Thursday, November 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tập trận trái phép ở Hoàng Sa và cách đáp trả...

TQ tập trận trái phép ở Hoàng Sa và cách đáp trả đanh thép của Việt Nam

Trước việc Trung Quốc (6-7/8) ngang nhiên tiến hành tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao phản đối hành động trên, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (7/8) cho biết, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc huấn luyện quân sự ở Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này; đồng thời nhấn mạnh đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối việc Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trước đó, Cục Hải sự Hải Nam Trung Quốc ngang nhiên thông báo hải quân nước này bắt đầu tập trận trái phép trên Biển Đông và cấm “tàu bè không qua lại khu vực diễn ra tập trận”. Theo đó, cuộc diễn tập bắt đầu từ 9h30’ – 11h30’ và từ 15h – 18h ngày 6/8 tại khu vực được đánh dấu bởi 4 điểm có tọa độ 16 độ 50,6 phút vĩ Bắc/112 độ 21 phút kinh Đông, 16 độ 59 phút vĩ Bắc/112 độ 21,4 phút kinh Đông, 16 độ 58,1 phút vĩ Bắc/112 độ 27,9 phút kinh Đông và 16 độ 52,7 vĩ Bắc/112 độ 30,8 phút kinh Đông.

Cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ lúc 15h – 17h ngày 7/8 tại khu vực được đánh dấu bởi 4 điểm có tọa độ 16 độ 26,9 phút vĩ Bắc/112 độ 42,7 phút kinh Đông, 16 độ 26,20 phút vĩ Bắc/111 độ 50 phút kinh Đông,16 độ 20,30 phút vĩ Bắc/111 độ 44,7 phút kinh Đông và 16 độ 22,52 phút vĩ Bắc/111 độ 36,66 phút kinh Đông.

Tọa độ được nêu trong các thông báo cho thấy khu vực tập trận nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm đóng phi pháp từ năm 1974. Trong những ngày gần đây, những hành động của Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gây thêm quan ngại cho cộng đồng quốc tế giữa lúc nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và tàu hải cảnh hộ tống của nước này vẫn đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Trước hành động ngang trái của Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (31/7) nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép; nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Luật biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Ông Phạm Bình Minh khẳng định, các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.

Cùng quan điểm với Việt Nam, giới chức các nước Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, EU… đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới