Friday, November 15, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHộ chiếu in “đường lưỡi bò”: TQ bị Philippines chơi đau

Hộ chiếu in “đường lưỡi bò”: TQ bị Philippines chơi đau

Năm 2012, Trung Quốc phát hành hộ chiếu điện tử mới với hình ảnh “đường 9 đoạn” mập mờ và không có cơ sở pháp lý nhằm tìm cách tuyên truyền và củng cố yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông. Năm 2019, Philippines làm tương tự, xong con dấu in hình bản đồ của Philippines được đóng trực tiếp lên hộ chiếu của người dân Trung Quốc.

Cách làm khiêu khích của Trung Quốc

Hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc, trong đó có in chìm tấm bản đồ mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình, đã bắt đầu được cấp phát hồi trung tuần tháng 5/2012. Trong bản đồ này, ngoài “đường lưỡi bò” (đường đứt khúc chín đoạn nêu lên yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông), còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình.

Các nhà quan sát cho rằng hành động khiêu khích này của Bắc Kinh chỉ khuấy động thêm những mối tranh chấp và làm gia tăng sự kháng cự từ các nước láng giềng. Giáo sư John Blaxland, một nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, cho rằng việc in bản đồ như vậy trong hộ chiếu là một thủ đoạn ranh ma. Điều này trên cơ bản sẽ buộc các nước có yêu sách chủ quyền thừa nhận yêu sách của Trung Quốc qua việc đóng dấu vào hộ chiếu mới. Đây là một việc làm khá tinh ranh. Nhưng nó sẽ làm cho nhiều người bực bội và làm gia tăng sự kháng cự của các nước láng giềng đối với cách thức mà Trung Quốc sử dụng để đạt được mục tiêu của mình ở Biển Đông. Giáo sư Blaxland cho rằng hộ chiếu lưỡi bò là một phần của mưu đồ lâu dài của Trung Quốc. Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam của Đại học New South Wales cho rằng đây chỉ là một trò chính trị khác nữa của Trung Quốc hay một sự khẳng định dần dần về quyền quản hạt của họ.

Trong khi đó, Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada cho rằng việc ấn hành hộ chiếu điện tử mới – trong đó có in hình tấm bản đồ cố ý thể hiện chủ quyền của Trung Quốc trên vùng lãnh hải đang tranh chấp – là thâm ý mà Bắc Kinh tìm cách buộc các quốc gia trên thế giới và trong khu vực thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên tất cả các vùng tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Hơn ai hết, Việt Nam và Philippines nhận thức sâu sắc được mối nguy ác ý tiềm ẩn này. Còn đối với các nước không có quyền lợi gì cụ thể trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông, việc đóng dấu thị thực nhập cảnh vào thật chẳng phải là điều đáng bận tâm lắm, dù có thể họ biết rằng việc đóng dấu vào tấm hộ chiếu ấy là mặc nhiên chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các khu vực mà các nước khác trong khu vực còn đang tranh chấp. Và theo thời gian, sự việc có thể chính thức trở thành một sự mặc nhiên chấp nhận yêu sách về lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc từng nổi tiếng với những mưu chước kiểu “đánh bùn sang ao, đặt cái cày trước con trâu”. Sự kiện bản đồ trên hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc có thể là một hành động có tính toán nhằm thử thách phản ứng của các nước trong khu vực kể cả Ấn Độ, một nước lớn đang có những cạnh tranh đáng kể với sức vươn dậy của Trung Quốc trên bàn cân chính trị kinh tế thế giới. Thật không may, cho đến nay trước sự khiêu khích ngày càng tăng của Trung Quốc, tình trạng rời rạc mất đoàn kết, thiếu quyết đoán và không hành động của các quốc gia khiếu kiện đã và đang gây tai họa cho các tranh chấp tại Biển Đông và ngăn chặn các giải pháp hòa bình.

Để tìm cách biện minh cho hành động vô lối của minh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng: “Hình ảnh trên hộ chiếu không nên bị diễn giải quá lên. Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước liên quan và thúc đẩy trao đổi hòa bình giữa nhân dân Trung Quốc và thế giới. Vấn đề về bản đồ trên hộ chiếu mới của Trung Quốc không nên bị săm soi. Mục đích của họ chiếu điện tử mới chỉ là tăng cường về tiện ích về công nghệ và giúp các công dân Trung Quốc thuận tiện hơn khi xuất nhập cảnh một quốc gia”.

