Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga - TQ trở thành bạn thân vì... Mỹ?

Nga – TQ trở thành bạn thân vì… Mỹ?

Quan hệ Nga-Trung có thể trở nên nồng ấm vì cùng một mục tiêu đối phó với Mỹ song điều ấy không có nghĩa là hai nước này sẽ mãi là “bạn” với nhau.

Kẻ thù của kẻ thù là bạn

Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau khi có cùng một đối thủ chung là Mỹ. Trong suốt chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Nga hồi tháng 6/2019, hai nước đã ký một tuyên bố chung cam kết thắt chặt tình hữu nghị cũng như ký kết khoảng 30 thỏa thuận kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích Mỹ khi áp các lệnh trừng phạt kinh tế và công nghệ lên Trung Quốc, đồng thời khẳng định Moscow sẽ hợp tác với Bắc Kinh để hạn chế sức ép từ phía Mỹ. Hai quốc gia cũng không nhất trí với các mục tiêu của Mỹ xoay quanh vấn đề Triều Tiên và Iran.

Giới phân tích đánh giá rõ ràng Nga và Trung Quốc hiện cần nhau hơn bao giờ hết.

Dưới sức ép của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và EU, tăng trưởng kinh tế Nga được dự báo sẽ giảm 1% trong năm nay. Điều này khiến Moscow sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Trong khi đó, với ông Tập, Nga là một công cụ hữu ích để đối trọng với chính sách ngày càng cứng rắn của Washington với Bắc Kinh.

Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimea và bị phương Tây trừng phạt, Trung Quốc không hề thể hiện bất kỳ phản ứng công khai nào về vụ việc. Thay vào đó, Bắc Kinh tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow trên những phương diện khác. Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với kim ngạch thương mặt hơn 100 tỷ USD năm 2018. Sự nồng ấm trong quan hệ 2 nước khiến các chuyên gia đặt ra triển vọng về việc 2 nước sẽ có “các lực lượng chung”. Bản thân Bắc Kinh và Moscow cũng miêu tả quan hệ hai bên là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” giữa bối cảnh hợp tác quân sự Nga – Trung luôn ở mức cao, cả trong các hợp đồng mua bán vũ khí lẫn trong các cuộc tập trận chung.

Zbigniew Brezinski – người từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Jimmy Carter thậm chí đã cảnh báo liên minh Nga – Trung có thể là “viễn cảnh nguy hiểm nhất” cho những tính toán chiến lược của Mỹ.

Hợp tác nhưng không thể là đồng minh

Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực, quan hệ Nga – Trung vẫn còn nhiều khác biệt cần giải quyết.

Theo một chuyên gia quân sự Nga, Moscow luôn “cảm thấy mối đe dọa tiềm tàng” từ Trung Quốc. Sự khác biệt giữa 2 quốc gia này vẫn tiếp tục mở rộng khi GDP của Trung Quốc gấp 8 lần của Nga và dân số Trung Quốc gấp 10 lần dân số Nga. Moscow cũng đặc biệt lo ngại về khả năng Trung Á sẽ rơi vào tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Điều này đang xảy ra trên lĩnh vực kinh tế. Năm 2018, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Uzbekistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan. Bắc Kinh cũng soán ngôi nhà đầu tư lớn thứ 4 của Nga ở Kazakhstan.

Nga có thể chấp nhận sự ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc ở Trung Á bởi nước này cũng nhận được những lợi ích nhất định từ dòng chảy đầu tư của Bắc Kinh. Tuy nhiên, an ninh lại là một vấn đề khác và Nga không muốn bị Trung Quốc “soán ngôi” trong lĩnh vực này.

Ở Uzbekistan, vào giữa tháng 6/2019, các bộ trưởng, các quan chức cấp cao và các chuyên gia từ Mỹ, EU và các nước láng giềng đã tập trung lại để thảo luận về tình hình khu vực. Các hoạt động của Trung Quốc đã chiếm phần lớn nội dung cuộc họp.

Theo các chuyên gia tại khu vực này, môi trường chiến lược ở đây bắt đầu thay đổi cách đây 1 vài năm khi Trung Quốc bắt đầu bí mật triển khai quân đội ở Tajikistan dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận việc này.

Căn cứ quân sự lớn nhất của Nga bên ngoài lãnh thổ là ở Tajikistan. Căn cứ này dự kiến sẽ tiếp tục duy trì cho tới năm 2042 theo một thỏa thuận song phương giữa hai bên. Với khoảng 8.000 quân Nga tại căn cứ, khó mà nói trước được rằng các lực lượng của Nga và Trung Quốc sẽ “sóng yên biển lặng” với nhau nếu cả 2 cùng đóng quân tại Tajikistan trong thời gian dài, một chiến lược gia về an ninh ở Trung Á nhận định.

Mục tiêu của Trung Quốc là đóng vai trò lớn hơn về an ninh ở Trung Á như một phần trong chiến lược chống khủng bố mà không “đụng” đến Nga. Tuy nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Nga vẫn luôn lo lắng về những tham vọng của Trung Quốc và lo ngại nước này sẽ đẩy Nga khỏi khu vực ảnh hưởng truyền thống này.

Cuộc tập trận Vostok 2018 có thể minh chứng rõ cho việc Nga khẳng định khả năng quân sự của mình với thế giới và gửi đi 1 thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung thường niên với Nga. Trái với những nhận định cho rằng cuộc tập trận này đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ đối tác quân sự Nga – Trung thì thực chất nó giống như một sự phòng thủ của Nga hơn trong việc chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sang vùng Viễn Đông và Trung Á. Giữa bối cảnh vùng Viễn Đông Nga đang vô cùng cần các dự án đầu tư và dòng vốn của Trung Quốc thì cũng cùng lúc đó, Moscow ngày càng lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của Bắc Kinh trong khu vực.

Nga và Trung Quốc có chung đường biên giới hơn 4.000 km và mặc dù quan hệ 2 nước đang “nồng ấm” hơn khi cùng có một mục tiêu đối phó với Mỹ song trên thực tế, Bắc Kinh và Moscow sẽ không bao giờ có thể thành lập một liên minh chính thức bởi những khác biệt về lịch sử, tốc độ phát triển kinh tế, hệ tư tưởng và một số yếu tố khác. Đó còn là chưa kể tới việc cả hai đều đang cạnh tranh ảnh hưởng không chỉ tại Trung Á mà còn cả Bắc Cực. “Kẻ thù của kẻ thù là bạn” song điều ấy không có nghĩa là Nga – Trung sẽ mãi là “bạn” với nhau.

RELATED ARTICLES

Tin mới