Tạp chí Nikkei gần đây cho đăng một bài viết của hai tác giả Fraser Howie và Roger Garside, trong đó cho rằng trung tâm tài chính phố Wall sẽ là mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến kinh tế Mỹ – Trung, gây áp lực lớn lên ông Tập Cận Bình.
Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng Mỹ hiện coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược hơn là đối tác. Khi sự thay đổi trong quan điểm của Washington về Bắc Kinh xuất hiện đầu tiên trong chính sách thương mại, một mặt trận mới có thể sẽ bắt đầu mở ra trên thị trường vốn, theo 2 tác giả.
Phát súng đầu tiên
Tháng 6/2019, thượng nghị sĩ Marco Rubio đã bắn phát súng đầu tiên cho cuộc chiến trên thị trường vốn qua việc đề xuất một dự luật nhằm tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, hủy bỏ niêm yết những công ty không tuân thủ các yêu cầu mới. Vài ngày sau đó, ông Rubio đã truy vấn công ty uy tín trong lĩnh vực cung cấp các công cụ phân tích thị trường tài chính MSCI (Morgan Stanley Capital International), về việc bổ sung các cổ phiếu của công ty Trung Quốc vào các chỉ số toàn cầu của MSCI liệu có dẫn tới nguy cơ khiến các nhà đầu tư Mỹ bị lừa đảo hay không.
(Chỉ số MSCI EM bao gồm chứng khoán của 23 thị trường các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc. Chỉ số này đại diện cho 10% khối lượng giao dịch toàn cầu và được dùng như chỉ số tham chiếu cơ bản của các quỹ đầu tư tại thị trường các nền kinh tế mới nổi – PV).
Theo hai ông Howie và Garside, dự luật của nghị sỹ Rubio dường như đã có được sự ủng hộ tại Nghị viện. Nếu thực sự được thông qua thành luật, nó sẽ khai mở một mặt trận mới trong cuộc chiến kinh tế Mỹ – Trung, và có thể có tác động mạnh mẽ đến dòng vốn đầu tư toàn cầu.
“Một đạo luật như vậy sẽ đè nặng lên các cổ phiếu liên quan đến Trung Quốc trên toàn cầu, và thậm chí có thể có hậu quả chính trị trong nước đối với Chủ tịch Tập Cận Bình”, hai tác giả nhận định.
Trung Quốc sẽ không có nhiều lựa chọn trả đũa
Các công ty Trung Quốc đã khai thác thị trường vốn của Mỹ từ đầu những năm 1990. Việc một công ty niêm yết ở New York từ lâu đã được coi là sự xác nhận rằng công ty đó là một trong những công ty tốt nhất và sáng giá nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ không nhất thiết đảm bảo rằng việc quản trị doanh nghiệp được thực hiện tốt. Các nhà quản lý Mỹ chưa bao giờ có thể kiểm tra các tài liệu kiểm toán từ các công ty Trung Quốc vì Bắc Kinh cho rằng điều đó là vi phạm chủ quyền và rủi ro đối với các bí mật nhà nước của họ.
Các tác giả cho rằng, sự leo thang từ việc áp dụng thuế nhập khẩu sang thị trường vốn có nghĩa là Mỹ và Trung Quốc hiện đang tham gia vào giai đoạn đầu của một cuộc chiến kinh tế. Chỉ mới gần đây, chính quyền Mỹ đã nhận ra rằng những lợi thế của Mỹ khi đấu tranh chống lại Trung Quốc, nằm ở sự kiểm soát của Mỹ đối với đồng tiền dự trữ toàn cầu và đối với thị trường vốn lớn nhất thế giới.
“Mỹ có nhiều lựa chọn thay thế so với Trung Quốc và Bắc Kinh không có nhiều sự lựa chọn ‘xa xỉ’ như vậy”, hai tác giả nhận xét.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đề xuất một dự luật mới, nhằm tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Getty)
Mặc dù nhiều công ty Trung Quốc có thể tìm cách chuyển sang niêm yết ở Hồng Kông nếu dự luật của nghị sỹ Rubio được thông qua, nhưng nó cũng không chắc đảm bảo được sự thành công. Hồng Kông có thể sẽ chào đón các công ty này sang niêm yết ở đó, nhưng thế giới là một thị trường toàn cầu và các nhà đầu tư vẫn sẽ hỏi tại sao các công ty Trung Quốc không thể cung cấp thông tin tốt hơn khi tham gia thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo các tác giả, các chính trị gia khác còn đi xa hơn Thượng nghị sỹ Rubio. Một số nghị sỹ đang yêu cầu Tổng thống Trump hạn chế các quỹ hưu trí của Mỹ và các nhà quản lý tài sản khác đầu tư vào các công ty Trung Quốc, hoặc ít nhất là hạn chế đầu tư vào các công ty nhà nước Trung Quốc nằm trong danh sách đen.
