Sunday, December 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSức mạnh kinh tế và nguồn nước sông Mê Công: Quân bài...

Sức mạnh kinh tế và nguồn nước sông Mê Công: Quân bài chiến lược để TQ chi phối ASEAN

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục sử dụng sức mạnh kinh tế và việc kiểm soát nguồn nước sông Mê Công để tìm cách tác động, chi phối và chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Hành động của Trung Quốc phần nào đã khiến ASEAN gặp khó khăn trong việc đối phó với Bắc Kinh.

Trung Quốc với vị trí địa lý, dân số, tiềm năng kinh tế, an ninh, quốc phòng và văn hóa có tác động, ảnh hưởng lớn đến hòa bình, phát triển và thịnh vượng của ASEAN, đã gián tiếp tạo điều kiện cho Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng và tiềm lực của mình để chi phối, lôi kéo, thậm chí chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng. Trong những năm qua, Trung Quốc thường xuyên sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao, viện trợ nhân đạo, an ninh lương thực và nguồn nước để gây sức ép lên các nước ASEAN.

Trung Quốc đang triệt để sử dụng sức mạnh kinh tế và đồng Nhân dân tệ để chi phối các nước ASEAN

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết kim ngạch trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2017. Tổng giá trị thương mại song phương Trung Quốc – ASEAN trong năm 2017 đạt 514,8 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2016; Xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang các nước ASEAN trong năm vừa qua đạt 279,1 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2016, trong khi giá trị nhập khẩu hàng hóa từ thị trường ASEAN cũng tăng 20% lên 235,7 tỷ USD. ASEAN 3 năm liền trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 và nguồn nhập khẩu lớn thứ 2 của Trung Quốc. Hai bên tiến tới mục tiêu đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2020.

Trung Quốc không ngừng mở rộng đầu tư, kinh tế và viện trợ cho các nước ASEAN, trong đó nổi bật là: Tại Philippines, Trung Quốc cam kết sẽ viện trợ và đầu tư vào Philippines khoảng 24 tỷ USD, tập trung vào một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác dầu khí, nông nghiệp. Tại Lào, Trung Quốc đứng đầu danh sách các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng vốn đầu tư hơn 7,2 tỷ USD ở nhiều lĩnh vực khác nhau và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Lào. Tại Campuchia, trong giai đoạn từ năm 1994 đến 2016, tổng giá trị đầu tư của Bắc Kinh vào Campuchia đã lên đến 14,7 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực chính là nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, hạ tầng cơ sở, dịch vụ và du lịch. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Campuchia trên lĩnh vực năng lượng với số vốn đầu tư hơn 7,5 tỷ USD trong các dự án thủy điện và 4 tỷ USD trong các nhà máy điện than. Tại Indonesia, Trung Quốc (năm 2017) đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba vào Indonesia, với 3,36 tỷ USD (năm 2016 là 2,66 tỷ USD). Tại Malaysia, các tập đoàn Trung Quốc đang đầu tư dự án Forest City, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ USD, trong đó 60% vốn từ tập đoàn Trung Quốc và 40% còn lại là từ chính phủ Malaysia…

Những khoản đầu tư, viện trợ, cho vay ưu đãi của Trung Quốc đã tạo điều kiện để nền kinh tế các nước ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống người dân trong nước. Tuy nhiên, việc Trung Quốc chi một khoản tiền không nhỏ để đầu tư vào các nước ASEAN là một trong những tính toán kỹ lưỡng nhằm sử dụng ảnh hương kinh tế lôi kéo các nước này ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Chính hành động trên của Trung Quốc đã khiến một số nước lệ thuộc vào Trung Quốc, gây ảnh hưởng lớn đến đoàn kết nội bộ ASEAN. Thực tế là một số nước ASEAN đã ngả theo Trung Quốc, đưa ra những tuyên bố, hành động cụ thể ủng hộ chính sách, chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Cụ thể, ASEAN từng nhiều lần không ra được Tuyên bố chung trong các cuộc họp cấp cao vì mâu thuẫn nội bộ liên quan vấn đề Biển Đông. Brunei, Campuchia và Lào từng ra tuyên bố cho rằng tranh chấp ở Biển Đông “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc – ASEAN”; một số nước đưa ra các tuyên bố thể hiện sự đồng tình, ủng hộ chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông (5 nước, 6 bên) thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa các nước liên quan…

