Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ có thể sẽ gia tăng các hoạt động tập trận ở...

TQ có thể sẽ gia tăng các hoạt động tập trận ở Biển Đông trong thời gian tới nhằm củng cố sự kiểm soát tại các thực thể đã bồi đắp, cải tạo

Giới phân tích các nước nhận định sau khi đã tiến hành bồi đắp, cải tạo xây dựng quy mô lớn các thực thể chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, để củng cố ảnh hưởng tăng cường sự kiểm soát và tạo thế lấn lướt, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh bố trí lực lượng đồn trú, triển khai các hoạt động tập trận quân sự ở Biển Đông thời gian tới.

Từ năm 2018 đến nay, Trung Quốc luôn rêu rao rằng Biển Đông hoàn toàn là vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác. Các tranh chấp song phương giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc là công việc nội bộ và phải được chính các nước giải quyết thông qua thương thuyết song phương trực tiếp. Để ngăn cản các nước bên ngoài can dự vào vấn đề Biển Đông và các nước trong khu vực giải quyết vấn đề tại các diễn đàn đa phương, Trung Quốc sẽ gia tăng các cuộc tập trận ở Biển Đông.

Tính riêng trong năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 18 đợt tập trận lớn, trung bình 2 đợt trong tháng. Có thể kể đến như: Cuộc tập trận tại các khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương (2/2018) của Biên đội Huấn luyện thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, với các tình huống giả định về phòng không, bảo vệ hàng hải và tác chiến trên biển. Cùng dịp này, Trung Quốc triển khai 4 tàu hải cảnh, 2 tàu cá dân binh tại bãi cạn Scarborough và 1 tàu hộ vệ tên lửa để theo dõi, giám sát hoạt động của Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ.

Cuộc tập trận ở Biển Đông và Tây Thái Bình Dương (3/2018) của Trung Quốc, trong đó đã huy động cả các máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35. Cùng thời điểm, Trung Quốc đã triển khai 2 tàu hộ vệ tên lửa là “Lục Bàn Thủy” (514) và “Hoàng Sơn” (570) ra Biển Đông để ngăn cản tàu khu trục Mustin của Mỹ đang tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Cuộc tập trận dài ngày trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Vi Châu 24 hải lý về phía Đông Bắc và 11 hải lý về phía Đông Nam (3-4/2018) của Trung Quốc. Trong đó, lần đầu tiên có sự tham gia tàu sân bay Liêu Ninh và khoảng 40 tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Cùng thời gian này, Trung Quốc đã điều 12 máy bay ném bom H-6K xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây đến “một địa điểm ở Biển Đông” để tiến hành huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa. Đợt tập trận (4/2018) tại khu vực rộng khoảng 27 kmphía Đông Nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/4) đã trực tiếp thị sát cuộc tập trận này. Cùng thời gian nay, Hải quân Trung Quốc cũng thông báo tiến hành tập trận trong khu vực rộng khoảng 950 km2 tại cảng Quỳnh Hải, phía Đông đảo Hải Nam.

Trung Quốc tiến hành tập trận ở 7 điểm khác nhau trên Biển Đông, tại khu vực rộng khoảng 8.500 km2 phía Nam đảo Hải Nam từ ngày 11/4-13/4/2018, trong đó đã triển khai khoảng 60 tàu cá dân binh và 10 tàu chấp pháp để bảo vệ vòng ngoài cho các cuộc tập trận này. Tháng 5/2018, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trung Quốc còn tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và triển khai một số hoạt động trên thực địa như xây dựng cơ sở thử nghiệm tàu không người lái quy mô lớn, hoàn hành lắp đặt trung tâm thông tin liên lạc trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.

Có thể thấy Trung Quốc đã tăng tần suất, lực lượng, phạm vi, hình thức các cuộc tập trận, nhất là trước, trong hoặc sau thời điểm có hoạt động của Mỹ và các nước ở Biển Đông. Đáng chú ý năm 2018 à từ đầu năm 2019 đến nay, Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành hình thức tập trận chung với các nước ASEAN. Giới chuyên gia các nước cho rằng các nước ASEAN cần cảnh giác và thận trọng trước các cuộc tập trận chung ở Biển Đông với Trung Quốc, vì Trung Quốc lợi dụng các cuộc tập trận chung trên biển với ASEAN để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”. Các cuộc tập trận chung với ASEAN giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Đây là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Ngoài ra, Trung Quốc sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Trung Quốc sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước.

Các hoạt động tập trận trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm tinh thần tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông”. Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Dư luận lên án các hoạt động tập trận và hành động quân sự đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh, hòa bình, hợp tác trong khu vực. Những hoạt động này của Trung Quốc thể hiện chính sách bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc, gây tổn hại đến các quy chuẩn của luật pháp quốc tế và những nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giải quyết hòa bình các tranh chấp của các nước. Ngoài ra, những hoạt động quân sự của Trung Quốc còn đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của hoạt động hàng hải, hàng không của khu vực và quốc tế, cũng như hoạt động đánh bắt cá của ngư dân các nước. Giới quan sát các nước cho rằng trong thời gian tới, Trung Quốc còn tiếp tục thúc đẩy nhiều hoạt động quân sự và gia tăng kiểm soát ở Biển Đông bất chấp những nỗ lực của ASEAN và các tuyên bố của Trung Quốc về thúc đẩy đàm phán ký kết COC. Vì vậy, cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN cần tăng cường đoàn kết, trao đổi, phối hợp trong xử lý, đối phó đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là cần có tiếng nói chung trong vấn đề này.

RELATED ARTICLES

Tin mới