Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. (31/7) cho biết, Chính phủ Philippines đã trao Công hàm phản đối việc hàng trăm tàu thuyền của Trung Quốc hoạt động quanh đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.
Đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Việc Philippines trao Công hàm phản đối Trung Quốc xuất phát từ thông tin do Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington công bố các hình ảnh vệ tinh cho biết số lượng tàu cá Trung Quốc đã tăng từ 61 tàu hôm 8/2 lên 113 vào ngày 24/7 vừa qua. Tuy nhiên, Philippines chỉ chính thức gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Hermogenes Esperon Jr. xác nhận thông tin của AMTI và đề xuất sử dụng biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề này. Đáng chú ý, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines cho biết, từ ngày 30/7, các tàu Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển nêu trên với lý do thời tiết xấu.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (31/7) cho rằng vùng biển phía Tây nước này (Biển Đông), bình yên cho đến khi Trung Quốc tiến vào và thực hiện hành động gây hấn. Theo ông Delfin Lorenzana, nếu Trung Quốc không bắt đầu xây các đảo nhân tạo, thì Biển Đông đã yên ả hơn, và nếu Trung Quốc không trở nên quá hung hăng ở Biển Đông thì cũng sẽ không có mâu thuẫn trong khu vực. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cũng chỉ trích Trung Quốc không giữ các cam kết chính trị đã đưa ra về vấn đề Biển Đông. “Họ nói không bắt nạt nước khác, họ tuân thủ luật pháp quốc tế, nhưng những gì họ nói không phải là những gì họ đang làm”. Bộ trưởng Lorenzana cho biết thêm trừ khi Trung Quốc làm theo những gì họ nói, còn không những gì họ nói tiếp tục bị nghi ngờ. Người Philippines sẽ tiếp tục nhìn Bắc Kinh với sự ngờ vực.
Trên thực tế, đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, Thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ. Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hòa thường ghé thăm đảo Thị Tứ, cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn còn năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hòa. Việt Nam cũng đã dựng bia chủ quyền trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5 năm 1963.
Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines cho quân bí mật chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ của Việt Nam. Hiện Philippines xây dựng trái phép một đường băng dài 1.260 m được xây dựng vào năm 1975 với khả năng tiếp nhận các máy bay lớn nhưng đã xuống cấp. Ngoài ra, nơi đây còn có căn cứ hải quân, bến tàu, trung tâm y tế, trường học và một tháp thông tin di động.
Đề cập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và hoạt động của các bên ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ ngoại Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.