Đáng chú ý, sau khi Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã đưa ra phán quyết chống lại hầu như gần hết các yêu sách của Trung Quốc, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế để thuyết phục vị Tổng thống mới của Philippines là ông Duterte ngăn chặn các chỉ trích từ phía ASEAN về việc xây dựng đảo của Trung Quốc. Tổng thống Duterte đã dẫn ra các khoản vay hàng tỉ USD từ phía Trung Quốc nhưng đó là cái giá rất nhỏ để đạt được kiểm soát Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đặc biệt là khi các khoản nợ này phải được trả lại hoặc Trung Quốc sẽ tiến hành chiếm hữu các tài sản khác quan trọng của Philippines. Dưới thời Duterte, Philippines đã trở nên bạc nhược đến nỗi nước này đã dừng thi công trên một bãi cát gần đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng, đảo tự nhiên lớn thứ hai của Trường Sa. Dù lập luận của Philippines là gì đi nữa thì cũng không thỏa đáng và càng làm cho cuộc tấn công của Trung Quốc trên Biển Đông và đối với trật tự thế giới tự do diễn ra mạnh hơn.

Trung Quốc đang từng bước thao túng, kiểm soát nguồn nước sông Mê Công để mặc cả với các nước ASEAN

Sông Mê Công dài 4.909 km bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Lưu vực sông Mê Công có tổng diện tích 795.000 km2 trong đó phần lớn nằm trên lãnh thổ của 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (77%). Mê Công là con sông dài thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 10 về tổng lượng dòng chảy (hàng năm đạt khoảng 475 tỷ m3, lưu lượng trung bình khoảng 15.000 m³/s). Sông Mê Công là nguồn tài nguyên to lớn cho khu vực, với vùng hạ lưu là vùng đất màu mỡ nhất thế giới cho nông nghiệp, ngư nghiệp. Đa số các chuyên gia cho rằng, kiểm soát được con sông này đồng nghĩa với việc kiểm soát được phần lớn kinh tế Đông Nam Á.

Xuất phát từ nhận thức trên, hiện tại Trung Quốc đã quy hoạch 25 bậc thang thủy điện trên dòng chính và 120 bậc thang trên dòng nhánh của sông Mê Công với tổng công suất khoảng 28.000 MW; đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện rất lớn trên thượng nguồn sông Mê Công, ảnh hưởng lớn đến hạ lưu sông. Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông, gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở vùng hạ lưu. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguồn nước sông Mê Công chảy qua Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì dòng chảy vào mùa khô cho các nước ở hạ lưu và có thể chiếm tới 40% tổng lưu lượng của cả dòng sông.

Chính từ âm mưu, ý đồ kiểm soát nguồn nước sông Mê Công của Trung Quốc mà các nước hạ lưu đang phải gánh chịu hậu quả lớn. Ở Campuchia, hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và kết nối chặt chẽ với sông Mê Công, bị giảm mực nước đáng kể; Biển Hồ của Campuchia cũng bị thu hẹp diện tích đáng kể trong mùa mưa, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thủy sản. Ở Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải trải qua các đợt hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử, khiến nước mặn lấn sâu vào đất liền tới 70-90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 đến 20 km, làm hàng trăm nghìn ha lúa của người dân bị thiệt hại. Ở Thái Lan, Chính phủ đã phải sử dụng các trạm bơm để hút 47 triệu mét khối nước từ sông Mê Công vào sông Huai Luang (tỉnh Nong Khai), đồng thời huy động binh lính đào 4.300 giếng và 30 đập trữ nước mới để dự trữ nước… Đến một thời điểm nhất định, khi xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng, Trung Quốc sẽ sử dụng việc xả nước ở trên thượng nguồn sông Mê Công để mặc cả với các nước hạ lưu. Và đương nhiên, để được Trung Quốc đáp ứng yêu cầu, các nước hạ lưu phải chấp nhận những đòi hỏi quá đáng từ Bắc Kinh, mà việc ủng hộ chủ trương, chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông luôn là ưu tiên hàng đầu của nước này.

