Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBất chấp đồn đoán, Campuchia sẽ nhận hàng chục ngàn vũ khí...

Bất chấp đồn đoán, Campuchia sẽ nhận hàng chục ngàn vũ khí từ TQ

Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đồn đoán về việc Campuchia cho Trung Quốc thuê quân cảng Ream gần Sihanoukville, Thủ tướng Campuchia Hun Sen (29/7) đã tiết lộ thông tin Phnom Penh mua vũ khí từ Trung Quốc nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang nước này.

Phát biểu khi tham quan công trường xây dựng một sân vận động do Trung Quốc tài trợ ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Campuchia đã mua bổ sung hàng chục ngàn vũ khí của Trung Quốc nhằm hiện đại hóa lực lượng quân sự của nước này. Theo thông tin trên, Campuchia đã chi 40 triệu USD để mua lô vũ khí trên. Tính tổng cộng, những hợp đồng mua vũ khí trước nay của Phnom Penh với Bắc Kinh trị giá 290 triệu USD. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo cũng tiếp tục bác bỏ thông tin cho rằng Campuchia có thỏa thuận ngầm cho phép Trung Quốc cất trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến tại một căn cứ hải quân ở nước này, gọi đây là “lời vu khống”.

Trong những năm gần đây, Campuchia đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự và hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Theo số liệu của trang Global Firepower, Quân đội Hoàng gia Campuchia có tổng quân số 195.000 người, trong đó bao gồm 120.000 quân thường trực và khoảng 70.000 quân dự bị. Sức mạnh quân sự của Campuchia được Global Firepower xếp hạng 102 trên 136 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, vị trí này khá thấp nhưng dự kiến sẽ có thay đổi trong các năm sau.

Thời gian qua, Chính phủ Campuchia đã có nhiều dự quan tâm đầu tư cho quân đội, thể hiện rõ nhất ở trang bị cá nhân của người lính đã sánh ngang nhiều quốc gia phát triển. Mặc dù vậy xét về vũ khí hạng nặng thì Quân đội Campuchia vẫn chưa được đánh giá cao, họ cơ bản vẫn sử dụng những thiết bị quân sự có tuổi đời hàng chục năm. Bộ binh Campuchia là lực lượng có quy mô lớn nhất, tuy nhiên họ không phân chia binh chủng riêng biệt mà các lực lượng pháo binh, tăng thiết giáp… được tích hợp vào 7 quân khu.

Lục quân Hoàng gia Campuchia có trong biên chế một số vũ khí hạng nặng đáng chú ý như xe tăng chiến đấu chủ lực T-55AM2, xe thiết giáp chở quân OT-64 Skot hay pháo phản lực phóng loạt RM-70M… Mặc dù vậy số lượng vũ khí hiện đại của Lục quân Campuchia tương đối ít, phần còn lại cũng bị đánh giá trong tình trạng kỹ thuật không thực sự đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.

Không quân Campuchia hiện nay không có máy bay chiến đấu nào hoạt động được, họ chỉ duy trì một số máy bay vận tải hạng nhẹ cùng trực thăng mà thôi. Đáng chú ý nhất trong đội bay của Không quân Hoàng gia Campuchia là trực thăng vận tải siêu lớn Mi-26T, nó thường được huy động phục vụ cho cả mục đích dân sự. Nhằm thay thế phi đội trực thăng đa dụng Mi-8/17 do Liên Xô sản xuất, Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Không quân Campuchia một phi đội gồm 12 chiếc Z-9. o với Mi-8/17 thì trực thăng Z-9 của Trung Quốc được đánh giá có độ cơ động cao cũng như các trang thiết bị điên tử hàng không tối tân hơn khá nhiều. Mặc dù có thể được xem là phương tiện đáng chú ý nhất của Quân đội Hoàng gia Campuchia vào thời điểm hiện tại nhưng các máy bay lên thẳng này không có đầy đủ tính năng như bản nội địa của Trung Quốc.

Hải quân Hoàng gia Campuchia thực chất chỉ được xem như lực lượng bảo vệ bờ biển, hạm đội của họ gồm các tàu tuần tra ven bờ có lượng giãn nước nhỏ và vũ khí yếu. Tuy nhiên Phnom Penh đã cho biết họ đang lên kế hoạch mua lại 2 chiến hạm đã qua sử dụng của Trung Quốc để cấp tốc gia tăng sức mạnh. Nhìn chung Quân đội Hoàng gia Campuchia vẫn bị đánh giá là tương đối yếu so với mặt bằng chung của Đông Nam Á, nhưng trong tương lai dự đoán họ sẽ có bước phát triển nhanh chóng nhờ sự trợ giúp từ bên ngoài và được coi như một con hổ đang lớn từng ngày.

