Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ gánh hiệu ứng ngược vì đánh nông sản Mỹ

TQ gánh hiệu ứng ngược vì đánh nông sản Mỹ

Hạ giá đồng nhân dân tệ, ngừng nhập khẩu nông sản để đấu Mỹ, Trung Quốc đối mặt khó khăn.

Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu nông sản Mỹ để phản ứng việc ông Trump áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này lại đang khiến quốc gia đông dân này khan hiếm thực phẩm, đẩy giá thực phẩm lên cao.

Dữ liệu mới của Trung Quốc công bố ngày 9/8 cho thấy, giá thực phẩm đang tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

Đặc biệt là giá thịt lợn – loại thực phẩm không thể thiếu trong mâm cơm của người Trung Quốc – đã tăng 27%. Loại hàng hóa này khan hiếm một phần bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Thực tế thịt lợn của Mỹ mới chỉ “mon men” tiến vào thị trường Trung Quốc chứ chưa thể tác động một cách mạnh mẽ tới nguồn cung loại sản phẩm này trên thị trường tỷ dân.

Dịp Trung Quốc bị dịch tả lợn châu Phi hoành hành được cho là cơ hội trời cho để các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn Mỹ xâm nhập vào thị trường lớn này nhưng mức thuế nhập khẩu lên đến 62% đang làm dòng hàng xuất cảng chậm ì ạch.

Bên cạnh thịt lợn thì hoa quả, trái cây cũng tăng giá lên tới 39,1%. Trong các tin tức trước đó, truyền thông Hồng Kông (Trung Quốc) đã tiết lộ về các container chở cherry, nho Mỹ đã phải nằm cảng cả tuần trời mà không được thông quan vào Trung Quốc.

Điều này cũng gây nên tình trạng thiếu nguồn cung cho thị trường Trung Quốc.

Nhu yếu phẩm tăng dễ đẩy Trung Quốc rơi vào lạm phát. Các chuyên gia kinh tế cho rằng,  lạm phát có thể tăng cao hơn trong thời gian ngắn hạn, nhưng họ tin rằng Bắc Kinh vẫn còn một loạt các lựa chọn để giảm thiểu các tác động.

Đơn cử như việc Trung Quốc có hàng dự trữ trong kho lương thực của Chính phủ, có thể kiểm soát giá các nhu yếu phẩm để giảm tốc độ tăng giá lương thực.

Ông Iris Pang, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại ING (Tập đoàn ING là một ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan có trụ sở chính tại Amsterdam) cho rằng, việc tung hàng dự trữ trong kho của chính phủ có thể làm dịu lạm phát giá lương thực.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã thực hiện chiến lược đa dạng hóa nguồn cung nông sản từ trước khi có thương chiến với Mỹ.

Việc đẩy mạnh giao thương với các thị trường nông sản lớn như Nga, Brazil cũng góp phần bù đắp một lượng nông sản lớn bị thiếu hụt do việc đình chỉ nhập khẩu nông sản Mỹ.

Mặt hàng đậu tương được cho là một trong những “con dao sắc” trong kế hoạch tấn công vào nông sản của Trung Quốc với Mỹ, hiện đã được Trung Quốc tìm các nguồn cung khắp nơi trên thế giới. Nga và Brazil là 2 quốc gia đã mở cánh cổng chào đón các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc.

Trung Quoc ganh hieu ung nguoc vi danh nong san My
Ngừng mua đậu tương Mỹ, Trung Quốc cũng có thể tìm nguồn khác với giá cao hơn.

Vào năm 2014, Bắc Kinh đã chủ động hoán đổi chuyển mua ngô Mỹ sang ngô Ukraine, cắt giảm 90% lượng mua từ Mỹ.

Sự chuyển dòng nguồn gốc các sản phẩm nông sản đổ về Trung Quốc thực sự chưa làm thay đổi cơ bản nguồn cung từ Mỹ vốn có nên đã đẩy giá cả hàng hóa leo thang.

Bên cạnh đó, các quốc gia nói trên cũng có thể dùng chiêu thức ép giá với các doanh nghiệp Trung Quốc khi nắm rõ các tiến trình trong thương chiến. Từ đó, thúc đẩy các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải mua hàng với giá cao hơn.

Rory Green – chuyên gia nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc tại viện TS Lombard cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận từ chối thẳng tay các đơn hàng nông sản Mỹ để mua hàng với giá cao hơn.

“Có rất nhiều cớ cho các nhà xuất khẩu tranh thủ cuộc chiến thương mại để tăng giá bán của họ. Điều này sẽ xảy ra và là một cú đánh nghiêm trọng hơn cho Trung Quốc” – ông Rory Green nhận xét.

Tuy nhiên, vì các mặt hàng thực phẩm như đậu nành, trái cây và thịt lợn đều có tính linh hoạt, nếu một vài nhà cung cấp nào đó tăng giá quá cao, Trung Quốc có thể đi gõ cửa nơi khác.

Trung Quốc cũng đang lên kế hoạch nhập khẩu thêm các sản phẩm nông nghiệp từ châu Âu để giảm thiểu thiệt hại từ việc thắt chặt hàng nhập khẩu của Mỹ, cùng với việc tăng cường tính bền vững trong nước.

Giảm sự phụ thuộc nguồn cung vào một đối tượng duy nhất có thể là phương án tăng cường an ninh lương thực của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc  sẽ mất đi “con tin” trong đàm phán thương mại với Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, giá cả leo thang ở Trung Quốc có thể sẽ không thúc đẩy bất cứ quyết định nào ở cấp thượng tầng chính trị Trung Quốc nhưng nó sẽ là dấu hiệu để nhắc nhở Trung Quốc cẩn trọng với chiến lược hạ giá đồng nhân dân tệ của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới