Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS 1982).
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-5/8/2019. Trong chuyến thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Bà Federica Mogherini bày tỏ vinh dự có chuyến thăm Việt Nam tuy ngắn nhưng thành công; đánh giá cao thiện chí và nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng, mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài giữa Việt Nam và EU. Bà khẳng định, thời gian tới, các cơ quan lãnh đạo EU có sự thay đổi nhân sự nhưng có điều không đổi là Việt Nam luôn là ưu tiên trong quan hệ đối ngoại với EU. Bà Federica Mogherini bày tỏ kỳ vọng về Hiệp định EVFTA và EVIPA là cơ sở vững chắc cho thúc đẩy quan hệ song phương trong tương lai. Bà cho rằng, việc ký hai Hiệp định này thể hiện sự hài lòng chung mà hai bên cùng chia sẻ, là nội dung quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, là tín hiệu tích cực mà chúng ta gửi ra thế giới về ủng hộ tự do thương mại trong bối cảnh thế giới có biến động phức tạp. Bà đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện quan hệ với EU trên các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, lao động, an ninh mạng… là cơ sở tốt để Nghị viện châu Âu thông qua các hiệp định mà hai bên đã ký kết.
Trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông; đề nghị EU duy trì lập trường đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông…
Cùng quan điểm trên, bà Federica Mogherini khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của LHQ năm 1982 (UNCLOS 1982); bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không; đây là vấn đề quốc tế cùng quan tâm vì nơi đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho cả EU cũng như châu Á và toàn cầu.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Bà Federica Mogherini cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ Việt Nam, trong đó vào năm 2020 sắp tới khi Việt Nam đảm nhận vai trò là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA). Bà Federica Mogherini cho rằng, trong cơ chế Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và Việt Nam đã điều phối với nhau trong nhiều vấn đề, đã thể hiện lập trường của các bên. Do đó, khi Việt Nam đảm nhận các vai trò trên sẽ là cơ hội tốt để EU và các nước thành viên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam, với ASEAN trong khuôn khổ ASEAN, Liên Hợp Quốc…
Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu đánh giá, việc ký kết, phê chuẩn nhiều văn bản pháp lý và tần suất cao các chuyến thăm của lãnh đạo hai bên trong thời gian qua đã thể hiện vị trí ưu tiên của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của mỗi bên; đồng thời tạo nền tảng ngày càng vững chắc và mở ra nhiều triển vọng mới trong quan hệ Việt Nam-EU trong thời gian tới.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, là một quốc gia có biển, Việt Nam đã tham gia UNCLOS 1982; đồng thời khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng… Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 đối với quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển. Theo bà Federica Mogherini, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu; đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.
Trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Bà Federica Mogherini bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và EU đang có nhiều bước phát triển mới rất tích cực; khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực và EU đang triển khai nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để phát triển sâu rộng hơn các mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Hai bên đánh giá cao kết quả các tiếp xúc cấp cao trong thời gian qua cũng như việc triển khai hiệu quả quan hệ hợp tác Việt Nam-EU trên nhiều lĩnh vực cụ thể về chính trị, quốc phòng, kinh tế-thương mại, hợp tác phát triển…, đặc biệt là việc hai bên vừa ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Hai nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU đi vào chiều sâu, phát triển sang một giai đoạn mới năng động hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và đáp ứng tốt hơn lợi ích của cả hai bên, nhất là khi hai bên sẽ kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và EU (1990-2020). Hai bên sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi ở các cấp, triển khai tốt các cơ chế hợp tác, trong đó có việc tiếp tục các công việc của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-EU triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) sau phiên họp đầu tiên vào tháng 5/2019. Hai bên khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-EU. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn sự ủng hộ của Ủy ban châu Âu và bà Federica Mogherini trong việc thúc đẩy EVFTA và EVIPA. Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini đánh giá việc ký EVFTA và EVIPA là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai bên trên cơ sở những lợi ích chung và sự chia sẻ về tầm nhìn hợp tác, cam kết sẽ thúc đẩy các thủ tục phê chuẩn hai Hiệp định này nhằm tạo động lực mới, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và EU. Hai bên cũng đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế khác cùng quan tâm; hoan nghênh và nhất trí cần tăng cường phối hợp trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong năm 2020 khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác ASEAN-EU cũng như tăng cường đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hỗ trợ của EU và các nước thành viên EU dành cho Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế; đề nghị phía EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam để tăng cường năng lực thể chế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững; đề nghị EU sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU, cùng tích cực triển khai Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Bà Federica Mogherini nhấn mạnh EU sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực trên, cũng như duy trì hợp tác phát triển với Việt Nam.
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của EU trong các vấn đề an ninh và hòa bình quốc tế cũng như lập trường của EU đối với việc duy trì ổn định và bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế tại khu vực và tại Biển Đông, nhất là trong bối cảnh đang có những hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và xâm phạm lợi ích, chủ quyền của các nước, làm cho dư luận khu vực và quốc tế rất lo ngại. Cùng quan điểm trên, bà Federica Mogherini khẳng định lập trường nhất quán của EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nêu rõ việc quân sự hóa và căng thẳng vừa qua tác động tiêu cực đến hòa bình, ổn định tại khu vực; mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được COC có tính ràng buộc pháp lý.
Đáng chú ý, phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, bà Federica Mogherini cho hay Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định qua đó tạo điều kiện để Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU, thể hiện vai trò, đóng góp của Việt Nam cùng với EU trong việc ngăn ngừa xung đột trên thế giới mà còn thúc đẩy hơn nữa an ninh toàn cầu. Về vấn đề Biển Đông, Đại diện cấp cao của EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông, cho rằng đó không phải là những yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực; tái khẳng định EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên biển cũng như tiến trình đi đến kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý; ủng hộ lập trường theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS.
Được biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 55,8 tỷ USD năm 2018, đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời là đối tác cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với 400 triệu euro giai đoạn 2014-2020. Cuối tháng 6/2019, hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhằm nâng tầm hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên; khẳng định cam kết của hai bên ủng hộ thương mại tự do, bình đẳng và minh bạch cũng như nỗ lực thúc đẩy hợp tác liên khu vực Á-Âu.