Bản tin Biển Đông ngày 07/08/2019.
Tàu sân bay của Mỹ đi vào Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng
Ngày 6/8, báo The Hill đưa tin quân đội Mỹ đã đưa một tàu sân bay đi qua Biển Đông trong cuộc biểu thị sức mạnh trước sự hung hăng của Trung Quốc. Hải quân Mỹ đã cho phép một nhóm các tướng lĩnh quân đội, quan chức và các nhà báo Philippines lên tàu USS Ronald Reagan để quan sát máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet cất hạ cánh bằng máy phóng trong khi con tàu này đang trên đường đến thăm một cảng ở Manila. Đồng thời, các tàu tuần dương có vũ trang cũng ở khu vực lân cận để theo dõi tàu sân bay.
Khi được hỏi về ý nghĩa của sự hiện diện này trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc, Chuẩn Đô đốc Karl Thomas nói biết sự hiện diện quân sự của Mỹ sẽ đem lại an ninh và ổn định, nhờ đó giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao giữa các nước đang có tranh chấp gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei. Ông cho biết thông điệp của tàu sân bay này là hòa bình thông qua sức mạnh “chúng tôi cho rằng các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế và sự hiện diện của quân đội Mỹ cho phép chúng tôi đảm bảo điều kiện hòa bình, ổn định để đàm phán giữa các bên diễn ra”.
Hiện diện của Mỹ ở khu vực Biển Đông được các chuyên gia đánh giá là một trong những nhân tố giữ cân bằng sức mạnh, đảm bảo ổn định; trái ngược với các tuyên bố lên án của Trung Quốc đối với hành vi “can thiệp” của thế lực “bên ngoài khu vực”.
Kế hoạch cho phép Trung Quốc đầu tư vào các đảo của ông Durtete có thể gây ra rủi ro an ninh cho Philippines
Ngày 6/8, South China Morning Post đưa tin các quan chức quốc phòng Philippines cho biết kế hoạch cho phép các nhà đầu tư Trung Quốc phát triển cơ sở hạ tầng và du lịch của trên ba hòn đảo của Philippines sẽ tạo ra nguy cơ an ninh và làm suy yếu vị thế của Manila trong tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh. Các chỉ huy hải quân và quốc phòng Philippines cho hay, họ không được hỏi ý kiến trước về các kế hoạch này và cảnh báo kế hoạch này sẽ giúp Bắc Kinh có chỗ đứng tại các vị trí chiến lược quan trọng ở vùng rìa khu vực biển tranh chấp.
Kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trên các đảo Fuga, Chiquita và Grande là một phần của thỏa thuận trị giá 12 tỷ USD được chính thức hóa khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến thăm Trung Quốc và tham dự diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường vào tháng 4 vừa qua. Các đảo Grande và Chiquita đều nằm gần Vịnh Subic, nơi trước đây từng có một căn cứ hải quân Hoa Kỳ nhưng đã đóng cửa vào năm 1992. Hai hòn đảo ở vị trí tương đối gần bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh đã chiếm giữ vào năm 2012.
Chính quyền Khu kinh tế Cagaya cho biết vẫn hiện vẫn chưa có khoản đầu tư nào kể từ khi ông Duterte và ông Tập Cận Bình chính thức hóa thỏa thuận, nhưng các quan chức quốc phòng đưa ra quan ngại về những hệ lụy tương lai của dự án. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết ông không biết gì về các kế hoạch phát triển này và sẽ chỉ thị cho lực lượng tình báo đưa ra đánh giá.
Người Phát ngôn Tổng thống Duterte Salvador Panelo hôm 5/8 đã từ chối bình luận về vấn đề này, cho biết “sẽ chờ Cố vấn An ninh quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra ý kiến về khía cạnh an ninh của ba khu vực này”.
Trong một cuộc họp Nội các vào hôm 5/8, ông Duterte cũng đã chấp thuận đề xuất của Bộ Ngoại giao nước này về việc đóng dấu thị thực Philippines vào hộ chiếu của du khách Trung Quốc – một thông lệ trước đây bị cấm vì hình bản đồ trong hộ chiếu này có mô tả các yêu sách phi pháp trên biển của Bắc Kinh. Cán bộ xuất nhập cảnh của Philippines hiện đang đóng dấu thị thực lên một mảnh giấy riêng bên ngoài hộ chiếu. Sau quyết định của ông Duterte, Ngoại trưởng Locsin giải thích rằng Philippines vẫn sẽ khẳng định chủ quyền trên Biển Đông vì con dấu được đóng trên hộ chiếu Trung Quốc có in hình bản đồ Philippines với toàn bộ Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Tổng thống Duterte sẽ đề cập Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông trong chuyến thăm Bắc Kinh
Ngày 6/8, Manila Bulletin trích dẫn lời Người phát ngôn Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết Tổng thống Duterte cho rằng “đã đến lúc” thảo luận về Phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này. Bên cạnh Phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Duterte cũng sẽ thảo luận về kế hoạch khai thác dầu khí chung với Trung Quốc, đặc biệt là việc chia sẻ tài nguyên theo tỉ lệ 60-40, trong cuộc gặp một-một với chủ tịch Tập. Năm 2018, Philippines đã ký một thỏa thuận với Trung Quốc để đàm phán về hoạt động khai thác dầu khí chung trong tương lai. Philippines đã nhiều lần đảm bảo với người dân rằng bất kỳ thỏa thuận thăm dò dầu khí nào với Trung Quốc cũng sẽ phù hợp với hiến pháp và có lợi cho quốc gia.
Khi được hỏi tại sao Tổng thống nghĩ rằng đã đến lúc viện dẫn Phán quyết của Tòa Trọng tài, ông Panelo cho biết Tổng thống Duterte đã đưa ra quyết định bởi vì nhiệm kỳ sáu năm của ông ấy sắp kết thúc. “Trong lần đầu tiên thăm Trung Quốc, Tổng thống đã từng nói sẽ nhắc đến vấn đề này, cuối cùng thì thời điểm phù hợp nhất cũng đã đến.”
Trả lời câu hỏi rằng liệu ông Tập có gây sức ép để tránh việc Philippines thổi bùng lên các rắc rối hay không, ông Panelo phát biểu “Hãy chờ xem mọi chuyện sẽ như thế nào khi Tổng thống đến đó. Tổng thống vốn luôn kiên định. Không thể nghi ngờ gì về điều đó”.
Trong chuyến thăm sắp tới ở Trung Quốc, ông Duterte dự kiến cũng sẽ nhắc đến sự cố ở Bãi Cỏ Rong, liên quan đến tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines vào tháng 6 vừa rồi. Ông Panelo cho biết Tổng thống muốn vụ việc phải được giải quyết, đặc biệt là xác định được những ai phải chịu trách nhiệm, cũng như bồi thường cho các ngư dân bị ảnh hưởng.