Philippines dùng “gậy ông đập lưng ông”

Trước đây, theo chính sách cũ, hải quan Philippines không đóng dấu lên các visa Trung Quốc in hình bản đồ với đường 9 đoạn trên các trang giấy. Nhưng Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr (5/8) đã đề xuất đóng dấu lên visa trong hộ chiếu của các công dân Trung Quốc muốn vào Philippines thay vì đóng dấu vào tờ rời. Tuy nhiên, con dấu đóng lên hộ chiếu Trung Quốc sẽ có hình bản đồ của Philippines với toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Theo Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo, Tổng thống Duterte đã đồng ý với đề xuất này.

Đây được cho là cách chính phủ Duterte giải quyết những lo ngại rằng đóng dấu vào hộ chiếu Trung Quốc có đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) có thể được coi là sự công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông – điều đã bị tòa án trọng tài tuyên vô hiệu năm 2016. Thậm chí, theo như cách nói của Ngoại trưởng Locsin, đây là một cách “Ăn miếng trả miếng”, ông Locsin khẳng định, nói thêm rằng chính sách mới cũng sẽ giúp kiểm soát du khách Trung Quốc tốt hơn khi thị thực được đóng thẳng lên hộ chiếu. 

Ông Duterte chấp nhận thay đổi về chính sách đóng dấu visa đối với công dân Trung Quốc chỉ 1 tuần sau khi chính phủ Philippines gửi phản đối ngoại giao đến Bắc Kinh về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trên đảo Thị Tứ thuộc Biển Đông mà Philippines đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền vì cho rằng nó nằm trong khu vực “đường 9 đoạn”.

Việt Nam đã có biện pháp đối phó với hộ chiếu in “đường lưỡi bò”

Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, công dân Trung Quốc mang hộ chiếu “đường lưỡi bò” sẽ không được cấp thị thực điện tử, tuy nhiên Việt Nam vẫn giải quyết cho những công dân Trung Quốc mang hộ chiếu trên nhập cảnh nhưng không đóng dấu vào hộ chiếu mà cấp thị thực rời để giữ mối quan hệ 2 nước.

Cụ thể, theo Nghị định số 07/2017/NĐ-CP được Chính Phủ ban hành ngày 25/1/2017, Việt Nam sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài là công dân của 40 quốc gia như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Cuba, Philippines, Myanmar… Tuy nhiên việc thí điểm cấp thị thực điện tử không áp dụng cho công dân Trung Quốc mang hộ chiếu điện tử trong đó có in bản đồ “đường lưỡi bò” vì việc này vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.

Người dân Trung Quốc phản đối hộ chiếu in “đường lưỡi bò”

Tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) có trụ sở ở Hồng Kông đã có bài viết nhận định, việc Trung Quốc in hình bản đồ có “đường lưỡi” bò phi lý vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này là hành động “ngu ngốc” và “đi quá xa”.

Trong khi đó, việc người dân Trung Quốc gặp phiền toái khi sử dụng hộ chiếu điện tử in chìm bản đồ “đường lưỡi bò” trên Biển Đông đã trở thành tâm điểm tranh luận tại các diễn đàn trực tuyến ở nước này thời gian qua. Điều được các cư dân mạng lặp đi lặp lại là các nhà chức trách không hề cảnh báo người dân về những trở ngại khi dùng hộ chiếu mới để nhập cảnh vào một số nước láng giềng. Cư dân mạng có nick Hbomb ta thán: “Dù sửa thế nào cũng không thể sửa được diện mạo vốn có của tấm hộ chiếu này. Giờ đây, dùng nó chỉ chuốc lấy phiền phức và bực dọc”. Một cư dân mạng khác châm biếm: “ Hộ chiếu Trung Quốc vốn đã không dễ dùng. Giờ tốt rồi, người ta lại có thêm lý do để gây khó khi mình nhập cảnh”.

Thậm chí, có một số người bi quan đến mức độ đòi đổi quốc tịch như nick Mumbojumbo: “Xem ra sẽ có nhiều người dân Trung Quốc muốn từ bỏ quốc tịch của mình và năm nay sẽ cao kỷ lục. Nếu ngày mai, Philippines, Việt Nam hay Ấn Độ cũng đổi hộ chiếu mới thì sao nhỉ?”. Một phụ nữ ngao ngán:“Thật không may cho các công dân bình thường, cầm hộ chiếu Trung Quốc mà bị kỳ thị trên thế giới. Thế thì thà rằng đừng xuất ngoại nữa”.

Một số người tỏ ra khó chịu và hy vọng các nhà chức trách mau chóng đưa ra hướng giải quyết ổn thỏa. Một cư dân mạng viết: “Hộ chiếu liên quan lợi ích thiết thân của công dân Trung Quốc, việc in đường lưỡi bò vào hộ chiếu mới chẳng khác nào lấy công dân Trung Quốc để thăm dò, xem như một phép thử. Hành động này rất vô đạo đức”.

RELATED ARTICLES

Tin mới