Không những vậy, quân đội Campuchia đang được Trung Quốc viện trợ và chuyển giao tương đối nhiều trang thiết bị khí tài hiện đại. Trung Quốc đã chuyển cho Campuchia 250 xe tăng, 44 xe quân sự, trong đó có xe jeep, xe tải chở tên lửa và 10 pháo phòng không, cùng 20 xe nâng hàng, 4 khu bếp dã chiến, 2.000kg chất hóa học không rõ tên và 10.000kg linh kiện dự phòng. Trung Quốc hiện cũng đang là nhà cung cấp, hỗ trợ vũ khí trang bị quốc phòng lớn nhất cho Campuchia.

Được biết, quan hệ quân sự giữa Campuchia và Trung Quốc đã trở thành tâm điểm chú ý sau những lo ngại của Mỹ và một bản tin về một thỏa thuận bí mật cho phép các lực lượng Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Campuchia. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã chi nhiều tỉ USD cho các khoản vay với lãi suất ưu đãi, cơ sở hạ tầng và đầu tư vào Campuchia trong một nỗ lực nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ tại quốc gia này.

Tuy nhiên, để nhận được sự ưu ái này của Trung Quốc, Campuchia đã phải chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ. Một trong những vấn đề then chốt mà Bắc Kinh cần Campuchia ủng hộ, đó là lập trường, quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mới đây nhất, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Campuchia Hun Sen (20-23/01/2019), hai bên đã ra Thông cáo báo chí trong đó có nội dung hai bên cảm thấy vui mừng trước tình hình Biển Đông duy trì ổn định và phát triển theo hướng tốt đẹp, kêu gọi các bên liên quan tiếp tục thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm sâu sắc hợp tác thiết thực trên biển, thúc đẩy tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Campuchia hoan nghênh và ủng hộ viễn cảnh về việc tranh thủ hoàn thành COC trong vòng 3 năm do Trung Quốc nêu ra, mong muốn cùng các bên cùng nhau nỗ lực, duy trì xu thế tích cực tham vấn về COC, tranh thủ sớm đạt được COC trên cơ sở hiệp thương nhất trí, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị hợp tác.

Sở dĩ Campuchia sẽ vấn tiếp tục ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông tại ASEAN nói riêng và trên bình diện quốc tế nói chung là do: (1) Campuchia hiện đang chịu ảnh hưởng chi phối khác lớn từ Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế. Điều này đã được tạo ra trong một quá trình lâu dài dưới những bước đi đầy toan tính của Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/01/2019 cho biết, Trung Quốc đã hứa sẽ viện trợ cho đất nước chùa tháp 4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 588 triệu USD, trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng hứa, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 400 ngàn tấn gạo của Campuchia trong năm nay, tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD vào năm 2023 và khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư nhiều hơn vào Campuchia. (2) Những diễn biến chính trị nội bộ tại Campuchia, nhất là qua các cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua cho thấy Chính quyền của Thủ tướng Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia (CPP) có thể đã phải dựa vào Trung Quốc để duy trì ảnh hưởng và vai trò lãnh đạo trước đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP). (3) Trung Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ nhất việc Thủ tướng Hun Sen và CPP tranh cử tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 7/2018, bất chấp những chỉ trích, trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Thậm chí, Trung Quốc đã cấp kinh phí cho Ủy ban bầu cử quốc gia và cử quan sát viên người Trung Quốc trong cuộc bầu cử. Trung Quốc còn cho Campuchia vay 259 triệu USD để xây dựng một tuyến đường vành đai ở thủ đô Phnom Penh của Vương quốc Campuchia. Ngay sau khi kết thúc bầu cử, với phần thắng thuộc về CPP, Trung Quốc đã tuyên bố “luôn luôn ủng hộ nỗ lực của Campuchia trong việc bảo vệ chủ quyền, độc lập và ổn định, và phản đối bất cứ quốc gia nước ngoài nào can thiệp vào chính trị nội bộ Phnom Penh”.

RELATED ARTICLES

Tin mới