Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng...

Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử, pháp lý khẳng định chủ quyền đối với Bãi Tư Chính

Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và là thềm lục địa phía Nam của Việt Nam. Trung Quốc tuyệt đối không có chủ quyền ở vùng biển trên Biển Đông.

Bãi Tư Chính hay bãi cạn Tư Chính, bãi ngầm Tư Chính là một cụm rạn san hô ở phía Nam Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Bãi ngầm này nằm ở trong giới hạn khoảng từ vĩ độ 07029’03’’N – 07033’20’’N và kinh độ 109037’730’’E – 109054’58’’E, cách bãi Quế Đường 55 hải lý về phía Tây Nam. Điểm nhô cao nhất của bãi Tư Chính sâu cách mặt nước khoảng 16m, vị trí cách Vũng Tàu khoảng 229 hải lý về phía Đông Nam; có độ dài khoảng 57km, chiều rộng nơi rộng nhất khoảng 13km, hướng phát triển chạy dài theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.

Về mặt địa lý

Theo phân tích về địa chất, Bãi Tư Chính là phần nối dài của thềm lục địa Việt Nam về phía Đông Nam. Các bãi cạn này ngăn cách với quần đảo Trường Sa bằng một rãnh sâu nên theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nó không thuộc quần đảo Trường Sa. Khu vực này nằm cách xa lục địa Trung Quốc khoảng trên 600 hải lý. Vì vậy, theo quy định của UNCLOS, khu vực này chỉ liên quan đến hai quốc gia có bờ biển đối diện với Việt Nam là Malaysia và Brunei. Hiện nay, tại khu vực này Việt Nam và Malaysia đã trình chung hồ sơ ranh giới ngoài thềm lục địa. Brunei không phản đối. Trong thực tế, hiện nay Việt Nam đang kiểm soát và khai thác dầu khí tại khu vực này và chỉ có Trung Quốc tranh chấp với Việt Nam.

Về mặt pháp lý

Căn cứ theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Bãi Tư Chính nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK hoàn toàn phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 của UNCLOS (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 80 (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa). Việt Nam có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam đã tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi, không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

Việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận. Không những vậy, Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982, đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó. Và Phán quyết khẳng định rằng, đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý, nói nôm na là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đường lưỡi bò. Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có Bãi Tư Chính.

Lý luận của Trung Quốc khi tranh chấp với Việt Nam là khu vực này nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc là một phần của cái gọi là “vùng nước quần đảo Trường Sa”. Tuy vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016 đã nêu rõ hai điểm: (1) Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn”. (2) Không một cấu trúc nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra các vùng biển mở rộng và các đảo Trường Sa không thể cùng nhau tạo ra các vùng biển như một thực thể thống nhất.

Như vậy, không thể dùng “đường lưỡi bò” hoặc “vùng nước quần đảo Trường Sa” để biện minh rằng vùng biển phía Đông Nam Việt Nam là vùng tranh chấp mà nó thuần túy là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Về mặt chứng cứ lịch sử

 Những chứng cứ lịch sử xác định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: (1) Thời Lê Thánh Tông (1460-1497), trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư” ta đã vẽ bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó ta gọi là “bãi cát vàng” và “Vạn lý Trường Sa”. (Nguyên bản này hiện đang lưu giữ tại Tokyo Nhật Bản). (2) Thế kỷ thứ XVIII, trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là một trong những đảo của Việt Nam. (3) Lê Quý Đôn (1726-1786) trong cuốn “Phủ biên tạp lục”, ông đã tả kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. (4) Phan Huy Chú (1782-1840) trong sách “Lịch triều hiến dương loại chí” và “Hoàng Việt địa dư chí”, ông còn mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. (5) Trong giai đoạn Pháp thuộc, sau khi triều Nguyễn (6/1884) ký với Pháp Hiệp ước Giáp Thân, công nhận sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Từ đó, Pháp thực hiện chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Năm 1938, Phòng (Service) Khí tượng Đông Dương xây dựng một trạm khí tượng tại đảo Itu Aba hoạt động dưới quyền Pháp. Đây là trạm thời tiết rất quan trọng nên đã được mang ký hiệu quốc tế là 48919. Đến thời chính quyền Sài Gòn quản lý, trạm khí tượng này vẫn hoạt động. Hiện nay 4 người còn sống, đó là các cụ: Nguyễn Văn Như, Trần Huynh, Phạm Miễn, Võ Như Dân. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp chính thức bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền của Bảo Đại quản lý. Hôm đó, Tướng Phan Văn Giáo lúc đó là Thủ hiến Trung Phần đã đích thân đến đảo Hoàng Sa để chủ tọa buổi lễ. Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Franxitco, ông Trần Văn Hữu – Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại, trưởng phái đoàn của Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sau khi Nhật đã trả lại tất cả lãnh thổ họ đã chiếm cứ trong chiến tranh thế giới thứ hai, 51 quốc gia tham dự, không hề có ý kiến phản đối. (6) Để quản lý về hành chính, ngày 29/2 năm Bảo Đại thứ 12 (30/3/1938), nhà vua đã ra Chỉ dụ số 10, sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên. (7) Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Ngày 22/10/1956, họ đã ra Sắc lệnh số 143/NV quy định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngày 3/7/1961, Ngô Đình Diệm – Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ký quyết định quần đảo Hoàng Sa thuộc Thừa Thiên – Huế, nay thuộc tỉnh Quảng Nam và gọi là xã Định Hải thuộc quận Hoà Vang. Ngày 6/9/1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sài Gòn ký Nghị định số 420/BNV-HCDB-26 sáp nhập Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. (8) Sau khi thống nhất đất nước, ngày 9/2/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước ta đã ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết đưa huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà).

Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm phi pháp quần đảo Hoàng Sa và một số đảo, đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Trung Quốc đã hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thực sự chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phản đối mạnh mẽ sự chiếm đóng này. Năm 1959, một nhóm binh lính Trung Quốc giả dạng ngư dân âm mưu đổ bộ lên nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đập tan. Năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và chiếm quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Ngày 14/3/1988, Trung Quân bắt đầu dùng vũ lực chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các Hội nghị quốc tế không giao quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc

Trước và sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa đã nhiều lần được đưa ra các hội nghị quốc tế xem xét. Từ ngày 22 – 26 tháng 11 năm 1943, Hội nghị Cairo với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Trung Hoa Dân quốc Tưởng Giới Thạch đã ra Tuyên bố Cairo (Cairo Communiqué), đưa ra mục tiêu loại bỏ Nhật Bản ra khỏi tất cả các quần đảo ở Thái Bình Dương mà Nhật Bản đã chiếm đóng từ Chiến tranh Thế giới thứ I năm 1914 và tất cả các lãnh thổ Nhật Bản đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Trung Hoa Dân quốc. Tưởng Giới Thạch, đại diện cho Trung Quốc có mặt tại Hội nghị không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hội nghị Potsdam diễn ra từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 02 tháng 8 năm 1945 với sự tham gia của Lãnh đạo ba nước Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc đã ra Tuyên ngôn Potsdam tái khẳng định những nội dung của Tuyên bố Cairo. Đại diện của Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch có mặt tại Hội nghị cũng không hề nhắc đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hội nghị hòa bình San Francisco từ ngày 04 đến 08 tháng 9 năm 1951 có 51 nước tham dự; Việt Nam tham gia Hội nghị với tư cách là thành viên của Liên hiệp Pháp. Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tham dự Hội nghị trên cương vị Trưởng phái đoàn Việt Nam. Hội nghị San Francisco đã giải quyết vấn đề quy thuộc một số vùng lãnh thổ ở châu Á – Thái Bình Dương. Tại Hội nghị này, Trưởng đoàn Liên Xô Andrei A. Gromyko đã thay mặt Trung Quốc đưa ra đề nghị gồm 13 khoản, trong đó có khoản liên quan đến việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với một số đảo ở Biển Đông, kể cả quần đảo Hoàng Sa. Với 46 phiếu chống, 3 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng, Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này của Phái đoàn Liên Xô. Ngay sau đó, ngày 07 tháng 9 năm 1951, phát biểu tại Hội nghị, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tái khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cả 51 quốc gia đều không phản đối Tuyên bố xác nhận chủ quyền đó của Phái đoàn Việt Nam.

Hội nghị Geneva năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do các lực lượng của Pháp và Quốc gia Việt Nam quản lý. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Geneva 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc phải tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.

Điều 1 Hiệp định Paris năm 1973 nói rõ, tất cả các nước tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Lúc này hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang do Việt Nam Cộng hòa quản lý, và là một bộ phận lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Trung Quốc đã vi phạm những gì ở Biển Đông

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc ngang nhiên thực hiện các hành động phi pháp nhằm phục vụ cho mưu đồ độc chiếm Biển Đông, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế. Tất cả đều nằm trong chuỗi “tằm ăn rỗi”, từ dùng vũ lực chiếm đóng, tuyên bố chủ quyền trái phép cho đến bồi đắp, quân sự hóa, tập trận phô trương sức mạnh… phục vụ ý đồ chiếm trọn phần lớn Biển Đông.

Từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc liên tục đơn phương đưa ra các yêu sách chủ quyền và yêu sách trên biển trái với quy định của luật pháp quốc tế; Thực hiện những biện pháp hành chính phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam bằng cách thể hiện Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ, đặt tên cho các đảo, quy thuộc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển vào lãnh thổ Trung Quốc và các đơn vị hành chính thuộc Trung Quốc; đơn phương áp đặt nội luật của Trung Quốc vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình; Tiến hành trái phép các hoạt động kiểm soát, khống chế và làm chủ Biển Đông trên thực địa, bao gồm việc từng bước thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, tạo ra một cục diện quân sự thuận lợi cho Trung Quốc, dần dần khống chế, kiểm soát Biển Đông, tiến tới mục tiêu lâu dài là độc chiếm toàn diện Biển Đông; Sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo, đá của Việt Nam, cụ thể:

Tại Hoàng Sa, Bắc Kinh từ năm 2005 đã tiến hành xây dựng bia chủ quyền phi pháp tại một số điểm và đến năm 2007, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang ngược phê chuẩn thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam để đơn phương áp đặt quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Từ cuối tháng 5/2010, Trung Quốc đưa tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn trước khi tiến hành san lấp, mở rộng đảo để xây dựng công trình phi pháp. Đặc biệt, tháng 5/2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa. Vụ việc bắt đầu từ ngày 1/5/2014 và kéo dài suốt 2 tháng rưỡi khiến tình hình khu vực vô cùng căng thẳng. Trung Quốc thậm chí huy động hơn 120 tàu thuyền hung hăng đâm va tàu chấp pháp VN đến khẳng định chủ quyền và yêu cầu Bắc Kinh dừng các hành động phi pháp xâm phạm lãnh hải. Cũng trong thời gian này, Trung Quốc gấp rút tiến hành xây dựng phi pháp ở Hoàng Sa, bao gồm hải đăng trên đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, Cồn cát Nam, Duy Mộng và Hòn Tháp. Đến tháng 10, đường băng quân sự dài 2 km trên đảo Phú Lâm được xây dựng hoàn tất. Đường băng cùng các cơ sở hạ tầng tiếp tục được cải tạo và đến tháng 2/2016, ảnh chụp từ vệ tinh của trung tâm ImageSat (ISI) cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar tại đảo Phú Lâm. Đài Fox News dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng đây là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 với tầm bắn lên đến 201 km, có thể là mối đe dọa cho bất cứ máy bay quân sự hoặc dân sự nào bay gần đó. Chưa hết, Bắc Kinh còn triển khai gần 10 máy bay chiến đấu gồm tiêm kích J-11 và máy bay chiến đấu ném bom JH-7 cùng máy bay không người lái trinh sát tầm xa Harbin BZK-005 đến đảo này. Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đến năm 2017, Trung Quốc đã nâng cấp hàng loạt cơ sở quân sự phi pháp trên 8 đảo ở Hoàng Sa gồm đảo Cây, Phú Lâm, Lin Côn, Tri Tôn, Quang Ảnh, Quang Hòa, Hoàng Sa và Duy Mộng. Trong năm 2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận tại Hoàng Sa, bao gồm diễn tập của oanh tạc cơ H-6K và tập trận bắn đạn thật vào tháng 5.

Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngay sau khi cưỡng chiếm bãi đá Gạc Ma cùng 6 thực thể khác năm 1988, phía Trung Quốc xây dựng điểm đồn trú gồm 3 kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến đầu năm 1989, Trung Quốc đã hoàn thiện lô cốt xi măng cao 2 tầng và củng cố dần thành nhà bê tông 4 tầng với tường chắn sóng, tháp canh, các thiết bị thông tin liên lạc ở Gạc Ma. Trong giai đoạn 2013 – 2015, nước này tập trung tàu thuyền, phương tiện cơ giới hiện đại nạo vét san hô, chuyên chở vật liệu từ bờ, hút nghiền đá san hô thành cát, phun lên làm nền để xây công trình, đường sá, bến tàu, sân bay nhỏ và các hạng mục kiên cố khác tại các thực thể thuộc Trường Sa để bồi đắp thành đảo nhân tạo và xây dựng công trình kiên cố phi pháp.

Từ những lập luận, chứng cứ lịch sử và pháp lý trên cho thấy việc Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08 và nhiều tàu chấp pháp hoạt động trái phép trong vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam là vi phạm UNCLOS, luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Trung Quốc cần chấm dứt ngay lập tức các hành vi trên, đưa gian khoan và lực lượng chấp pháp ra khỏi EEZ và thêm lục địa của Việt Nam; đồng thời không được tái diễn các hành vi tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới