Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐiều gì đã xảy ra với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung?

Điều gì đã xảy ra với thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung?

Một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã từng đến đến rất gần, giờ lại dường như ngày càng xa.

Mới chỉ hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Trung Quốc dường như đã đến rất gần việc giải quyết những bất đồng thương mại. Nhưng sau đó, nó sụp đổ hoàn toàn.

Thỏa thuận “đình chiến” đạt được giữa Tổng thổng Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6 cũng đã bị phá vỡ.

Hiện tại, thị trường tài chính toàn cầu đang biến động, các ngân hàng trung ương khắp thế giới đang cố tránh cho nền kinh tế của mình khỏi kịch bản tồi tệ nhất bằng cách điều chỉnh chặt chẽ lãi suất, với dự đoán cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục và có thể kéo dài qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

“Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đều đang gặp vấn đề trầm trọng”, Wendy Cutler, từng là nhà đàm phán thương mại của Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Viện chính sách xã hội châu Á cho biết. “Có ngày càng ít niềm tin ở cả 2 phía, cộng với việc cả 2 bên đều cảm nhận rằng, họ có thể tốt hơn nếu không có một thỏa thuận, ít nhất là ở thời điểm này”.

Không ai chịu nhượng bộ

Những động thái trong hơn 1 tuần qua cho thấy căng thẳng đang gia tăng trở lại. Ngày 1/8, ông Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9 tới – điều mà ông đã đe dọa từ trước.

Ngày 5/8, Trung Quốc cũng “phản đòn”: dừng mua nông sản Mỹ – một đòn tương đối mạnh nhằm vào căn cứ chính trị quan trọng của ông Trump ở Trung Tây, và để cho đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua. Đồng Nhân dân tệ bị định giá thấp hơn, sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc so với các đối thủ nước ngoài.

Động thái của Bắc Kinh đã khiến Bộ tài chính Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ lần đầu tiên kể từ năm 1994. Bước đi này có thể mở đường cho các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, tới nay, đó vẫn chỉ là động thái mang tính biểu tượng của việc gia tăng hiềm khích giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Cả hai bên thực ra đều đang kiềm chế”, theo Timothy Keeler, cựu Giám đốc Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ và hiện là một đối tác tại công ty luật Mayer Brown đánh giá.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được dự báo sẽ còn tiếp tục dấy lên mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đã đang suy yếu. Nó làm biến động các thị trường tài chính, khiến cách hoạt động thương mại trở nên ảm đạm và làm các doanh nghiệp trở nên bối rối khi phải quyết định đặt các nhà máy sản xuất của mình ở đâu, tìm nguồn cung từ đâu và bán sản phẩm ở nước nào.

Khi các công ty đứng “giữa làn đạn” của thương chiến Mỹ-Trung và phải đưa ra những quyết định như vậy, họ sẽ khiến thương mại và tăng trưởng bị chùn nhịp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo thương mại thế giới sẽ giảm tốc trong năm 2019, năm thứ 2 liên tiếp.

Các ngân hàng trung ương cũng đang cố hạn chế thiệt hại kinh tế, mặc dù giảm lãi suất cho vay chỉ đem lại một lợi ích hạn chế khi lãi suất vốn đã thấp sẵn. Hôm 7/8, các ngân hàng trung ương của Indonesia, New Zealand và Thái Lan đã tuyên bố cắt giảm lãi suất.

“Chúng ta sẽ còn nói về Trung Quốc và cuộc chiến thương mại trong thập kỷ tới”, Nate Thooft, người đứng đầu bộ phận phân phối tài sản toàn cầu tại Công ty quản lý đầu tư Manulife dự đoán. “Nó sẽ không kết thúc một cách vĩnh viễn”.

Chính quyền Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với nhau về nhiều vấn đề gai góc. Phía Mỹ nói rằng, Trung Quốc đang “bịp bợp” để tìm cách thống trị các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và máy tính. Đặc biệt, chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp các bí mật thương mại, buộc các công ty nước ngoài phải tiết lộ công nghệ và trợ cấp một cách không công bằng các công ty công nghệ Trung Quốc trong khi gây khó dễ cho các đối thủ nước ngoài.

Sẽ khó có thỏa thuận trong tương lai gần?

Đạt được một thỏa thuận cụ thể sẽ rất khó khăn, ít nhất là vì nó đòi hỏi Trung Quốc phải kiềm chế tham vọng của mình – yếu tố đã trở thành đặc trưng của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 5, Mỹ và Trung Quốc dường đang hướng tới một dạng thỏa thuận có ý nghĩa. Nhưng bất ngờ, ngày 5/5, ông Trump cáo buộc Trung Quốc không giữ đúng cam kết đã đưa ra trước đó và ông tuyên bố sẽ nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, điều mà ông đã thực hiện chỉ 5 ngày sau đó. Chính quyền Mỹ cũng sẵn sàng tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa nữa – một động thái leo thang sẽ nhắm vào gần như tất cả mọi sản phẩm mà Trung Quốc bán ở Mỹ.

“Mọi người đã quá lạc quan hồi đầu tháng 5”, Philip Levy, nhà kinh tế trưởng tại công ty vận tải Fexport ở San Fransisco, người từng làm cố vấn trong chính quyền Tổng thống George W. Bush, cho biết.

Ông Trump và ông Tập đã đề xuất một giai đoạn “đình chiến” hồi tháng 6/2019. Ông Trump đồng ý trì hoãn các biện pháp thuế quan mới khi các vòng đàm phán thương mại được nối lại.

Tuy nhiên, sau vòng đàm phán thứ 12 ở Thượng Hải hồi tháng 7/2019 dường như không đạt được tiến triển nào, ông Trump đã hủy bỏ giai đoạn đình chiến và tuyên bố chuẩn bị đánh thuế 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9. Ông cáo buộc Trung Quốc đã cố tìm cách kéo dài các cuộc đàm phán đến năm 2020 để hy vọng ông sẽ thua trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sau đó Trung Quốc có thể đàm phán lại với một Tổng thống của đảng Dân chủ.

Dù ông Trump nói đúng hay không, thì cũng không mấy người nghi ngờ gì phong cách thất thường của ông đã khiến ông khó có thể tin tưởng vào các cuộc đàm phán.

Trung Quốc có thể phải học bài học từ thỏa thuận của ông Trump với Mexico: sau khi gây áp lực với Mexico để buộc nước này phải đồng ý về một thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ được chỉnh sửa lại hồi năm ngoái, ông Trump từ chối hàng tháng liền về việc dỡ bỏ thuế quan đối với nhôm và thép Mexico. Và phải đến giữa tháng 5, ông Trump mới tuyên bố đang dỡ bỏ các biện pháp thuế quan đối với Mexico, sau khi bất đồng về vấn đề di cư được giải quyết.

Các yếu tố khác cũng đang khiến Mỹ và Trung Quốc khó có được sự thỏa hiệp. Khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang tới gần, ông Trump không có động lực đạt được một thỏa thuận thương mại bởi điều đó có thể vấp phải sự giận dữ từ các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ.

Trong khi đó, ông Tập, cũng có những lý do riêng để tránh những nhượng bộ có thể khiến ông có vẻ như yếu thế hơn. Đó là các cuộc biểu tình ở Hong Kong và sự kiện kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc

RELATED ARTICLES

Tin mới