dài hơn, bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế khỏi “hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không được quản lý và không bị phát hiện” kịp thời.
Hạ nghị sỹ Cộng hòa Mỹ Mike Gallagher trên Twitter ngày 25/07 cho rằng các hoạt động gây hấn gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông là không chấp nhận được. Ông Gallagher cũng kêu gọi quốc hội Mỹ thông qua một dự luật do ông và Hạ nghị sỹ Jimmy Panetta soạn thảo nhằm áp dụng các biện pháp trừng phạt việc Trung Quốc quân sự hóa và tôn tạo ở khu vực. Được biết, Dự luật do hai Hạ nghị sỹ Mỹ giới thiệu cuối tháng 06/2019 với tên gọi “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” nhằm trừng phạt các cá nhân và thực thể trợ giúp các hoạt động trái phép của Trung Quốc ở hai khu vực biển này nhằm bảo vệ an ninh khu vực và thương mại quốc tế.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen thường niên tại bang Colorado, Cựu giám đốc Ủy ban quân vụ chịu trách nhiệm tài trợ và giám sát của Bộ Quốc phòng Mỹ Chris Brose (20/7) khuyến nghị tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và vấn đề biên giới giữa nước này với Ấn Độ nên trở thành những trọng tâm an ninh mà Washington cần phải hết sức chú ý. Tôi không biết khả năng bành trướng đáng lo ngại (của Trung Quốc) sẽ kết thúc tại đâu. Mỹ cần tập trung vào việc củng cố khả năng ngăn chặn những hành động bành trướng và gây hấn từ phía Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả và truyền thông Mỹ liên tục đưa tin, bình luận và nhận định liên quan vụ Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08 và các tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam; cho rằng Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.
Ông Gregory Poling, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington cho biết, thông qua hành động phi pháp trên cho thấy Trung Quốc vẫn tìm cách ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương của các nước láng giềng ở bất kỳ khu vực nào nằm trong “đường 9 đoạn”. Vụ việc xảy ra với Việt Nam và Malaysia cho thấy Trung Quốc sẽ chỉ dùng phương thức “bắt nạt” và hành xử thận trọng để tránh xảy ra xung đột trên Biển Đông. Khi các bên khác kháng cự lại hành động bắt nạt đó và tiếp tục các hoạt động thương mại như Malaysia và Việt Nam đang làm, thì Trung Quốc thường rút lui và sẽ thử lại vào lúc khác. Chuyên gia Poling cho rằng sự việc tại Bãi Tư Chính nhắc lại ba bài học: Một là Trung Quốc không muốn các nước láng giềng tham gia vào các hoạt động dầu khí mới, nhưng cùng lúc lại sẵn sàng triển khai các hoạt động của riêng họ ở bất cứ nơi nào họ muốn. Hai là Trung Quốc thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân, thay vì lực lượng quân sự. Ba là khi các bên yêu sách khác kiềm chế, Trung Quốc thường rút lui thay vì leo thang quân sự. Tuy nhiên, nếu xảy ra va chạm vô ý, sẽ khiến căng thẳng có thể leo thang.
Giáo sư Panos Mourdoukoutas tại Đại học LIU Post (New York) và Đại học Columbia cho biết hành động của Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không giống với Philippines. Việt Nam bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh rằng Biển Đông là vùng biển của Trung Quốc. Một phần của vùng biển này thuộc về Việt Nam và Việt Nam có chiến lược để bảo vệ vùng biển này.
Tiến sĩ James Holmes, Đại học Hải chiến Mỹ cho rằng những gì đang diễn ra là một phần trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc để củng cố cái mà họ gọi là chủ quyền trên Biển Đông, kiểm soát bằng một lực lượng hữu hình. Bắc Kinh muốn ép các bên liên quan phải tuân theo luật của họ. Chỉ khi nào những quốc gia tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế thống nhất với nhau thì mới có thể đẩy lùi thực trạng một cách hiệu quả. Nhưng nỗ lực này dường như đang diễn ra quá chậm so với kỳ vọng của nhiều người, trong đó có tôi.
Tiến sĩ Patrick M.Cronin, Chủ tịch An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ cho rằng dù có là một nước lớn, Trung Quốc cũng không có quyền đưa ra các luật lệ riêng, phớt lờ luật pháp quốc tế, ép buộc láng giềng và ép cả ASEAN thực hiện một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) theo kiểu xâm hại quyền lợi các nước lớn. Việt Nam nên tiếp tục chính sách ngoại giao khôn khéo, tiếp tục tăng cường thực lực trên biển. Còn với cộng đồng quốc tế thì Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ… cũng như nhiều cường quốc khác trên biển cần tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ quan trọng để đảm bảo khu vực Đông Nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, không bị ép buộc bởi các hành động quân sự và kinh tế từ Bắc Kinh.
Đáp trả các tuyên bố của giới chức Mỹ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (22/7) chống chế, đồng thời vu cáo cho rằng: “Tình hình hiện tại ở Biển Đông nói chung là ổn định. Trong khuôn khổ triển khai toàn diện và hiệu quả DOC, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tích cực thúc đẩy hợp tác thực dụng trên biển và tham vấn về COC và bảo vệ hiệu quả hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc duy trì đối thoại và tham vấn với các bên liên quan ở Biển Đông và chủ động kiểm soát các tranh chấp liên quan. Cộng đồng quốc tế nhận thức được những sự thật này. Trong một thời gian dài, một số lực lượng ngoài khu vực như Hoa Kỳ đã đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm về vấn đề Biển Đông sẽ chỉ làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực. Những nhận xét của ông Pompeo và ông Bolton hoàn toàn không quan tâm đến sự thật và làm tổn hại đến nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; cho rằng các nước trong khu vực sẽ không bị lừa. Chúng tôi kêu gọi Mỹ chấm dứt những hành vi vô trách nhiệm này, tôn trọng sự thật, tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN để giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Đáng chú ý, trong Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2019 mới được công bố hôm 24/7 cũng lồng ghép, vu cáo Mỹ khi cho rằng Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia khác xây dựng tiềm năng hạt nhân và tên lửa. Điều này sẽ gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu và cũng dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu quân sự. Nói về chính quyền Tổng thống Donald Trump, bản chiến lược miêu tả Washington đã công kích và tăng cường cạnh tranh giữa các cường quốc, đồng thời tăng đáng kể chỉ tiêu quốc phòng, thúc đẩy năng lượng hạt nhân, sức mạnh không gian, phòng thủ tên lửa và gây suy yếu ổn định toàn cầu. Đáng chú ý, Sách trắng cho rằng “Washington đã kích động sự cạnh tranh giữa các nước lớn thông qua việc gia tăng ngân sách quốc phòng, từ đó làm suy yếu sự ổn định chiến lược toàn cầu”.
Ngoài ra, Sách trắng cũng cáo buộc việc Mỹ, Nhật Bản, Australia tăng cường hiện diện quân sự và các liên minh của họ ở châu Á – Thái Bình Dương gây bất ổn cho khu vực. Trung Quốc cho rằng việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc đã làm suy yếu nghiêm trọng cán cân khu vực, đồng thời lưu ý việc Nhật sửa đổi hiến pháp để tăng cường phạm vi hoạt động cho quân đội.