Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaManila chính thức phản đối TQ điều tàu hoạt động trái phép...

Manila chính thức phản đối TQ điều tàu hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế

Philippines sẽ gửi công hàm phản đối Trung Quốc về việc điều 2 tàu khảo sát hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila mà không thông báo trước.

Tuyến đường tàu khảo sát của Trung Quốc hoạt động trong EEZ của Philippines

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Lorenzana (8/8) cho biết, giống các quốc gia khác tiến hành nghiên cứu, đưa tàu chiến gần bờ biển Philippines thì Trung Quốc cần phải thông báo trước cho Manila về việc này; đồng thời nhấn mạnh “chúng tôi luôn phản đối chính phủ Trung Quốc, để cho họ biết rằng chúng tôi biết những gì họ đang làm và hãy nói cho chúng tôi những gì họ đang làm ở đó”. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thừa nhận nước này không có hệ thống rađa có thể theo dõi hai tàu khảo sát của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Lorenzana nhấn mạnh Manila sẽ không ngăn cản các hoạt động nghiên cứu của tàu Trung Quốc nếu được báo trước.

Thông tin trên được đưa ra sau khi ông Ryan Martinson – Trợ lý Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Hàng hải của Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ dẫn ảnh vệ tinh cho biết, tàu khảo sát đại dương Zhanjian và Dong Fang Hong 3 của Trung Quốc đã và đang thực hiện nghiên cứu khoa học hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines trong tuần này. Theo ông Ryan Martinson, tàu Zhanjian đang thực hiện nghiên cứu khoa học hàng hải; dựa trên đường đi của nó, nhiều khả năng nó đang triển khai và thu hồi các công cụ – có thể là các phao trên mặt nước hoặc dưới mặt nước. Trong khi đó, tàu Dong Fang Hong 3 bị phát hiện ở gần phía Bắc đảo Luzon hôm thứ 4 vừa qua.

Đáng chú ý, phản ứng trước thông tin do chuyên gia Ryan Martinson đưa ra, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr (7/8) lại đưa ra tuyên bố cho rằng Philippines chưa xác nhận thông tin tàu Trung Quốc đi vào EEZ nước này; đồng thời nhấn mạnh Manila sẽ chỉ xác nhận thông tin tàu Trung Quốc xuất hiện trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines khi có báo cáo từ quân đội.

Bình luận trên Twitter về thông tin của ông Martinson, Giám đốc Viện Minh bạch Hàng hải châu Á Gregory Poling cho rằng điều quan trọng là xem tàu nghiên cứu của Trung Quốc đang làm gì và liệu nó có được sự cho phép của chính phủ Philippines hay không. Nếu tàu này thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, nó phải được sự cho phép từ Manila theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà cả Philippines và Trung Quốc đều ký kết. Ông Poling cũng cho biết thêm tàu Trung Quốc có thể đang tiến hành các “cuộc nghiên cứu thăm dò độ sâu” của vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, có thể được sử dụng cho các hoạt động của tàu ngầm trong tương lai.

Đây không phải là lần đầu tiên sự xuất hiện của tàu khảo sát Trung Quốc gây phản ứng mạnh ở Philippines. Năm 2016, một tàu khảo sát của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực Benham Rise giàu tiềm năng dầu khí ở phía đông bắc Philippines. Chính quyền Manila khi đó cũng thể hiện thái độ úp mở vừa phản đối Trung Quốc vừa khẳng định quyền tài phán nhưng cuối cùng cũng đồng ý cho tàu Trung Quốc vào khảo sát.

Không chỉ tàu khảo sát, mới đây Bộ Quốc phòng Philippines cũng cho biết tàu chiến Trung Quốc trong năm đã nhiều lần đi qua vùng biển nội thủy Philippines mà không thông báo cho Manila. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (25/7), tàu chiến Trung Quốc ít nhất 4 lần đi qua vùng biển giữa vịnh Bongao và eo biển Sibutu ở tỉnh Tawi-Tawi của Philippines mà không thông báo. Theo ông Lorenzana, đây là nơi có lượng lưu thông lớn với khoảng 150 tàu, chủ yếu là tàu thương mại, đi qua mỗi ngày. Tuy nhiên, theo luật, Trung Quốc cần phải thông báo cho Philippines nếu điều các tàu chiến đi qua vùng biển nội thủy của Manila.Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết đội hình tàu Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu gồm những chiến hạm cỡ nhỏ và không có tàu sân bay Liêu Ninh. Ông Lorenzana cũng tiết lộ Đại sứ Trung Quốc ở Philippines đã cam kết trong tương lai sẽ thông báo với chính quyền Manila trước khi có hành động tương tự.

RELATED ARTICLES

Tin mới