Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đưa sách có nội dung xuyên tạc chủ quyền các đảo...

TQ đưa sách có nội dung xuyên tạc chủ quyền các đảo trên Biển Đông vào giảng dạy

Từ tháng 9/2019, Trung Quốc sẽ chính thức đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa lịch sử cấp trung học phổ thông mới với nhiều nội dung được bổ sung, sửa đổi bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, nhất là vấn đề chủ quyền đối với các quần đảo, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Bản đồ Trung Quốc đời nhà Đường trong sách giáo khoa mới

Hành động tuyên truyền, nhồi nhét kiến thức sai trái của Trung Quốc

Việc biên soạn bộ sách giáo khoa lịch sử mới này ở Trung Quốc thực ra đã bắt đầu khởi động từ tháng 12 năm 2017. Từ tháng 9 năm 2019 nó sẽ được ra mắt vào học kỳ mùa thu tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Kinh, Thiên Tân, Liêu Ninh, Thượng Hải, Sơn Đông và Hải Nam. Sau đó từ mùa thu năm 2022 sẽ được phổ cập trên phạm vi toàn quốc

Theo các trang tin Trung Quốc, trong bộ sách giáo khoa lịch sử mới này, sẽ có thêm những nội dung mới được đưa vào như “Triều Hán mở rộng lãnh thổ”, “Vai trò quan trọng của các dân tộc thiểu số phía Bắc trong sự nghiệp thống nhất quốc gia đa dân tộc Trung Quốc trong thời kỳ nhà Liêu, Tây Hạ, Kim và Nguyên”, “Các biện pháp liên quan để thống nhất đất nước và mưu tính biên cương thời kỳ Minh Thanh”, “Các quần đảo ở Nam Hải (Biển Đông), Đài Loan và các đảo phụ cận bao gồm quần đảo Điếu Ngư /Senkaku là một phần của lãnh thổ Trung Quốc”…

Phiên bản sách giáo khoa lịch sử mới tuyên truyền, xuyên tạc nhấn mạnh việc lãnh thổ đến từ 4 phía trong thời kỳ Trung Quốc cường thịnh; chú trọng chứng minh chủ quyền lãnh thổ trong lịch sử của Trung Quốc đối với Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và các đảo phụ cận quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Ví dụ, trong phiên bản mới của sách giáo khoa lịch sử lớp Bảy (lớp đầu của cấp trung học cơ sở), do Bộ Giáo dục Trung Quốc biên soạn, đã tăng thêm bản đồ nhà Đường thời kỳ cực thịnh để thể hiện khi đó Trung Quốc đã quản lý An Tây Đô hộ phủ và Bắc Đình Đô hộ phủ ở Tây Vực. Khi giới thiệu lãnh thổ của nhà Nguyên, sách giáo khoa mới đã tăng thêm lãnh thổ mở rộng của nhà Nguyên và các tỉnh cụ thể thời nhà Nguyên và mô tả “Tân Cương, Tây Tạng, Vân Nam, vùng đông bắc rộng lớn, Đài Loan và các quần đảo Biển Đông ngày nay đều nằm trong phạm vi thống trị của triều Nguyên”. Đồng thời, còn bổ sung thêm một đoạn dài về lịch sử quần đảo Điếu Ng/Senkaku; trên bản đồ của nhà Thanh còn đánh dấu rõ đường biên giới hiện tại của Trung Quốc.

Giới truyền thông cho rằng việc sửa đổi sách giáo khoa lịch sử của Bắc Kinh có một định hướng thực tế cụ thể. Các yêu sách ly khai dân tộc và chủ trương độc lập hiện đang diễn ra trong giới trẻ ở Đài Loan và Hồng Kông đang thách thức tuyên bố thống nhất quốc gia truyền thống của Bắc Kinh. Khuynh hướng ly khai này được cho là phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức và nhận thức sai về lịch sử Trung Quốc của người Đài Loan và Hồng Kông. Các nội dung mới được bổ sung và sửa đổi trong chương trình giảng dạy mới hầu như đều liên quan đến nội dung về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia cơ bản là dòng chính của phần diễn giải lịch sử mới này. Việc điều chỉnh sách giáo khoa lịch sử lần này cho thấy Bắc Kinh đang muốn củng cố khái niệm thống nhất đất nước và chủ quyền lãnh thổ của lớp người trẻ tuổi ở Trung Quốc đại lục trong lúc khuynh hướng ly khai đang xuất hiện ở Tân Cương, Tây Tạng, Đài Loan và Hồng Kông.

Trung Quốc đã nhiều lần tự ý “viết lại lịch sử” trong sách giáo dục

Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio (17/1) cho biết, học sinh và sinh viên ở Trung Quốc đã được cung cấp những “thông tin sai sự thật” liên quan đến các yêu sách lãnh thổ của nước này ở Biển Đông. Chính quyền Trung Quốc đã lồng ghép các yêu sách “chủ quyền” (phi pháp) vào trong sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh từ tiểu học cho đến đại học. Các nội dung xuyên tạc của Trung Quốc thường cho rằng Bắc Kinh đã thực hiện các hoạt động ở Biển Đông bắt đầu từ 2.000 năm trước; Trung Quốc là “quốc gia đầu tiên khám phá, đặt tên và tìm ra các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”; cho rằng đây là căn cứ lịch sử của Trung Quốc để đòi “chủ quyền” ở Biển Đông.

Trung Quốc đã từng bị nhiều nước và giới chuyên gia, học giả quốc tế lên tiếng chỉ trích về việc đưa nội dung không đúng về vấn đề Biển Đông trong sách giáo khoa. Luận điệu của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông không những được hệ thống hóa trong chương trình giáo dục trung học, mà còn được lồng ghép trong giáo trình dành cho sinh viên nước ngoài. Theo phản ảnh của nhiều lưu học sinh, giáo trình của Trung Quốc không chỉ gây ra sự ngộ nhận cho chính học sinh trong nước mà còn khiến nhiều sinh viên nước ngoài hiểu sai lệch hoàn toàn về Biển Đông. Theo đó, phần lớn lưu học sinh học tập tại Trung Quốc đều được học môn cơ bản “Khái quát Trung Quốc” (môn học bao gồm địa lý, lịch sử, văn hóa). Đây có thể là môn tự chọn hoặc môn bắt buộc tùy chuyên ngành mà lưu học sinh theo học. Giáo trình dạy cho sinh viên nước ngoài cho thấy vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa không được bố trí thành một mục trong sách, nhưng bản đồ và các tài liệu trong giáo trình luôn nhất quán với những gì học sinh trong nước được học.

Để tuyên truyền “đường lưỡi bò” và giáo dục thế hệ trẻ về “chủ quyền” biển Đông, Trung Quốc không ngần ngại đưa những tuyên bố vô lý vào chương trình sách giáo khoa. Cụ thể, trang 2 và trang 3 cuốn Khái quát Trung Quốc đương đại dành cho sinh viên cao học Trung Quốc và nước ngoài của nhà xuất bản Đại Học Ký Nam (tái bản năm 2008) đưa ra luận điệu cực nam Trung Quốc nằm ở bãi đá ngầm Tăng Mẫu (có tên tiếng Anh là bãi ngầm James). Các bản đồ minh họa trong giáo trình này còn ngang nhiên chú thích rằng cả một khu vực Biển Đông rộng lớn đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Tương tự, trang 1 và 2 giáo trình “Khái quát Trung Quốc” dành cho sinh viên nước ngoài (nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, tái bản năm 2007) còn trắng trợn tuyên bố Biển Đông cùng với hàng ngàn đảo lớn nhỏ là một trong bốn vùng biển lớn nhất mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Cuốn “Văn hóa Trung Quốc” – giáo trình Hán ngữ đối ngoại (Nhà xuất bản Đại học Ngôn Ngữ Bắc Kinh, tái bản năm 2006) cũng khẳng định cực Nam của Trung Quốc nằm ở bãi ngầm James. Các giáo trình trên tuy khác nhau về hình thức trình bày, nhưng đều khẳng định luận điệu dối trá của Trung Quốc về cực Nam và về “đường lưỡi bò”.

Ngoài đưa nội dung tuyên truyền sai trái vào sách giáo khoa, Trung Quốc còn thông qua việc tổ chức triển lãm về đời sống sinh vật hải dương nhằm nhồi nhét nhận thức sai lệch cho thế hệ trẻ về “lịch sử Biển Đông”. Theo báo Yomiuri, một tờ báo lớn uy tín tại Nhật Bản, Trung Quốc thường tổ chức buổi triển lãm về đời sống tự nhiên ở Biển Đông tại bảo tàng thiên nhiên gần công viên Thiên Đàn nhằm “phổ cập và nâng cao ý thức an toàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo” cho quần chúng được chính quyền Bắc Kinh tổ chức. Viện bảo tàng trưng bày nhiều mẫu vật như san hô, cá mập và các loại cá khác nhằm thể hiện sự đa dạng sinh thái ở vùng biển này. Tuy nhiên, các nội dung thuyết minh trong bảo tàng được chính trị hóa, đưa các thông tin sai lệch về chủ quyền ở Biển Đông, cố tình “bẻ cong” trắng trợn lịch sử khi cho rằng “các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ cố hữu bất khả xâm phạm của Trung Quốc, biển thì thuộc vùng biển lịch sử của đất nước Trung Quốc. Các đảo lớn hiện đang bị nước khác chiếm đóng”; hay “các nguồn tài nguyên biển ở biển Đông phải được phát triển để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”.

Bên cạnh đó báo Yomiuri cũng cho biết, một cuốn sách giáo khoa môn Địa lý cho học sinh trung học đã trắng trợn bóp méo kiến thức: “Đất nước chúng ta (Trung Quốc) không chỉ là một vùng đất rộng lớn mà còn là một vùng biển bao la”, đồng thời đưa bản đồ “đường chín đoạn” vào trong sách, thể hiện tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần 80% diện tích Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) đã bác bỏ cơ sở pháp lý của yêu sách này. Đặc biệt, cuốn sách hướng dẫn cho giáo viên cũng ngang nhiên xuyên tạc: “Các vùng biển Trung Quốc kiểm soát dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) có diện tích 3 triệu km2. Biển Đông chiếm khoảng 2/3 diện tích khu vực này”.

Theo Yomiuri, Trung Quốc cố tình lồng ghép, xuyên tạc lịch sử về vấn đề Biển Đông là nhằm nhồi nhét nhận thức sai lệch cho thế hệ trẻ và “tẩy não” dư luận thế giới về cái gọi là “chủ quyền trên Biển Đông” được nước này dùng đi dùng lại đến nhàm chán. Tờ báo cảnh báo Trung Quốc cần hiểu rằng, những yêu sách trên Biển Đông được xây dựng bằng ngọn lửa tham vọng sẽ không nhận được sự đồng tình của dư luận. Tôn trọng luật pháp quốc tế mới là mục đích tối thượng mà một nước lớn nên làm.

RELATED ARTICLES

Tin mới