Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông: TQ 'sẽ hở sườn', nếu gây chiến tranh

Biển Đông: TQ ‘sẽ hở sườn’, nếu gây chiến tranh

Nếu gây chiến tranh vào thời điểm hiện nay trên Biển Đông, Trung Quốc ‘đã hở sườn’, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc ở Hà Nội, người từng có nhiều năm làm công việc này trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bản thân lãnh đạo của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, cũng ‘cần thận trọng’ vì trong nội bộ Trung Quốc hiện nay cũng có rất ‘nhiều vấn đề’, nếu thúc đẩy các hành động quân sự, vẫn theo ý kiến của vị cựu sỹ quan này.

Tuy nhiên, các nước ở khu vực cũng nên lưu ý đến việc Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn, buộc phải chuyển hướng chú ý ra ngoài là một phần, nhưng nếu họ cùng đường thì cũng có thể ‘dám làm liều’, nhà nghiên cứu từng trong quân đội Việt Nam nêu quan điểm từ Hà Nội.

Tư duy của những người làm chính trị ở Trung Quốc rất khác, có thể có một phần nghìn tia hy vọng, họ vẫn làmCựu Trung tá Nguyễn Nguyên Bình

“Tư duy của những người làm chính trị ở Trung Quốc rất khác, có thể có một phần nghìn tia hy vọng, họ vẫn làm,” bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam nói với một chương trình Bàn tròn thứ Năm của BBC Tiếng Việt trong tháng này, bình luận về những sóng gió và đối đầu ở bãi Tư Chính và biển Đông.

“Thế còn có thể họ liều lĩnh làm những việc ấy, cái thất bại có thể là 99%, nhưng cái mà họ đạt được để giải quyết tình thế này thì còn có thể là còn 1%, theo tôi nghĩ là như thế.

“Ai cũng nghĩ là nếu Trung Quốc bây giờ mà gây chiến với bất kỳ một nước láng giềng nào, nhất là đối với Việt Nam, họ đe dọa, họ cảm thấy như là Việt Nam yếu đuối, cho nên họ lớn tiếng từ lâu, xưa đến nay, mà khi họ lớn tiếng, Việt Nam lại không dám kiên trì làm những việc mà mình cần làm.

“Thế nhưng khi họ gây chiến bất cứ với Đài Loan hay Việt Nam, hay Mỹ, hay bất cứ ai, Trung Quốc, tôi hình dung nó như hình chữ C xung quanh Trung Quốc ở phía Tây, có lẽ chỉ còn một nước là Pakistan là còn không dám gây gì, còn tất cả các nước khác, ngay cả Mông Cổ, rồi các nước khác, họ đều có một mối hận với Trung Quốc…

“Trung Quốc nói theo một chiến thuật của nhà binh, nếu gây chiến tranh ở Biển Đông, thì Trung Quốc đã hở sườn.”

‘Liều lĩnh và đa mục tiêu là cách dụng binh TQ’

Bản quyền hình ảnh BBC Tiếng Việt Image caption Cựu Trung tá quân đội Nguyễn Nguyên Bình là con gái của cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.

Tiếp tục phân tích bối cảnh và đặc biệt nhìn vào nội tình, thực lực của Trung Quốc trong thời điểm hiện nay, nhà nghiên cứu này nói:

“Tất cả mọi người đều nghĩ rằng Trung Quốc đều dậm dọa, làm những động tác giả thôi, chứ có thể Trung Quốc cũng không dám gây ra một cuộc chiến tranh gì, vì bây giờ Trung Quốc có tình hình Hong Kong như vậy, rồi tình hình ở trong nước thì đặc biệt gay go do hậu quả chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ,

“Tôi có đọc bài của một người Trung Quốc tên là Trương Kiến Hoa, bài ấy xem ra thì thấy nội bộ Trung Quốc rất nhiều vấn đề, rất phức tạp, cho nên nếu một người như ông Tập Cận Bình mà tỉnh táo ra và ông ấy có một tâm lý bình thường, thì ông chắc không dám liều lĩnh để làm những việc ấy.

  TS. Lê Hồng Hiệp từ Singapore bình luận thực chất việc TQ điều tàu trở lại Bãi Tư Chính.

“Thế nhưng trái lại, tôi có ý nghĩ thế này, bởi vì tôi cũng đọc khá nhiều sách vở của Trung Quốc, thì tôi thấy có một ý ở trong mưu chước cổ, người ta nói là trong một con đường mà không có lối thoát nào, thì liều chết sẽ thoát. Thành ra tôi đồng tình với nhiều ý kiến nhưng tôi vẫn để mấy phần trăm nhỏ nhỏ, để dự kiến có một cái gì, thì họ rất là liều lĩnh”

“Hơn nữa, trong tư duy của Trung Quốc, bao giờ trong nội bộ của họ mà găng go lắm, thì họ lại cứ ‘chọc’ ra ngoài, họ lại gây một cái gì để hướng sự chú ý của những người dân ở trong nước…”

Tiếp tục về nhân tố được gọi là ‘tính liều lĩnh’ này, bà Nguyễn Nguyên Bình nói:

“Quả là tôi nghiên cứu Trung Quốc khá nhiều, nên tôi đâm ra lại hoang mang không dám chắc chắn một điều gì, tôi cho rằng Trung Quốc vẫn có thể liều lĩnh làm một việc chiến tranh gì đó, có thể trong một giới hạn nào đó, trong một thời gian mà họ đã định trước, cũng giống như cuộc chiến tranh tháng Hai năm 1979, thực tế ra mình (Việt Nam) nói là cuộc chiến tranh xâm lược – thực ra mà có thể xâm lược được thì họ cũng xâm lược.

“Nhưng trong bụng họ đã định sẵn rằng đánh trong một thời gian nào đó rồi rút. Quân tử gọi là của Trung Quốc bao giờ cũng ‘nước đôi’ là một.

Thực ra Việt Nam thân Mỹ cũng không được, mà thân Trung Quốc cũng không đượcTiến sỹ Vũ Quang Việt

“Thứ hai là họ khi làm một động tác gì họ cũng nhắm nhiều đích, chứ không chỉ như chúng ta nói chiến tranh để thắng thua, chỉ để đạt được một mục tiêu gì.

“Nhưng Trung Quốc họ dùng chiến tranh như một phép đa năng để giải quyết được rất nhiều vấn đề, không giải quyết được vấn đề này thì cũng giải quyết được vấn đề kia.”

Bình luận thêm về tư duy và cách dụng binh hay sử dụng biện pháp chiến tranh của Trung Quốc, bà Nguyễn Nguyên Bình nói tiếp với Bàn tròn thứ Năm của BBC:

“Trung Quốc sử dụng chiến tranh như một trò xiếc, nên thực ra là khó dự đoán. Thế nhưng mà tôi nghĩ là hiện nay, như các nhà phân tích đã nói, khả năng là Trung Quốc dám chiếm bãi Tư Chính chỉ là 1% so với 99%.”

Thân ai và làm gì là tốt nhất cho Việt Nam?

Bản quyền hình ảnh Bàn tròn thứ Năm Image caption Tiến sỹ Vũ Quang Việt có nhiều năm nghiên cứu và quan sát vấn đề Biển Đông, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và chính trị, kinh tế khu vực

Cũng tại cuộc hội luận này, một nhà quan sát Biển Đông và chính trị khu vực từ New York, Tiến sỹ Vũ Quang Việt, nhân dịp này chia sẻ quan điểm và góc nhìn của mình. Ông phát biểu:

“Vấn đề là Việt Nam phải có thái độ rõ ràng hơn trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của mình. Thí dụ dụ có người đặt ra vấn đề thân Mỹ hay là thân Trung Quốc. Thực ra Việt Nam thân Mỹ cũng không được, mà thân Trung Quốc cũng không được.

“Là bởi vì thân Mỹ, Mỹ sẽ không bao giờ muốn làm đồng minh với Việt Nam, mà dại gì để mà bỏ sự sống ra để bảo vệ Việt Nam. Rồi thân Trung Quốc, thì dĩ nhiên, hầu hết người Việt Nam không muốn chuyện đó rồi.

“Do đó, cái mà người Việt Nam nên làm là làm sao xã hội càng ngày càng dân chủ hơn, tự do hơn, tạo nhân quyền hơn và cả thế giới này, hầu hết thế giới này phần lớn là các nước tự do dân chủ, không thể nào họ để cho một nước nhỏ bị một nước lớn toàn trị hành động gây hấn được.

Muốn đứng về phía người dân trong những lúc khó khăn như thế này, thì cần phải thay đổi thể chế, mà thể chế cần phải được thay đổi theo hướng dân chủ hóaPGS. TS. Phạm Quý Thọ

“Do đó, thân cái đó là tốt nhất cho Việt Nam,” nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê của Liên Hợp Quốc bình luận từ New York.

Còn từ Hà Nội, nhà phân tích chính sách công, PGS. TS. Phạm Quý Thọ lên tiếng:

“Sự kiện bãi Tư Chính đã cho thấy một điều như thế này là đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam cần đứng về phía người dân. Mà muốn đứng về phía người dân trong những lúc khó khăn như thế này, thì cần phải thay đổi thể chế, mà thể chế cần phải được thay đổi theo hướng dân chủ hóa.

“Thì sẽ không chỉ giải quyết được những vấn đề không chỉ trước mắt, mà còn lâu dài. Và tất cả những việc này cần phải làm trong thời gian tới,” nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với Bàn tròn thứ Năm hôm 8/08/2019.

Liên quan diễn biến ở bãi Tư Chính và khu vực lân cận trong tuần này, ngày 16/8, sau bốn ngày khá ‘im lặng’ trên báo chí, truyền thông Việt Nam hôm thứ Sáu đã đưa tin Việt Nam giao thiệp với Trung Quốc và đã phản đối hành động của Trung Quốc đưa nhóm tàu thăm dò quay trở lại khu vực đối đầu.

Bản quyền hình ảnh Bàn tròn thứ Năm London Image caption Thay đổi thể chế, cải tổ theo hướng dân chủ hóa sẽ là giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề lớn đang đương đầu, theo ông Phạm Quý Thọ

Việt Nam coi đây là hành động tái vi phạm chủ quyền nghiêm trọng và nói sẽ kiên quyết và kiên trì bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời tiếp tục sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tái phán ở các vùng biển của mình mà Trung Quốc bị cáo buộc đã xâm phạm, dựa trên luật pháp quốc tế.

Một nguồn tin không muốn tiết lộ danh tính nói với BBC News Tiếng Việt, động thái phát ngôn trên của Việt Nam được tung ra, sau khi cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã liên lạc ‘giao thiệp’ với các cơ quan đối tác phía Trung Quốc trong gần bốn ngày, nhưng phía Trung Quốc dường như không đáp ứng và rút các nhóm tàu ra khỏi vùng biển, theo yêu cầu của Việt Nam.

Nguồn tin này cũng nói Trung Quốc có khoảng 300 vệ tinh do thám và quân sự, trong đó có thể có 70 vệ tinh hoạt động ở các vùng biển khu vực, trong khi trong số tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc, có tàu có thể có thiết bị và chức năng “do thám, tình báo quân sự.”

RELATED ARTICLES

Tin mới