Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaQuan điểm của các nước về diễn biến tình hinh ở Biển...

Quan điểm của các nước về diễn biến tình hinh ở Biển Đông tại Hội nghị AMM 52 và các hội nghị liên quan

Từ 31/7 – 3/8, đã diễn ra Hội nghị AMM 52 và một số hội nghị liên quan như ARF 26, EAS 9, ASEAN + 3 lần thứ 20… Tại các hội nghị trên, vấn đề Biển Đông tiếp tục là một trong những chủ đề được trao đổi, thảo luận nhiều nhất.

Hội nghị AMM 52

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.

Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.

Hội nghị đã ra Tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết của chúng tôi về việc giữ gìn và thúc đẩy hoà bình, ổn định trong khu vực, giải quyết các tranh chấp trong hoà bình bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các thủ tục pháp lý và ngoại giao mà không cần phải dùng đến vũ lực theo đúng luật pháp được quốc tế công nhận như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề ở Biển Đông và một số Ngoại trưởng bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo và quân sự hoá các thực thể nhân tạo trong khu vực. Các hành vi này đã làm suy giảm niềm tin, gia tăng xung đột và ảnh hưởng đến hoà binh và ổn định của vùng biển này. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hoá và kiềm chế trong hành động của tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, bao gồm những nước được nhắc đến trong DOC 2002”. 

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ

Các bộ trưởng trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Các nước ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Mỹ luôn là bạn và là đối tác đáng tin cậy của ASEAN, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh các nước trong khu vực cần có tiếng nói kiên quyết, không nên lảng tránh những vấn đề phức tạp. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên tiếng chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên (COC) khi ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất lần đọc thứ nhất trong 3 lần đọc của quá trình đàm phán, Mỹ cùng các nước ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, không quân sự hóa, kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế…

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản

Tại Hội nghị, ngoại trưởng các nước bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Hai bên ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) song cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp trên thực địa, nhất là quân sự hóa và các hoạt động đơn phương làm phức tạp tình hình, dẫn đến xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển khu vực – bao gồm Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Bên cạnh đó, hai bên còn nhấn mạnh Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) cần phải được thực hiện đầy đủ và khuyến khích nỗ lực xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Ngoại trưởng Nhật Bản Kono cho rằng tình hình Biển Đông “mỗi năm càng xấu đi” và Nhật chia sẻ sự lo ngại với khối ASEAN về vấn đề này. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cùng đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc đã thẳng thắn trao đổi về những diễn biến gần đây tại khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Trong khi tích cực ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhiều nước nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (31/7) bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động khảo sát trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc dưới sự hộ tống của các tàu hải cảnh và dân binh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là hành động nối tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, đồng thời gia tăng căng thẳng, gây bất lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Hội nghị EAS 9

Tại Hội nghị, các nước trao đổi sâu rộng trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng về vấn đề Biển Đông. Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến trên thực địa gần đây, trong đó có các hành vi quân sự hóa và các hoạt động đe dọa hoạt động kinh tế hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gây căng thẳng và tác động bất lợi đến môi trường hòa bình, ổn định chung ở khu vực. Các Bộ trưởng EAS nhấn mạnh lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, không quân sự hóa, không có hành động làm phức tạp tình hình, đơn phương thay đổi nguyên trạng, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Các nước cũng nhấn mạnh mọi đòi hỏi chủ quyền cần phải dựa trên các cơ sở pháp lý của luật pháp quốc tế, không đồng tình với các hành động gây o ép để khẳng định đòi hỏi chủ quyền.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ thêm về các hoạt động đơn phương vi phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phó Thủ tướng nhấn mạnh lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, qua đó, kêu gọi tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hội nghị ARF 26

Tại Hội nghị, nhiều Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp gần đây về vấn đề Biển ĐÔng, trong đó có những sự cố nghiêm trọng xảy ra ở khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982; kêu gọi kiềm chế, không quân sự hoá cũng như không có các hành động làm phức tạp tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Ghi nhận một số tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC), các Bộ trưởng nhất trí tình hình hiện nay càng đòi hỏi một COC hiệu lực, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các nước đề cao tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo Công ước Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và duy trì môi trường thuận lợi để hỗ trợ cho tiến trình đàm phán nhằm đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất.

Trung Quốc ngụy biện và lảng tránh

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (1/8) tuyên bố quan hệ Trung Quốc – Việt Nam tiếp tục phát triển và hai bên sẽ “kiểm soát và quản lý đúng đắn tình hình trên biển”,.không nên để các vấn đề hàng hải liên quan đến Việt Nam ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa hai nước.

Trong khi đó, tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Vương Nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng với Trung Quốc. Về các vấn đề trên biển hiện nay, Phó Thủ tướng khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam. Hai bên cần nỗ lực duy trì hoà bình, ổn định, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, thông qua các biện pháp hoà bình giải quyết thoả đáng tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh hành động như của nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Quan điểm cứng rắn của Việt Nam

Phát biểu tại các Hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trực tiếp nêu vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp. Tại Hội nghị AMM 52, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc, được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định những hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, theo UNCLOS 1982. Theo Phó Thủ tướng, nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển mà Trung Quốc đã tiến hành. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó thủ tướng đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển, và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh hành động như của nhóm tàu khảo sát Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Trong các cuộc đối thoại, các nước đều ghi nhận quan ngại của Việt Nam, nhất trí cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không có hành động gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực đối thoại và xây dựng lòng tin, ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN trong đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới