Thursday, January 9, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBắc Kinh liên tục hành xử ngang ngược ở Biển Đông trước...

Bắc Kinh liên tục hành xử ngang ngược ở Biển Đông trước cuộc đàm phán về COC giữa TQ và ASEAN

Theo thông tin từ Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot tại Diễn đàn khu vực (ARF) hôm 01/8, ASEAN và Trung Quốc sẽ gặp nhau vào tháng 10 tới để bàn về dự thảo lần hai của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ởBiển Đông (COC). Các cuộc đàm phán này là rất cần thiết để các nước tiến tới xây dựng một COC hiệu quả, đồng thuận; tuy nhiên, khi mà Bắc Kinh liên tục có những hành xử ngang ngược, phi lý ở Biển Đông hiện nay thì khả năng các nước có tiến triển trong đàm phán COC là hết sức khó khăn.

Về thông tin liên quan cuộc đàm phán COC vào tháng 10 tới

Phát biểu bên lề Diễn đàn khu vực (ARF) tại Bangkok, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot nói rằng hai bên sẽ đi vào chi tiết của bộ quy tắc được chờ đợi từ lâu sau khi đã đồng ý với “các nguyên tắc cơ bản” trong vòng rà soát đầu tiên dự thảo COC. Việc hoàn thành vòng rà soát đầu tiên đã được xác nhận ngay trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 và các Hội nghị liên quan tại Thái Lan. “Chúng tôi muốn bộ quy tắc ứng xử là một tài liệu sẽ giúp truyền thêm niềm tin vào khu vực này” và “theo quy định của luật quốc tế”, ông Arthayudh nói. Ông cho rằng cần phải hoàn tất văn bản này trong vòng 3 năm.

Tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay nói với các phóng viên rằng Trung Quốc cùng các nước khác “có ý chí tôn trọng hòa bình và ổn định ở khu vực, bao gồm những khác biệt và tranh chấp trên biển Đông”. Bà Hoa nói đàm phán COC tiến triển. “Ngược lại, các quan chức cấp cao từ Mỹ lần nào cũng sử dụng các cách để reo rắc bất hòa giữa các nước và khuấy động rắc rối ở biển Đông”, bà Hoa nói.

Tuy nhiên, một số Bộ trưởng ASEAN sáng nay đã bày tỏ “quan ngại” về những sự cố bùng phát trên Biển Đông và nhấn mạnh hoạt động đi lại của tàu chiến và các phương tiện quân sự trên vùng biển này có thể gây nguy hiểm cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, ông Arthayudh cho biết. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt COC hiệu lực, thực chất.

Cách hành xử ngang ngược của TQ hiện nay sẽ khiến các cuộc đàm phán COC khó đạt kết quả tích cực

Nhiều chuyên gia cho rằng có khác biệt lớn giữa lời nói và hành động trên thực tế của Trung Quốc. Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đưa ra tối 31/7 ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực. ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Bên cạnh việc tiếp tục tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa các thực thể chiếm đóng, Trung Quốc còn liên tục gây ra các vụ việc đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh khu vực và vi phạm chủ quyền các nước. Vụ việc điển hình nhất hiện nay là việc nước này đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải dương 8 vào Vùng thềm lục địa và Khu vực Đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam tại Bãi Tư Chính. Hành động này của Trung Quốc đã đi ngược hoàn toàn những tuyên bố, cam kết trước đó của giới lãnh đạo nước này, đồng thời vi phạm nghiêm trọng UNCLOS cũng như bất chấp mọi nỗ lực của các nước trong đàm phán COC.

Trung Quốc đã và đang tìm cách trì hoãn quá trình thương thảo để tranh thủ tạo được lợi thế trong đàm phán về COC. Chừng nào yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chưa được hợp thức hóa trong việc xác lập phạm vi điều chỉnh COC thì chừng đó không thể có được COC. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải thực hiện bằng được chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường số một thế giới đối trọng với Mỹ. Và như vậy có thể thấy rằng cái gọi là “đã đạt được bản thảo đầu tiên của COC” do Trung Quốc chủ động thông tin là cố ý thổi phồng, nhằm mục đích tuyên truyền, mê hoặc dư luận vì động cơ chính trị. Có chăng chỉ có thể là “đã đạt tiến triển tốt trong việc xây dựng “Khung COC với Trung Quốc” như phía Philppines thông báo.

Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc cũng đang âm thầm cản trở COC vì: i) Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường khả năng quản lý, giám sát (phi pháp) đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Những hành động trên của Trung Quốc tiếp tục làm xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong khu vực. ii) Trung Quốc không muốn có một COC mang tính ràng buộc pháp lý, vì cho rằng nếu COC mang tính ràng buộc về pháp lý sẽ ngăn chặn âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. iii) Bắc Kinh muốn thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với ASEAN để nghiên cứu, nắm quan điểm của các nước ASEAN đối với Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh sẽ đưa ra những đối sách cụ thể với từng nước, để lôi kéo hoặc ép buộc phải ủng hộ quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Nói một cách khác, Trung Quốc vẫn muốn tìm cách chia rẽ ASEAN và chèn ép những nước “không nghe lời”.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các quan chức và chuyên gia Mỹ đã cảnh báo rằng, một số nội dung Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC có thể dẫn đến xung đột giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC 2 nội dung. Một là, “các bên không được mời quốc gia ngoài khu vực tổ chức tập trận quân sự chung, trừ phi các bên liên quan được thông báo trước hoặc không phản đối”. Hai là, Trung Quốc muốn đưa vào dự thảo COC khiến Mỹ đặc biệt lo ngại, là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế biển “không nên triển khai với các công ty nước ngoài ngoài khu vực này”. Nhật Bản, Australia cũng đã kêu gọi các bên đàm phán COC không nên gây tổn hại đến lợi ích của bên thứ 3 cũng như quyền lợi của tất cả các quốc gia mà luật pháp quốc tế đã quy định.

Sau khi “Dự thảo khung COC” được thông qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố các đàm phán đáng kể về nội dung của bộ quy tắc sẽ chỉ có thể bắt đầu nếu “không có sự phá hoại lớn từ các bên bên ngoài”, một lời ám chỉ úp mở về Mỹ, nước mà Trung Quốc luôn cáo buộc là “can thiệp” vào cuộc tranh chấp.Thực chất, căn cứ vào tình trình xây dựng COC giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như những gì mà Trung Quốc đã nói và làm trên thực tế, dư luận đều nhận thấy rằng quá trình đàm phán COC đã kéo quá dài và gắp quá nhiều khó khăn, không phải do sự can thiệp của bên thứ 3 mà do chính phía Trung Quốc. Có thể dẫn ra như Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã kêu gọi các bên thông qua COC, nhưng mãi đến năm 2013, Trung Quốc mới đồng ý cùng với các nước ASEAN gặp nhau để “tham vấn” về COC. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không ngừng tiến hành các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia xung quanh Biển Đông, đặc biệt là đối với Việt Nam và Philippines, một số thành viên ASEAN đã nhiều lần kêu gọi xúc tiến các cuộc đàm phán về COC.

Trả lời phỏng vấn tại họp báo lần thứ hai về Lưỡng hội Trung Quốc hồi tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng trong những năm gần đây, cục diện tình hình Biển Đông đã có bước chuyển biến tích cực; con đường đúng đắn để giải quyết tranh chấp Biển Đông là thông qua đàm phán trực tiếp với các nước đương sự và Trung Quốc cùng ASEAN phối hợp bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông. Hiện tiến trình đàm phán COC đang được đẩy nhanh tốc độ, lộ trình đã rõ ràng. Việc Trung Quốc chủ động đề xuất sẽ đạt được COC vào năm 2021 cho thấy “thành ý” và “trách nhiệm” của Bắc Kinh. Nhằm thúc đẩy Trung Quốc và ASEAN tăng cường lòng tin chính trị, quản lý bất đồng, thúc đẩy hợp tác và phát huy tác dụng bảo vệ ổn định ở Biển Đông, COC sẽ là bản nâng cấp của DOC, nó sẽ phù hợp hơn với khu vực, có hiệu quả hơn trong quy định về hành vi của các bên liên quan và thúc đẩy bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ cùng ASEAN giữ vững quyết tâm, loại trừ can thiệp từ bên ngoài, xuất phát từ cơ sở nhất trì đàm phán để không ngừng đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệp thương. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối “nước cá biệt” lợi dụng vấn đề Biển Đông để can dự đàm phán COC, khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông phải do các nước trong khu vực quyết định. COC phải do các nước trong khu vực cùng thương thảo, tuân thủ và gánh vác trách nhiệm.

Trung Quốc cho rằng COC vẫn là một văn kiện chính trị, trong khi đó, một số thành viên ASEAN, đặc biệt là các nước có liên quan trực tiếp đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, đã đề nghị COC phải là một thỏa thuận ràng buộc pháp lý và phải được đề cập một cách toàn diện và hiệu quả hơn DOC, vốn chỉ là một tuyên bố chính trị. Ngoài các điều khoản chi tiết và cụm từ “có tính ràng buộc về mặt pháp lý”, có một vài vấn đề quan trọng không được đưa vào thỏa thuận. Một là, dự thảo khung này không đề cập đến phạm vi địa lý của COC. Hai là, trong khi văn bản này đề cập đến “các cơ chế giám sát việc thực thi”, nó lại không nói gì đến các biện pháp chế tài trong trường hợp nếu một bên cáo buộc một bên khác vi phạm bộ quy tắc này.

Tóm lại, COC được xem là bộ quy tắc hoàn chỉnh hơn so với Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC). Nó được kỳ vọng sẽ có tính ràng buộc – khác biệt lớn nhất so với DOC, vì vậy sẽ giúp tạo ra quy chuẩn hành động, chế tài và tạo cơ chế giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, tương lai của một COC có hiệu quả, hiệu lực và đồng thuận không thì có thể nói Trung Quốc cần nghiêm tục tôn trọng và thực hiện các cam kết quốc tế, luật pháp quốc tế và phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực chứ không phải bằng những hành xử ngang ngược phi pháp như hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới