Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini đã khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, trong đó ủng hộ quan điểm, chính sách của Việt Nam, đồng thời lên án những hành động làm xói mòn luật pháp quốc tế.
1. Trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (5/8), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh, bà Federica Mogherini khẳng định mạnh mẽ lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông, đặc biệt là cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982); bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không; đây là vấn đề quốc tế cùng quan tâm vì nơi đây là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho cả EU cũng như châu Á và toàn cầu. Đáp lại, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định mạnh mẽ, Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải tại Biển Đông; đề nghị EU duy trì lập trường đề cao thượng tôn pháp luật quốc tế, UNCLOS 1982, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
2. Trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân (5/8), Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách Đối ngoại và An ninh Federica Mogherini đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 đối với quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển. Theo bà Federica Mogherini, nằm trên tuyến đường hàng hải quan trọng, Biển Đông cũng là lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh của nhiều quốc gia, trong đó có EU; đây là vấn đề của toàn cầu, được cộng đồng quốc tế cùng quan tâm.
3. Trong hội đàm giữa với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherinicho biết Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định qua đó tạo điều kiện để Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU, thể hiện vai trò, đóng góp của Việt Nam cùng với EU trong việc ngăn ngừa xung đột trên thế giới mà còn thúc đẩy hơn nữa an ninh toàn cầu. Về vấn đề Biển Đông, Đại diện cấp cao của EU chia sẻ quan ngại của Việt Nam liên quan đến những căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông, cho rằng đó không phải là những yếu tố thuận lợi cho môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực. EU ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên biển cũng như tiến trình đi đến kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý; ủng hộ lập trường theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS. Đáp lại, Phó Thủ tướng Việt Nam đã hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông. Việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đã và đang gia tăng căng thẳng, làm xói mòn lòng tin và làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh đề nghị phía EU tiếp tục tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ở Biển Đông.
4. Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản (6/8), Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ Việt Nam do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Trưởng đoàn đã gặp bà Toshiko Abe, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản, bên cạnh việc thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương, hai bên nhất trí về sự cần thiết cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, bảo đảm quyền tự do hàng hải, hàng không. Nhật Bản ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên biển cũng như tiến trình đi đến kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý; ủng hộ lập trường theo hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là những quy định của UNCLOS. Tại cuộc gặp ba bên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono hôm 2/8, các bên đã ra tuyên bố chung lên án hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ba nước này đã bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” đối với “các báo cáo đáng tin cậy về những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí có từ lâu đời” ở Biển Đông. Mặc dù không nêu đích danh Trung Quốc, tuyên bố này ám chỉ đến việc các tàu Trung Quốc quấy rối và cản trở tàu Việt Nam trong việc tiếp cận các giàn khoan dầu quan trọng ở Biển Đông.