Tuesday, October 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTiến trình ra đời và tính thiết thực, hiệu quả của COC...

Tiến trình ra đời và tính thiết thực, hiệu quả của COC liệu có như kỳ vọng

Ngày 02/08/2018, phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM 51), Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivien Balakrishnan – nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN trong năm 2018 cho biết, hai bên đã đạt được thỏa thuận “văn bản duy nhất” về đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Còn theo phía Trung Quốc tiết lộ thì “văn bản duy nhất” sẽ tích hợp cục diện “10 và 1” (tức 10 nước ASEAN và Trung Quốc) thành phương án tập thể “10+1=1”. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị giải thích: “Điều này giống như Trung Quốc và các nước ASEAN cùng nhau xây dựng một ngôi nhà, trước đây 11 nước có thể có 11 phương án thiết kế, hiện nay chúng tôi không những thống nhất thành một phương án thiết kế, mà còn xây dựng một khung nhà vững chắc”, đồng thời bày tỏ tin tưởng Trung Quốc và ASEAN sẽ cùng dốc sức tăng tốc thúc đẩy COC. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng cho rằng, COC có thể ra đời trong vòng 3 năm nữa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu có phải do tình hình Biển Đông đang có xu hướng ổn định, nên Trung Quốc mới bày tỏ sự lạc quan trên, một học giả Malaysia cho rằng, Biển Đông có thực sự hòa bình và ổn định hơn hay không còn tùy thuộc vào lập trường của các bên, nghĩa là đứng ở lập trường khác nhau sẽ có quan điểm khác nhau. “Biển Đông đang ổn định” là một cụm từ được sử dụng rộng rãi hơn ở Trung Quốc, chứ không phải là quan điểm của toàn bộ các nước Đông Nam Á. Các nước từng có tranh chấp ở Biển Đông khó có thể hoàn toàn đồng ý với quan điểm này, đó là chưa nói đến Mỹ và Nhật Bản. Phía Trung Quốc cảm thấy hiện tại đã ổn định, chẳng qua bởi vì tình hình đang theo hướng có lợi cho họ, còn đối với một số nước ASEAN thì tình hình Biển Đông đang trở nên “tồi tệ” hơn.

Trên thực tế, có nhiều động thái cho thấy COC không có mấy lạc quan về thời gian ra đời và cũng khó có thể đáp ứng đúng như kỳ vọng của các bên liên quan bởi mấy lẽ sau:

Thứ nhất, mặc dù “văn bản duy nhất” đã được đưa ra, nhưng giữa các bên vẫn còn sự khác biệt rất lớn, nhiều bên vẫn cần có thêm thời gian đi sâu bàn bạc giải quyết những mong muốn về lợi ích của mình.

Theo giới truyền thông nhận định, nội dung của “văn bản duy nhất” gồm 3 phần, hơn 19 trang nhưng theo dự đoán, cuối cùng COC sẽ “gút” lại chỉ còn một tới hai trang nội dung, điều đó đủ để cho thấy mức độ khó khăn của các bên khi muốn bày tỏ nguyện vọng bức thiết của mình vào trong văn bản COC cũng như các cuộc đấu trí giữa các bên để cho ra văn bản này trong thời gian tới.

Ví dụ, liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp, Trung Quốc và các nước ASEAN rốt cuộc nên áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS1982), Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), hay đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp mới? Đây không chỉ là bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN mà ngay trong nội bộ các nước ASEAN cũng có những quan điểm khác nhau. Một ví dụ khác, về lĩnh vực và phương thức hợp tác ở Biển Đông, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) có quy định, trước khi tìm ra giải pháp toàn diện và lâu dài đối với tranh chấp ở Biển Đông, các bên liên quan có thể thảo luận hoặc hợp tác trong 5 lĩnh vực, gồm bảo vệ môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; điều hướng tàu thuyền và an toàn giao thông; tìm kiếm và cứu nạn; chống tội phạm xuyên quốc gia. Nhưng nhiều khả năng, “văn bản duy nhất” sẽ mở rộng lĩnh vực hợp tác giữa các bên, có thể chạm vào vấn đề đánh bắt cá của Indonesia, Philippines, hoặc vấn đề khai thác nguồn tài nguyên dầu khí mà Trung Quốc và Philippines đang tích cực tìm kiếm… Khi những vấn đề hóc búa này không thể được giải quyết nhanh chóng thì từ “văn bản duy nhất” đến COC có lẽ không phải là khoảng cách gần, thời gian ba năm liệu có giải quyết được vấn đề này không?

