Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng Washington “mong muốn các tên lửa mới tại châu Á sẽ được triển khai sớm nhất có thể”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn trong bối cảnh có quốc gia nào đó cố gắng định hình lại khu vực vì lợi ích riêng và ảnh hưởng tới các quốc gia khác.
Mỹ muốn có căn cứ quân sự và triển khai tên lửa ở Australia
Trong Tuyên bố chung sau cuộc gặp 2+2 với Australia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói hiện Mỹ có thể tự do triển khai các tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500km tại các căn cứ mặt đất. Mỹ sẽ triển khai các tên lửa tại châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương hoặc tại những khu vực khác nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn xung đột sau khi tham vấn ý kiến của các đồng minh và đối tác. Ngoài ra, ông Esper khẳng định Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn trong bối cảnh có quốc gia nào đó cố gắng định hình lại khu vực vì lợi ích riêng và ảnh hưởng tới các quốc gia khác. Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ trước khi tới Australia, ông Esper tuyên bố Mỹ có ý định triển khai các đầu đạn thông thường tầm trung đến châu Á-Thái Bình Dương, nhưng không đưa ra địa điểm cụ thể. Các phát biểu của ông Esper về vấn đề này đã làm dấy lên dư luận đồn đoán có thể Mỹ sẽ đề nghị điều động tên lửa tới Australia.
Về căn cứ quân sự, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Maris Payne (30/7) cho hay, Mỹ đang có kế hoạch xây dựng thêm căn cứ quân sự ở Australia, trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có nhiều sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Theo bà Maris Payne, kế hoạch sẽ được thực hiện nếu Quốc hội Mỹ thông qua khoản kinh phí trị giá hơn 211 triệu USD cho hải quân Australia. Cảng quân sự mới sẽ được xây dựng tại thành phố Darwin, có khả năng tiếp nhận nhiều tàu chiến cỡ lớn. Mỗi năm có khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Austalia để cùng tham gia các khóa huấn luyện. Với cảng quân sự mới, lính Mỹ sẽ càng dễ dàng triển khai hơn trong khu vực. Tuy nhiên, trong cuộc họp vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vẫn chưa đưa ra đề nghị nào với phía Australia và cũng chưa có bất kỳ thông tin nào về kế hoạch xây dựng thêm căn cứ quân sự ở Australia.
Phản ứng thận trọng của Australia
Thủ tướng Australia Scott Morrison (5/8) khẳng định Mỹ chưa từng đề nghị bố trí tên lửa tầm trung tại nước này và ngay cả khi có yêu cầu như vậy, Australia cũng sẽ từ chối. Ông Scott Morrison cho biết: “Chúng tôi không được yêu cầu về vấn đề này và cũng không cân nhắc tới. Tôi nghĩ tôi có thể kết thúc vấn đề ở đây”. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds đã bác bỏ thông tin Mỹ đang triển khai tên lửa tầm trung tại Australia để đối phó Trung Quốc và cho biết chưa nhận đề nghị nào từ Washington.
Mục đích đối phó với Trung Quốc
Thông tin Mỹ có ý định xây thêm một căn cứ quân sự ở Australia khiến nhiều chuyên gia nhận định, đây là động thái nhằm tăng khả năng đối phó với Trung Quốc.Theo ông Wang Guanglin tại Viện Ngoại ngữ Thượng Hải, sáng kiến xây thêm căn cứ quân sự của Mỹ ở Australia có mục đích chính là đối phó trực tiếp với Trung Quốc. Theo đó, việc tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ ở Australia sẽ giúp mở rộng thêm các mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ – Australia. Từ đó, Australia chứng minh được mức độ tín nhiệm của mình với Mỹ, trong bối cảnh Mỹ xem Australia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lợi của Mỹ trên toàn cầu mà đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hành động của Mỹ – Australia chính là nhằm vào Trung Quốc. Bởi Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và mở rộng tầm ảnh hưởng đặc biệt sau khi Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và xây dựng một đường băng quân sự ở Biển Đông, Mỹ càng có cơ sở tin rằng Trung Quốc chính là mối đe dọa nghiêm trọng tới các lợi ích truyền thống trong khu vực.Do đó, hoàn toàn có thể hiểu được việc tăng cường liên minh Mỹ – Australia là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Chuyên gia RISS Vladimir Yevseyev đánh giá việc xây dựng căn cứ quân sự mới ở Glyde Point sẽ tạo thuận lợi cho Mỹ bởi đây là khu vực nằm rất gần với “các điểm nóng” trong khu vực so với khoảng cách từ lãnh thổ Mỹ.Ngoài ra, sự hiện diện của một căn cứ quân sự mới ở Australia sẽ giúp tăng cường an ninh cho các lực lượng Mỹ cũng như giảm bớt mức độ tổn thất từ các vụ tấn công của đối thủ tiềm tàng.Cũng theo ông Yevseyev, nhằm hỗ trợ thêm cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ nên căn cứ mới có thể được dùng để làm nơi giúp binh sĩ Mỹ làm quen với điều kiện môi trường khí hậu trong khu vực, đồng thời tiến hành thêm các đợt huấn luyện trước khi được triển khai tới khu vực Đông Nam Á. Việc xây dựng một căn cứ ở Australia và nằm gần cảng Darwin sẽ giúp quân đội Mỹ có cơ hội điều động lực lượng tới khu vực Đông Nam Á nhanh chóng hơn trong trường hợp khẩn cấp. Căn cứ mới có thể không được dùng để bảo vệ Australia mà là nơi để triển khai quân tới các vùng lân cận. Do đó, Australia có thể sẽ bị cuốn vào cuộc xung đột với Trung Quốc.
Giới truyền thông Australia cũng cho rằng, dự án xây dựng căn cứ quân sự mới của Mỹ ở Australia sẽ được triển khai ở một nơi ẩn khuất hơn và bớt đông đúc hơn nhằm phục vụ hoạt động của các chiến hạm và lính thủy quân lục chiến từ những nước là đồng minh của Mỹ.
Nhưng không ít chuyên gia cho rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách trị giá 211,5 triệu USD để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng quân sự ở Australia lại là động thái làm khích động thêm một cuộc đối đầu quân sự mới trong khu vực. Nói cách khác, Mỹ đang dùng Australia để theo đuổi chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở cả phương diện chính trị lẫn quân sự.