Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Indonesia nhất trí tăng cường hợp tác đảm bảo...

Việt Nam – Indonesia nhất trí tăng cường hợp tác đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM 52), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsurdi.

Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsurdi đã nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về các vấn đề trên biển. Hai bên đã thảo luận và chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh hợp tác thực chất và hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, duy trì hoà bình, ổn định và tăng cường tin cậy giữa các nước.

Trước đây, Indonesia khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với nước nào trên Biển Đông. Quần đảo Natuna cũng nằm ngoài phạm vi “đường lưỡi bò” phi pháp Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên Biển Đông. Nhưng “đường lưỡi bò” trên thực tế có chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Trung Quốc gọi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở khu vực quần đảo Natuna là “vùng đánh cá truyền thống” nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Natuna nằm ở cực Nam Biển Đông, ngay cửa ngõ ra vào eo biển Malacca và hồi năm 2014, thiếu tướng không quân Indonesia Fahru Zaini khẳng định Trung Quốc gom luôn một phần vùng biển xung quanh Natuna vào trong bản đồ phi pháp “đường lưỡi bò”. Đây được xem là lần đầu tiên Indonesia, vốn luôn tuyên bố không phải là một bên tham gia tranh chấp ở Biển Đông, công khai loan báo một vùng biển của mình bị “liếm” trúng.

Vì vậy, để bảo vệ chủ quyền và lợi ích trên biển, Indonesia đã tích cực triển khai hữu hiệu chính sách quốc phòng cũng như thực thi chiến lược biển phù hợp với thực tiễn. Đáng chú ý, trong số những chủ trương, chính sách về biển đảo của Chính quyền Tổng thống Widodo có “Sắc lệnh Tổng thống số 6/2017” về chính sách biển, nêu chi tiết các mục tiêu, nguyên tắc, biện pháp và kế hoạch hành động để triển khai Trục biển toàn cầu. Về mục tiêu, chính sách biển xác định Indonesia phấn đấu trở thành một quốc gia biển mạnh, phát triển, đảm bảo chủ quyền và độc lập, đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới phù hợp với lợi ích quốc gia của Indonesia. Cụ thể, Chính sách Biển của Indonesia nhằm: Quản lý tối ưu và phát triển bền vững tài nguyên biển; phát triển chất lượng nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ biển; phát triển lực lượng an ninh quốc phòng biển mạnh; tăng cường chủ quyền, luật pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương tốt; đảm bảo phúc lợi xã hội công bằng cho người dân ở khu vực ven biển và các đảo nhỏ; gia tăng sức cạnh tranh và tăng trưởng của kinh tế và các ngành công nghiệp gắn với biển; xây dựng cơ sở hạ tầng biển chắc chắn; lên kế hoạch quản lý không gian biển; bảo vệ môi trường biển; ngoại giao biển; và xây dựng bản sắc văn hóa biển. Về nguyên tắc triển khai, chính sách biển tập trung tăng cường nhận thức coi Indonesia là quốc gia quần đảo thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; phát triển bền vững: khai thác tài nguyên sinh vật không vượt quá khả năng tái tạo và phục hồi; khai thác tài nguyên phi sinh vật không vượt quá khả năng phát triển của các tài nguyên thay thế;  mức độ khai thác hiện tại không vượt quá nhu cầu sử dụng trong tương lai; dự liệu các tác động tiêu cực có thể xảy đến trong quá trình khai thác tài nguyên; phát triển kinh tế xanh: phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường; quản lý thống nhất và minh bạch: quản lý trong một hệ thống đồng nhất, xây dựng các quy định rõ ràng và minh bạch, cung cấp đầy đủ thông tin để người dân hiểu; khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình lên kế hoạch, quyết định, triển khai, giám sát, kiểm soát, tiếp cận thông tin và sử dụng tài nguyên; tạo sự bình đẳng và công bằng: mọi cá nhân, nhóm và tầng lớp dân cư từ các vùng miền và tôn giáo khác nhau đều được đối xử bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường kết nối giữa các trung tâm kinh tế với các vùng miền, phát triển các dự án ở các đảo ngoài xa, ưu tiên cải thiện phúc lợi cho nhóm thu nhập thấp, đặc biệt là ngư dân. Về biện pháp triển khai, chính sách biển đề ra 76 biện pháp tập trung trong 7 trụ cột gồm quản lý tài nguyên biển và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường quốc phòng an ninh từ biển, chấp pháp và an toàn trên biển; quản trị đại dương; phát triển kinh tế biển, cơ sở hạ tầng và phồn vinh cho người dân; quản lý không gian biển và bảo vệ môi trường biển; xây dựng văn hóa biển và xây dựng ngoại giao biển.