Trung Quốc đã tạo dựng được ảnh hưởng quan trọng đối với ASEAN trên lĩnh vực chính trị, an ninh, văn hóa, giáo dục…

Từ khi thiết lập quan hệ đến nay, Trung Quốc không ngừng tham gia các hoạt động của ASEAN: Về chính trị: Năm 1997, Trung Quốc – ASEAN đã ký Tuyên bố chung hướng tới thế kỷ XXI; Hàng năm Trung Quốc và ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, tăng cường lòng tin giữa hai bên; Năm 2003, tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc – ASEAN lần thứ 7, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược”, chuyển từ quan hệ đối tác đối thoại sang quan hệ đối tác chiến lược, mở ra một thời kỳ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa…; Trung Quốc là nước lớn đầu tiên ngoài khu vực tham gia ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á, tạo tiền đề quan trọng bảo đảm môi trường an ninh của khu vực; góp phần thúc đẩy các nước lớn tham gia ký kết hiệp ước với các nước ASEAN; Trung Quốc và ASEAN cũng hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, như: chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân… Về giáo dục đào tạo: Tính đến năm 2003, có tới 77.628 sinh viên nước ngoài theo học tại Trung Quốc, trong đó gần 80% đến từ châu Á. Năm 2015, có khoảng 31.000 sinh viên từ các nước ASEAN đến học tập tại Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc đang tích cực thúc đẩy chiến lược “Vành đai, Con đường” nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và gia tăng ảnh hưởng tại các nước ASEAN…

Việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng chính trị lên ASEAN đã tác động không nhỏ đến việc ASEAN đạt được đồng thuận chung khi đưa ra các quyết sách quan trọng của Khối. Đáng chú ý, việc hỗ trợ, cấp học bổng cho sinh viên các nước ASEAN học tập tại Trung Quốc đã trực tiếp tạo ra một hiểm họa lớn trong 15 – 20 năm sau. Tuy các hành động trên không trực tiếp trở thành “con bài” để Trung Quốc mặc cả với các nước ASEAN, song cũng gián tiếp tác động đến đường lối, chủ trương, chính sách của ASEAN. Trung Quốc sẽ không bỏ qua bất cứ cơ hội nào, dù là nhỏ nhất, để tác động, lôi kéo các nước ủng hộ chủ trương, chính sách của Trung Quốc. Điều này được minh chứng rõ nhất trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của LHQ (PCA) về vấn đề Biển Đông. PCA (12/7/2016) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sau hơn 3 năm thụ lý. Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông, khẳng định “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn” và dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ “thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh”. Khi đó, Lào với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN đã không đưa ra Tuyên bố ASEAN về phán quyết của PCA vì các nước thành viên không đạt được đồng thuận chung.

Nhìn chung, trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc tích cực sử dụng chiêu bài hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ, cho vay ưu đãi để gia tăng ảnh hưởng, lôi kéo, thậm chí ép buộc một số nước ASEAN ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Thời gian tới, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ dùng vấn đề nguồn nước sông Mê Công để buộc các nước hạ lưu phải thuận theo Trung Quốc. Trước tình hình này, các nước ASEAN cần nhận thức rõ và cân nhắc tính toán hợp lý khi tiếp nhận nguồn vốn từ Trung Quốc, có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo nguồn nước sông Mê Công không bị ảnh hưởng và quan trọng hơn hết là các nước ASEAN cần tăng cường lòng tin chính trị, đoàn kết nội bộ Khối.

RELATED ARTICLES

Tin mới