Mỹ có quyền lực và năng lực để thực hiện việc này thông qua Bộ Tài chính và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài. Washington đã sử dụng quyền lực này để buộc các nhà quản lý tiền của các công ty Mỹ, thoái vốn khỏi công ty Rusal, nhà sản xuất nhôm của Nga niêm yết ở Hồng Kông. Vào thời điểm đó, Rusal là được kiểm soát bởi một đầu sỏ chính trị, người có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Kết quả là công ty cung cấp dữ liệu Bloomberg của Mỹ thậm chí không công bố giá cổ phiếu Rusal trong nhiều tháng vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ.
Hai ông Howie và Garside cho rằng, nếu Mỹ đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen theo cách này, hàng tỷ đô la cổ phiếu sẽ phải bị bán phá giá. Một mình công ty đầu tư BlackRock của Mỹ nắm giữ khoảng 3,3 tỷ đô la tiền đầu tư vào các quỹ giao dịch niêm yết tại Hồng Kông gắn liền với cổ phiếu nội địa Trung Quốc, bên cạnh các quỹ tương hỗ tập trung vào Trung Quốc. Bất kể được niêm yết ở đâu, các công ty Trung Quốc trong danh sách đen, sẽ không còn trông mong được gì từ các quỹ có trụ sở tại Hoa Kỳ vốn là nhà đầu tư lớn của họ.
“Đó sẽ là một cú đánh đáng kinh ngạc đối với các công ty Trung Quốc, một cú đánh mà Trung Quốc sẽ có rất ít vũ khí trong kho của mình để phản ứng lại. Bắc Kinh không thể đáp trả Mỹ một cách hiệu quả theo cách tương tự, vì số tiền Trung Quốc đầu tư vào chứng khoán ở nước ngoài là tương đối nhỏ, do sự kiểm soát vốn của nhà nước. Ngay cả khi Trung Quốc phản ứng bằng cách bán phá giá trái phiếu Mỹ và các trái phiếu khác, họ sẽ tự ‘đá vào chân mình’ vì sẽ không còn nơi nào để đầu tư tiền của họ, trong khi thị trường trái phiếu Mỹ đủ tính thanh khoản để hấp thụ ngay cả việc bán ra rất mạnh”, các tác giả nhận định.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với áp lực nội bộ trong trường hợp xung đột thị trường vốn kịch tính như vậy.
Nếu các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất được thông qua, những người kiếm được nhiều nhất từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, sẽ đột nhiên thấy tài sản của họ bị đóng băng ở nước ngoài hoặc bị chuyển về nước. Nó chắc chắn sẽ tác động không tốt đến Chủ tịch Tập Cận Bình nếu như giới tinh hoa Trung Quốc vì thế mà nghèo hơn nhiều, và bị ‘trói buộc’ trong hệ thống tài chính quốc gia của Bắc Kinh.
Bằng cách niêm yết các công ty của mình ở nước ngoài, giới tinh hoa kinh doanh của Trung Quốc đã đưa hàng tỷ đô la tài sản vượt quá tầm kiểm soát vốn của đất nước. (Ảnh: Reuters).
Howie và Garside cho rằng, sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng một cú đánh mạnh vào túi tiền của giới tinh hoa Trung Quốc, sẽ không ‘vang vọng’ xung quanh khu vực Trung Nam Hải của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Sau đó, ông Tập có thể cảm thấy phải thỏa hiệp nhanh hơn nhiều so với mong muốn, dưới áp lực của những người mà ông Tập cần phải giữ quan hệ gần gũi nhất.
Vấn đề công bố không đầy đủ của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã bị bỏ mặc quá lâu. Bây giờ những yêu cầu cao hơn có thể sẽ được quy định trong pháp luật.
Các tác giả cũng cho rằng trong tình hình hiện tại, việc tăng cường hạn chế đối với các khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty niêm yết ở Hồng Kông và Trung Quốc, sẽ khó xảy ra. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng không nên bỏ qua khả năng này vì Mỹ đang ở những giai đoạn đầu của việc chỉnh đốn lại toàn cầu với Trung Quốc.
“Sáng kiến của nghị sỹ Rubio đánh dấu sự leo thang kịch tính nhất kể từ khi Tổng tống Trump phát động cuộc tấn công thương mại của mình. Nhưng các hành động để chống lại các chính sách của giới lãnh đạo Trung Quốc đang được nhân rộng trên khắp các lĩnh vực, từ vi phạm nhân quyền đến chiếm đoạt công nghệ thông qua trộm cắp trên mạng, và ép buộc chuyển giao sở hữu trí tuệ’, hai ông Howie và Garside kết luận.