Thursday, January 2, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThương chiến Mỹ - Trung: Ai chịu đau tốt hơn?

Thương chiến Mỹ – Trung: Ai chịu đau tốt hơn?

Ngày 15-8, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thông qua kết luận về việc Mỹ áp thuế đối với một số mặt hàng của Trung Quốc, bật đèn xanh cho Trung Quốc tìm kiếm các biện pháp đòi bồi thường.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng gia tăng với việc hai bên liên tiếp đáp trả nhau bằng các biện pháp thuế quan. Nhưng không dừng lại ở đó, đã có những chỉ dấu về việc hai bên sử dụng cả các biện pháp phi thuế quan, thậm chí cả những công cụ đa phương mà việc kiện ra WTO là một ví dụ…

Trung Quốc: nhiều lựa chọn, lắm rủi ro

Ngay từ khi nổ ra cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã tìm kiếm các biện pháp tương xứng để đáp trả. Nhưng các lựa chọn có thể có đều khó tránh những tổn thất nhất định.

Trung Quốc có thể sử dụng công cụ tiền tệ, hạ thấp tỉ giá nhân dân tệ như vừa qua nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi vì có thể kích hoạt việc dòng vốn chảy ra ngoài Trung Quốc như đã từng diễn ra.

Trung Quốc cũng có thể bán tháo hơn 1.200 tỉ USD trái phiếu Mỹ đang nắm giữ. Thứ “vũ khí hạt nhân” này dù có thể tác động mạnh đến kinh tế và đồng USD nhưng đồng thời cũng có phản ứng ngược không kém với Trung Quốc.

Trung Quốc cũng có thể đơn phương đáp trả bằng các biện pháp tẩy chay hàng hóa như đã áp dụng đối với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng với Mỹ không đơn giản như vậy vì rất nhiều sản phẩm của các công ty đa quốc gia của Mỹ như Apple, General Motors… đều được sản xuất tại Trung Quốc, sử dụng nhiều lao động Trung Quốc.

Và một biện pháp nữa là kiện lên WTO như đã làm. Nhưng để được vạ có khi má đã sưng. Tiến trình giải quyết qua WTO mất rất nhiều thời gian (vụ tranh chấp Airbus – Boeing giữa Mỹ và EU phải mất hơn 10 năm WTO mới ra phán quyết cuối cùng).

Thậm chí Mỹ cũng có thể phản đòn kiện ngược lại Trung Quốc như đã làm hồi tháng 7 vừa qua đối với hàng nhôm sắt của Trung Quốc.

Mỹ: “vũ khí” nhiều nhưng không dễ dùng

Về phía Mỹ, cho đến nay Tổng thống Trump chủ yếu mới chỉ sử dụng công cụ thương mại do Mỹ có lợi thế cửa trên. Nếu chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ còn nhiều vũ khí khác dù không dễ sử dụng.

Lựa chọn đầu tiên và ưa thích của Tổng thống Trump vẫn là thuế với việc áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc, như từ 10% lên 25% đối với 300 tỉ USD hàng Trung Quốc. Tuy nhiên mức độ gia tăng thuế cũng có giới hạn vì nó sẽ gây phản ứng tiêu cực từ người tiêu dùng Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Trump phải hoãn việc áp thuế dự định từ đầu tháng 9 đến cuối năm nay.

Công cụ thứ hai mà Mỹ đã bắt đầu triển khai là việc gắn Trung Quốc mác “thao túng tiền tệ”. Theo đó, các công ty Mỹ có thể đề nghị áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhất định với yêu cầu cần được bảo vệ. Nhưng với việc đã áp thuế đối với hàng Trung Quốc hiện nay, việc gắn mác “thao túng tiền tệ” này có tác dụng biểu tượng hơn là thực chất.

Một thứ vũ khí nữa mà Tổng thống Trump nhiều lần muốn sử dụng là giảm lãi suất và giảm giá đồng USD để hỗ trợ các nhà xuất khẩu Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi và gây sức ép đối với Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm điều này với lý do hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ nhưng cho đến nay FED vẫn rất do dự trong việc thực hiện đề nghị này.

 Ngoài ra, nếu chiến tranh thương mại leo thang, Mỹ còn có thể mở rộng sang việc cấm cửa đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ hoặc hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao như từng làm với Huawei. Việc mở rộng sang các lĩnh vực khác sẽ là bước leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại này.

Mỹ chống chịu tốt hơn

Với đà gia tăng của các biện pháp trả đũa, câu hỏi đặt ra là ai sẽ có thể chống chọi tốt hơn?

Trung Quốc có lợi thế là một nền kinh tế được kiểm soát chặt chẽ, chính phủ can thiệp nhiều vào nền kinh tế cũng như kiểm soát được chính trị.

Do đó chính phủ có thể dễ dàng can thiệp để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với các lĩnh vực kinh tế nhất định cũng như kiểm soát được các thông tin tiêu cực về cuộc chiến thương mại.

Nhưng những tổn thất và thiệt hại đối với đà phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng đến ổn định chính trị. Và nếu chiến tranh thương mại mở rộng sang những lĩnh vực khác như khoa học, công nghệ… sẽ còn ảnh hưởng đến việc chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc sang một nền kinh tế hiện đại như mục tiêu đặt ra.

Về phía Mỹ, với quy mô lớn gấp rưỡi kinh tế Trung Quốc (20.000 tỉ USD so với 13.000 tỉ USD) và không bị phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, do đó có khả năng chống chịu và thích ứng tốt hơn.

Hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lớn hơn nhiều so với hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc, bất kỳ biện pháp đối đẳng nào của Trung Quốc đều có tác động nhỏ hơn đối với Mỹ.

Nhưng là một nền kinh tế linh hoạt, vận hành dựa trên chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, một cuộc chiến kéo dài với Trung Quốc sẽ làm gãy đổ hoạt động của các công ty đa quốc gia của Mỹ dựa nhiều vào các hoạt động sản xuất cũng như thị trường Trung Quốc (ví dụ như Apple có các cơ sở sản xuất lớn nhất tại Trung Quốc và Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Apple sau Mỹ).

Nhìn chung mỗi bên đều có những vũ khí khác có thể sử dụng trong cuộc chiến thương mại này, nhưng quan trọng hơn là sử dụng các vũ khí này như thế nào mà không để bị đứt tay.

Bắc Kinh chịu thiệt nếu đấu thuế quan

Đáp trả bằng thuế quan là lựa chọn đầu tiên và hợp lý nhất trong bất cứ cuộc chiến thương mại nào. Nhưng trong mối tương quan với Mỹ với việc Trung Quốc xuất khẩu tới 557,9 tỉ USD hàng hóa vào Mỹ trong khi Mỹ chỉ xuất khẩu 179,3 tỉ USD sang Trung Quốc, thiệt hại với Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Mỹ

RELATED ARTICLES

Tin mới