Thứ hai, mặc dù Trung Quốc khá lạc quan về thời gian ra đời của COC, nhưng kể cả khi nó ra đời đúng thời gian, thì các nước có đủ nghị lực để đặt niềm tin vào nhau trong việc thực thi COC không, nhất là đặt niềm tin vào Trung Quốc. Bởi trước đây, giữa ASEAN và Trung Quốc đã có DOC, nhưng Trung Quốc đã bất chấp DOC, tiến hành các hoạt động cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo và nhiều hành vi quân sự hóa ở Biển Đông. Hành động này không chỉ ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực, mà còn ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không quốc tế và môi trường biển. Nó khiến cho niềm tin vào Trung Quốc của các nước trong khu vực đã bị lung lay khi “nước lớn” này cứ hay “nói một đằng, làm một nẻo” như vậy.

Thứ ba, COC giữa ASEAN và Trung Quốc là cơ chế (bộ quy tắc), thành phần quan trọng để quản lý tranh chấp, chưa phải là một giải pháp toàn diện giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Vì là bộ quy tắc mang tính ràng buộc, nên chắc chắn Trung Quốc sẽ tìm mọi cách để né tránh và giảm thiểu các yếu tố “cứng” trong đàm phán vì nó có thể thách thức đến mục tiêu của Bắc Kinh là biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ. Việc Trung Quốc phản đối quyết liệt phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế về Luật biển (PAC) trong vụ kiện về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông do Philipines đệ trình là một ví dụ rõ ràng về việc Bắc Kinh coi thường pháp luật và các chuẩn mực quốc tế. Vậy nên, có ý kiến cho rằng, kể cả khi COC ra đời mang tính ràng buộc, liệu Bắc Kinh có tôn trọng và chấp hành không?

Thứ tư, khi xét tới sự hạn chế của khung thời gian cho đàm phán COC, Trung Quốc dường như được lợi nhiều nhất từ những bất đồng và quan điểm mâu thuẫn trong số các nước ASEAN tại bàn đàm phán. Trong khi các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bận rộn giải quyết những bất đồng đó, Trung Quốc sẽ ráo riết thiết lập cái mà nước này gọi là “nguyên trạng mới” trên thực địa bằng cách quân sự hóa các đảo đá mà họ chiếm đóng trái phép, đồng thời bình thường hóa sự hiện diện và kiểm soát của mình ở những vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Bằng cách đó, Trung Quốc có thể xác định lại phạm vi địa lý của Biển Đông, cũng như phạm vi khu vực bị tranh chấp theo hướng có lợi cho lợi ích địa chính trị của nước này.

Thứ năm, để có thể đi đến ký kết một COC thực chất và hiệu quả, điều quan trọng là các bên phải tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, DOC, duy trì môi trường hòa bình trong khu vực Biển Đông, không có các hoạt động có thể khiến cho tình hình khu vực thêm bất ổn… Thế nhưng, trong khi các nước đang nỗ lực hướng tới vấn đề này, thì chỉ trong vòng sáu tháng kể từ khi ASEAN và Trung Quốc đạt được “văn bản duy nhất” để đàm phán về COC, không ai khác mà chính là Trung Quốc đã chủ động “phá vỡ” không khí hòa bình, ổn định vốn đã được duy trì và thiết lập trong vài năm gần đây ở Biển Đông. Điển hình nhất cho hành động này của Bắc Kinh chính là vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu đánh cá Philippines ở bãi Cỏ Rong rồi bỏ mặc ngư dân gặp nạn, tiếp đó cho tàu hải cảnh xâm phạm vùng biển bãi cạn Luconia của Malaysia và ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại bãi Tư Chính trong những ngày gần đây. Hành động này cho thấy sự quay quắt của Trung Quốc khi chính họ tuyên bố rằng, đàm phán về COC đang có những tiến triển tốt đẹp. Đồng thời, nó cũng bóc trần bộ mặt thật của Trung Quốc là lợi dụng khoảng thời gian trước khi COC ra đời để gia tăng các hoạt động củng cố, mở rộng tham vọng về chủ quyền lãnh thổ của mình ở Biển Đông bằng các hành động “cơ bắp”.

Thứ sáu, yếu tố bên ngoài tác động khiến cho đàm phán COC sẽ gặp khó khăn. Trong bối cảnh cuộc đọ sức Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, Mỹ đang ngày càng can dự vào Biển Đông và có xu hướng sử dụng Biển Đông như một quân bài chiến lược trong tổng thể chiến lược đối với khu vực. Nhìn từ góc độ lợi ích của một siêu cường, khó ai có thể phủ nhận vì Biển Đông không chỉ là lợi ích của các nước trong khu vực mà còn có lợi ích của nhiều nước khác ngoài khu vực. Ai đó đòi Mỹ, Nhật, Nga, Ấn Độ phải đứng ngoài Biển Đông thì quá là ảo tưởng. Trong khi, tại đây có khá nhiều quốc gia là bạn bè đồng minh của Mỹ, của Nhật, nhiều nước lại đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Họ đều thừa hiểu không đủ sức đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, nên phải tìm đến một sức mạnh “ngang ngửa” với Trung Quốc làm đối trọng để “cân bằng quyền lực”. Do đó, yếu tố Mỹ hoặc Nhật Bản hoặc cả Mỹ và Nhật Bản liên kết với nhau trở thành “cứu cánh” cho khu vực. Trên thực tế, người Mỹ và người Nhật cũng đã hành động để Biển Đông không phải là của riêng Trung Quốc. Vì vậy, thật ngây thơ khi cho rằng Mỹ sẽ đứng ngoài mà không tác động gì vào đàm phán COC.

Cuối cùng, chính là sự bất đồng trong nội bộ các nước ASEAN đã làm chậm tiến trình COC, nhưng sự bất đồng này suy cho cùng cũng do sự “lôi kéo” theo chiến thuật “bẻ đũa từng chiếc” đối với từng nước ASEAN để tạo thế có lợi cho mình trong vấn đề Biển Đông nói chung, COC nói riêng của Trung Quốc. Bất cứ ai cũng hiểu, sự đồng thuận là chìa khóa để ASEAN giải quyết các thách thức ở Biển Đông, nhưng sự hiểu biết hạn hẹp về lợi ích quốc gia của các nước thành viên đơn lẻ đã làm hạn chế những nỗ lực nhằm tăng cường sự hợp tác và gắn kết trong khu vực. Điều này làm dấy lên mối quan ngại rằng, chuẩn mực đồng thuận của ASEAN đã không còn hỗ trợ cho những thực tế mới về an ninh, thậm chí, các nước thành viên khác có thể tán thành những ưu tiên của Bắc Kinh và ngăn chặn ASEAN ra quyết định. Bởi tiến trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của ASEAN hiện tại vận hành một cách đơn giản: Nếu bất kỳ nước nào trong số 10 nước thành viên ASEAN phản đối một đề xuất hay ý tưởng nào đó, thì như vậy là đủ để bác bỏ quyết định của các nước còn lại. Khi nói tới những tranh chấp ở Biển Đông, chuẩn mực này đã thực sự gây bất lợi, vì nó dường như tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc vận dụng khả năng của mình nhằm loại bỏ vai trò trung tâm của ASEAN.

Minh chứng cho điều này có thể kể đến thất bại lịch sử của ASEAN trong việc đưa ra một thông cáo chung khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 7/2012 tại Phnom Pênh, vì Campuchia khi đó là Chủ tịch ASEAN và cũng là đối tác kinh tế chặt chẽ của Trung Quốc, đã tìm cách nhân nhượng Trung Quốc bằng cách giảm thiểu việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông với cái giá là sự đoàn kết ASEAN. Còn cả Philippines, ngoài việc không hối thúc Campuchia đề cập tới những sự kiện liên quan đến Bắc Kinh xảy ra tại bãi cạn Scarborough trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 vào tháng 4/2017 mà còn tránh đề cập tới bất kỳ dự án cải tạo đảo, đá nào của Trung Quốc, cũng như phán quyết mang tính lịch sử mà Manila đã giành được trước Bắc Kinh. Những sự cố này khiến nhiều người nhận thấy rõ ràng rằng, đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại chuẩn mực đồng thuận của mình trước các mối đe dọa an ninh mới nổi và những thực tế mới tiến triển trên thực địa.

Năm 2020 là năm thứ hai trong thời hạn ba năm đàm phán COC, năm có ý nghĩa trọng yếu đối với tương lai của Biển Đông. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận và đoàn kết trong ASEAN vẫn là một trở ngại lớn. Thái Lan và Malaysia đang theo đuổi cách tiếp cận an toàn đối với vấn đề Biển Đông; Indonesia và Singapore có lẽ vẫn giữ lập trường trung lập; Philippines dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte, ngày càng tỏ ra thân thiện nhiều hơn với Bắc Kinh. Các nước ASEAN khác vốn đã “lọt” vào quỹ đạo của Trung Quốc nên thể hiện sự ủng hộ ở mức hạn chế đối với bất kỳ tuyên bố chung nào có ngôn từ cứng rắn bày tỏ quan ngại đối với vấn đề Biển Đông, thậm chí còn đứng về phía chính sách của Trung Quốc liên quan tới các vùng biển bị tranh chấp để đổi lấy các khoản vay ưu đãi và cứu trợ giá trị hàng tỷ USD từ Bắc Kinh.

Có thể nói, xem xét quãng đường mà hai bên đạt được “văn bản duy nhất”, cũng như những gì mà Trung Quốc đã và đang làm ở Biển Đông, dư luận nhiều nước trong và ngoài khu vực không mấy lạc quan về một COC sẽ sớm ra đời trong ba năm nữa và đáp ứng đúng kỳ vọng của các bên liên quan về tính thiết thực, hiệu quả, nhất là mong muốn của những nước nhỏ trong khu vực hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới