Bản tin Biển Đông ngày 19/08/2019.
Philippines tiếp tục gửi công hàm phản đối Trung Quốc liên quan đến việc tàu chiến Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines
Ngày 19/7, Rappler trích dẫn nguồn tin từ Twitter của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc vì tàu chiến nước này hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đây là lần thứ hai Philippines gửi công hàm phản đối liên quan đến việc này, sau công hàm ngày 9/8.
Lực lượng vũ trang Philipines cho biết kể từ tháng 6 tới nay, đã có 13 trường hợp tàu chiến Trung Quốc đi qua vùng biển Philippines mà không xin phép hoặc thông báo trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana trước đó đã từng đề cập đến việc qua lại của tàu chiến Trung Quốc, trích dẫn cam kết của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa về việc sẽ đề nghị Hải quân Trung Quốc thông báo trước khi cho tàu đi vào vùng biển Philippines. Ông Lorenzana cho biết ông Triệu Giám Hoa đưa ra cam kết như vậy vào ngày 22/7.
Chính quyền ông Duterte đang vấp phải nhiều chỉ trích trong nước liên quan đến các chính sách ở Biển Đông. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Duterte đã thay đổi hoàn toàn lập trường của Philippines về tranh chấp Biển Đông, củng cố mối quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh bằng cách cam kết không đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, gác lại tranh chấp trên biển dài hàng thập kỷ giữa hai nước để đổi lại các khoản vay và viện trợ từ Bắc Kinh.
Mỹ cam kết “không từ bỏ” chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông
Ngày 19/8, Tờ Express UK đưa tin Mỹ đã nhấn mạnh cam kết về Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động vi phạm ở Biển Đông. Ngày 16/8, Tham mưu trưởng Không quân Hoa Kỳ David Goldfein phát biểu với báo giới tại Manila cho biết Mỹ sẽ tiếp tục “tuần tra ở bất kỳ nơi nào và vào bất kỳ thời điểm nào Mỹ thấy cần thiết. Mỹ nhất định sẽ không từ bỏ. Đó là cam kết của Mỹ đối với khu vực”.
Tuyên bố trên của ông Goldfein được đưa ra trong bối cảnh một loạt vụ xâm phạm trái phép của tàu chiến Trung Quốc diễn ra trong vùng biển Philippines từ hồi tháng 2 tới nay. Ông Goldfein cho rằng mọi hành vi vi phạm “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” đều “đáng lo ngại”.
Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương của Mỹ Charle Brown cũng phát biểu nhấn mạnh các hoạt động tự do hàng hải và hàng không của Mỹ ở Biển Đông là nhằm cảnh cáo các nỗ lực “bẻ cong” luật pháp quốc tế và giữ cho những tuyến đường biển này rộng mở đối với mọi tàu thuyền quốc tế.
Hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông được Mỹ đẩy mạnh dưới thời Tổng thống Donald Trump. Mặc dù Trung Quốc thường xuyên lên tiếng phản đối các hoạt động này của Mỹ, các chuyên gia lo ngại các hoạt động này “có ít ảnh hưởng” đến tiến trình củng cố sự kiểm soát của Bắc Kinh ở Biển Đông, điều mà Trung Quốc đã thực hiện rất hiệu quả thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo, bố trí khí tài và xây dựng lực lượng hạm đội tàu dân quân biển trong những năm qua. Các chuyên gia cảnh báo Mỹ cần hành động quyết liệt hơn nữa để cứu vãn tình hình.
Động cơ của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính là nhằm ép Việt Nam từ bỏ khai thác dầu khí
Ngày 17/8, Giáo sư Carl Thayer (Úc) đăng bài viết trên Scribd đánh giá về việc Trung Quốc điều tàu HD8 trở lại vùng biển Việt Nam. Ông Carl Thayer cho rằng kể từ tháng 7/2017, Trung Quốc đã phản đối kịch liệt hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Bãi Tư Chính. Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng lập luận “đường 9 đoạn” để đòi hỏi chủ quyền đối với các tài nguyên ở Biển Đông bất chấp việc các tài nguyên này nằm trong vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) và Thềm lục địa của Việt Nam.
Ông Carl Thayer cho rằng động cơ của Trung Quốc trong việc xâm phạm, rời đi rồi lại trở lại EEZ của Việt Nam là nhằm tạo sức ép lên Hà Nội để buộc chấm dứt hoạt động hợp tác khai thác ở Bãi Tư Chính với công ty Rosneft của Nga. Trung Quốc sau đó sẽ ép Việt Nam đàm phán khai thác chung.
Về những việc Việt Nam có thể làm ở thời điểm này, ông Carl Thayer cho rằng Việt Nam không có nhiều lựa chọn. Việt Nam không thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề. Việt Nam cũng không thể dựa vào ASEAN cùng các nước thành viên để lập mặt trận chống lại Trung Quốc. Các nước thành viên ASEAN như Malaysia cũng đã giữ im lặng trong suốt thời gian tàu cảnh sát biển Trung Quốc hiện diện ở Cụm bãi cạn Luconia và trong thời gian tàu khảo sát Trung Quốc xâm phạm EEZ của Malaysia.
Cho dù Mỹ lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc, Việt Nam cũng không thể dựa vào Mỹ để ngăn cản Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao của Việt Nam ở Washington có thể gặp gỡ, trao đổi, thông báo tình hình đến các Nghị sỹ thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ và vận động hành lang để Quốc hội Mỹ thông qua dự thảo Luật trừng phạt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2019.
Việt Nam cũng còn một sự lựa chọn nữa là sử dụng công cụ pháp lý quốc tế theo UNCLOS. Tuy nhiên trước tiên, nước này cần chứng tỏ là đã sử dụng mọi kênh chính trị và ngoại giao để làm việc với phía Trung Quốc. Hành động pháp lý cũng sẽ không giải quyết được vấn đề vì Trung Quốc sẽ không công nhận; tuy nhiên, hành động pháp lý sẽ tạo cơ sở thúc đẩy Mỹ và cộng đồng quốc tế hành động. Tuy nhiên, điều này hiện khó xảy ra trừ khi Việt Nam quyết định liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.