Hội đàm thương mại Trung-Mỹ vòng thứ 12 kết thúc vào ngày 31/7, đây cũng là ngày Tổng thống Donald Trump gặp gỡ nhà lãnh đạo của nước láng giềng Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ gặp Tổng thống Mông Cổ. Ảnh: AP
Hãng thông tấn trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã ngày 31/7 đưa tin, phái đoàn đàm phán thương mại Trung-Mỹ đã tổ chức vòng đàm phán thương mại cấp cao lần thứ 12 tại Thượng Hải trong hai ngày 30-31/7.
“Căn cứ theo các yêu cầu đồng thuận quan trọng của hai nguyên thủ quốc gia tại Osaka, hai bên đã tiến hành trao đổi sâu sắc, hiệu quả và mang tính xây dựng về các vấn đề chính trong lĩnh vực kinh tế và thương mại mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên cũng đã thảo luận, Trung Quốc sẽ tăng cường thu mua nông sản của Mỹ theo nhu cầu trong nước và Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán”, Tân Hoa Xã thông báo.
Hãng thông tấn Trung Quốc cho biết thêm, hai bên sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại cấp cao tiếp theo tại Mỹ vào tháng 9 tới. Được biết, trước cuộc hội đàm vào tháng 9, phái đoàn hai nước sẽ tăng cường liên lạc trao đổi trong tháng 8 để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của các trưởng phái đoàn vào tháng 9.
Theo giới phân tích, khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc trước đó, phía Washington đã tìm nhiều biện pháp để tháo gỡ các khó khăn về thương mại, xuất nhập khẩu do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Vào ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên bất ngờ ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Mỹ, yêu cầu “tăng cường sản xuất đất hiếm và nam châm đất hiếm vốn được sử dụng trong các động cơ chuyên dụng dùng trong quân đội.
Ngoài ra, ông cũng cảnh báo nền quốc phòng Mỹ sẽ phải chịu thiệt hại nếu không chuẩn bị đầy đủ kho dự trữ đất hiếm trong bối cảnh Trung Quốc có thể ngừng sản xuất đất hiếm.
Tuy nhiên, hiện nay dường như Tổng thống Trump đã tìm ra nguồn cung đất hiếm mới thay thế Trung Quốc – đó là Mông Cổ. Đất hiếm vốn được coi là “đặc sản của Trung Quốc” khi nước này là quốc gia khai thác sản xuất trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới.
Tức là, vào đúng ngày đại diện thương mại Trung-Mỹ hội đàm tại Thượng Hải (31/7) thì tại Washington, người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã hội đàm với Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga và thảo luận vấn đề nhập khẩu đất hiếm từ láng giềng Trung Quốc.
Khu vực các tỉnh phía Tây Mông Cổ tiếp giáp Nga, Kazakhstan, Trung Quốc như Khovd sở hữu lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá metan, kim loại hiếm, khoáng chất đất hiếm, đá quý, đá cẩm thạch, đá granit, mica và các khoáng chất khác.
Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn là, vận chuyển hàng hóa bằng từ Mông Cổ sang Mỹ sẽ rất khó khăn khi quãng đường di chuyển sẽ phải đi qua Nga hoặc Trung Quốc trong khi Mỹ và Nga, Trung Quốc đang tồn tại mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực.
Điều này cho thấy, Mỹ đang có sự thay đổi về vấn đề vật chất chiến lược mới, báo tiếng Hoa Đa chiều nhận định.
Tờ này cũng cho rằng, ở chiều ngược lại, Bắc Kinh phụ thuộc nhiều hơn vào các hoạt động đầu tư không mang tính đối đầu với Mỹ ví dụ như đường sắt. Cùng ngày diễn ra hoạt động đàm phán thương mại Trung-Mỹ 30/7, Tân Hoa Xã đã đưa tin chính thức về hiện trạng các công ty đường sắt Trung Quốc tham gia vào tiến trình nâng cấp đường sắt Tanzania-Zambia và kết nối nó với tuyến đường sắt Benguela.
Tại thời điểm này, bốn tuyến đường sắt của Tanzania, Zambia, Congo và Angola đã lần đầu tiên được kết nối với nhau và Trung Quốc đã thiết lập một hành lang đường sắt giữa Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tín hiệu được cho tích cực của Trung Quốc trong xây dựng đường sắt ở châu Phi không thể che giấu sự thất vọng của các gói đầu tư tương tự ở Đông Nam Á.
Theo Đa chiều, kinh tế thương mại Trung-Mỹ có triển vọng hợp tác rộng rãi và bổ sung mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Điều này cũng giúp cho hai bên có cơ sở đối thoại và cho phép các biện pháp đối phó trong thương mại của Bắc Kinh duy trì ở mức độ bổ sung thuế quan. Tuy nhiên, do tính chất đối đầu của cả hai bên ngày càng mang tính chuyên nghiệp và cạnh tranh hơn nên mặt trận ngoại giao của hai nước trong tương lai sẽ càng mở rộng hơn.