Chính sách biển đồng thời đề ra kế hoạch hành động 5 năm theo nhiệm kỳ tổng thống. Kế hoạch hành động hiện tại từ 2016-2019 đề ra 425 hoạt động được phân bổ trong 5 nhóm ưu tiên, gồm: Biên giới biển, không gian biển và ngoại giao biển do Bộ Ngoại giao, Quân đội, Bộ các vấn đề biển và nghề cá và Bộ Thông tin chủ trì thực hiện; Công nghiệp biển và kết nối do Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Việc làm và nhà ở, Cơ quan tìm kiếm cứu nạn chủ trì; Dịch vụ, tài nguyên biển và quản lý môi trường biển do Bộ các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Năng lượng và khoáng sản, Bộ Công nghiệp, Bộ Môi trường và rừng chủ trì; Quốc phòng và an ninh biển do Quân đội, Bộ Quốc phòng, Cơ quan an ninh biển, Bộ Các vấn đề biển và nghề cá chủ trì; Văn hóa biển do Bộ Các vấn đề biển và nghề cá, Bộ Giao thông, Bộ Nghiên cứu khoa học và giáo dục và Bộ Nhân lực chủ trì thực hiện.

Nhìn tổng thể, hầu hết các hoạt động mà văn kiện phác thảo tập trung vào nội bộ hơn là hướng ngoại nhằm biến Indonesia thành một cường quốc biển. Ví dụ, các Bộ Giao Thông, Bộ Công nghiệp và Bộ các vấn đề Biển và Nghề cá của Indonesia đảm nhiệm 181 hoạt động, trong khi Bộ Ngoại giao của Indonesia chỉ phải đảm nhiệm 23 hoạt động. Phần ngoại giao biển chỉ đề cập đến việc xây dựng các quy chuẩn và ngoại giao biển song và đa phương nói chung. Phát triển quân sự chủ yếu đề cập đến các chương trình phát triển căn cứ hải quân, duy tu bảo dưỡng các cơ sở, chỉ huy và kiểm soát, chủ yếu phục vụ mục tiêu bảo vệ vùng biển của Indonesia hơn là phát triển quân đội thành một lực lượng mạnh hoạt động tại các vùng biển bên ngoài giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (30/12/1955) đến nay, mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển vượt bậc mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về kinh tế, hợp tác thương mại và đầu tư song phương của cả hai nước đã cho thấy sự tăng trưởng tích cực. Năm 2018, tổng thương mại hai chiều giữa Indonesia và Việt Nam đã đạt 8,6 tỷ USD, tăng gần 30% so với năm ngoái. Với tốc độ tăng trưởng thương mại song phương này, tôi khá lạc quan rằng mục tiêu giá trị thương mại song phương có thể đạt được 10 tỷ USD vào năm 2020. Về đầu tư, đầu tư của Indonesia vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2018 (tháng 1 – 11/2018) đạt 122,32 triệu đô la Mỹ. Như vậy, đến cuối tháng 11/2018, đầu tư của Indonesia vào Việt Nam đã đạt 74 dự án với tổng giá trị là 585,09 triệu USD, xếp thứ 28, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng thứ tự các quốc gia đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của Indonesia vào Việt Nam bao gồm các hình thức liên doanh, 100% vốn đầu tư nước ngoài và hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC). Các lĩnh vực kinh doanh của các nhà đầu tư Indonesia vào Việt Nam khá đa dạng, gồm công nghiệp chế biến; nhà ở, thực phẩm và đồ uống; hỗ trợ y tế và xã hội; khai thác than; xi măng, vận tải và kho bãi; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa; nông lâm nghiệp; nghệ thuật và giải trí; xây dựng; dịch vụ hành chính và hỗ trợ; thông tin truyền thông. Về chính trị, Indonesia và Việt Nam đã ký Tuyên bố chung về An ninh. Cả hai nước cũng chấp nhận nguyên tắc đường không đơn, phân biệt giữa Đường thềm lục địa với đường đặc quyền kinh tế (EEZ) vào năm 2018 và Indonesia đang mong muốn hợp tác với Việt Nam để đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Không những vậy, Việt Nam và Indonesia cũng tích cực hợp tác trong việc duy trì, đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cũng như thúc đẩy các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới