Monday, October 7, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đang chơi trò gì trên Biển Đông

TQ đang chơi trò gì trên Biển Đông

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đang sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm tìm cách thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, tiến hành xâm chiếm biển đảo của Việt Nam và một số nước trong khu vực.

Sử dụng tàu khảo sát để khẳng định “chủ quyền”

Trung Quốc hiện đang sử dụng tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, ở khu vực Bãi Tư Chính; tàu khảo sát Trương Kiển và Đông Phương Hồng 3 hoạt động trái phép trong vùng biển của Philippines, chỉ cách đảo Siargao của nước này 75 hải lý; tàu Thực Nghiệm 2 hoạt động trái phép trong vùng biển của Malaysia, gần bãi cạn Luconia Breakers ở cực Nam Biển Đông.

Điểm chung gắn liền các chiếc tàu này là chúng đều vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, tại những nơi mà Bắc Kinh cho là thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc cử tàu dân sự đi vào hoạt động trong vùng biển của nước khác nhưng bị Trung Quốc cho là của mình, cử một đội tàu hùng hậu đi theo hộ tống chiếc tàu dân sự đó, để sẵn sàng đẩy lùi tàu chấp pháp của nước bị xâm lấn khi cần thiết. Đội tàu hộ tống cũng phải khoác vỏ bọc bán quân sự hay dân sự, tức là tàu hải cảnh và tàu dân quân biển thường đội lốt tàu cá, để các nước khác khỏi dùng đến Hải Quân để đối phó. Tuy nhiên, về bản chất, các chiếc tàu gọi là hải cảnh của Trung Quốc không khác gì chiến hạm thực thụ.

Trong vụ điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đã điều một lượng lớn tàu chấp pháp, tàu dân quân biển đi hộ tống. Số lượng tàu hộ tống có lúc lên đến 80 chiếc, theo như ghi nhận của chuyên gia Carl Thayer. Trong số các tàu Hải Cảnh đã bị nhận diện, đặc biệt có chiếc mang ký hiệu 3901, có lượng giãn nước 12.000 tấn, được coi là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, thậm chí lớn hơn cả những khu trục hạm hay tuần dương hạm thường được Mỹ triển khai ở Biển Đông. Một chiếc tàu khảo cứu mà có một đội tàu hùng hậu như vậy tháp tùng theo là dấu hiệu cho thấy việc đưa tàu này vào Bãi Tư Chính không phải là một công việc nghiên cứu thực địa đơn thuần, mà còn có mục tiêu áp đặt quyền sở hữu của Trung Quốc trên vùng biển được khảo sát.

Sử dụng lực lượng chấp pháp bán vũ trang để gây rối

Trung Quốc được cho là một trong những nước có lực lượng chấp pháp hùng hậu nhất trên thế giới. Từ năm 2013, hải cảnh Trung Quốc (CCG) được thống nhất dựa trên sự sáp nhập các lực lượng hải giám (CMS), hải cảnh (cảnh sát biển của Cục Quản lý biên phòng – BCD), ngư chính (Cơ quan Đảm bảo thực thi pháp luật ngư nghiệp – FLEC), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Hải dương Trung Quốc (GAC).Trước khi sáp nhập, Cục Ngư chính đã có trên 140 tàu với 10 tàu hơn 1.000 tấn, hải giám (CMS) có trên 280 tàu với 27 tàu trên 1.000 tấn. Theo một báo cáo hồi đầu năm từ Đại học Hải chiến Mỹ, CCG đang vận hành không dưới 80 tàu trên 1.000 tấn, trong đó có gần 30 tàu trên 4.000 tấn. Phần lớn tàu đều được vũ trang với nhiều loại pháo như 30 mm, thậm chí 76 mm và mang theo được cả máy bay trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-9.Lực lượng tàu này thường xuyên hiện diện trên Biển Đông để phục vụ ý đồ của Trung Quốc. Điển hình như lần Bắc Kinh điều dàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông vào năm 2014 hay mới đây là tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 thì đều được hộ tống bởi các “tàu chấp pháp” của Trung Quốc.

Quân sự hóa các thực thể chiếm đóng

Tại quần đảo Hoàng Sa,Trung Quốc đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác. Trung Quốc cũng đã triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trung Quốc đã triển khai trái phép hệ thống tên lửa chống hạm YJ-62 tới đảo Phú Lâm. Ngoài ra, Trung Quốc đã đưa máy bay chiến đấu J-11 đến đảo Phú Lâm. Đây là loại máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4, cũng là máy bay chủ lực của không quân TQ và được coi là phiên bản mô phỏng của máy bay Nga Sukhoi Su-27SK. Theo những hình ảnh vệ tinh mới của ImageSat International (ISI) công bố cho thấy, Trung Quốc cũng đã triển khai máy bay không người lái công nghệ tàng hình ra đảo Phú Lâm. cho thấy một máy bay không người lái do thám tầm xa mang tên Harbin BZK-005 có mặt ở đảo Phú Lâm. Máy bay này có thể hoạt động trong 40 giờ.

Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại đảo Phú Lâm. Gần đây nhất, vào tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố đoạn video cho thấy máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cất hạ cánh từ một trên những hòn đảo ở Biển Đông. Chiếc H-6K này đã tiến hành các cuộc không kích mô phỏng chống lại lực lượng hải quân đối phương giả định. Trước đó, mạng Tin tức Trung Quốc cho biết khoảng 20 tàu thuyền của các cơ quan chức năng biển của Trung Quốc và tàu của ngư dân, binh lính đóng trái phép trên đảo Phú Lâm đã tổ chức diễn tập. Cuộc diễn tập chia làm ba phần, gồm diễn tập biên đội tàu thủy; giả định xử phạt tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm qui định đánh bắt ở biển và xử phạt tàu nước ngoài mà Trung Quốc cho rằng xâm phạm vùng biển nước này cho là thuộc chủ quyền của mình; diễn tập các hoạt động cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp có người rơi xuống biển.

Đáng chú ý, thời gian qua, Trung Quốc lại có hành động khiêu khích luật pháp quốc tế khi tìm cách xây dựng “căn cứ dịch vụ hậu cần trọng điểm quốc gia” tại đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tại quần đảo Trường Sa, sau khi Trung Quốc hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp trên quần đảo Trường Sa, tổng diện tích bồi đắp các đảo hoàn toàn nhân tạo trên các đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp đã lên tới khoảng 13,21 km2 (tập trung chủ yếu trên 3 đá Vành Khăn, Su Bi và Chữ Thập). Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc sử dụng các máy hút bùn, nạo vét các rặng san hô xung quanh, đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo dài hơn 3.000 m và rộng từ 200 – 300 m đủ rộng để xây dựng được đầy đủ cả đường băng lẫn bãi đỗ máy bay của một sân bay hoàn chỉnh; xây càu tàu và nhiều công trình quân sự trên đá Chữ Thập. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 2,77 km2, đứng thứ 3 về diện tích trong các đảo hoàn toàn nhân tạo trên Biển Đông và cũng lớn thứ 4 trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Tại đá Su Bi, Trung Quốc bắt đầu cải tạo quy mô lớn đá Xu Bi kể từ tháng 3 năm 2015. Đến ngày 5/2018, diện tích Su Bi đạt khoảng 4,14 km2, xây dựng gần 400 tòa nhà có khả năng là các công trình quân sự, có năng lực phục vụ từ 1.500 – 2.400 binh lính đồn trú. Tại đá Vành Khăn, Trung Quốc đã cải tạo đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lên đến 5,66 km2, biến đá này thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông và lớn nhất trong các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Trung Quốc cũng tiến hành cải tạo, bồi đắp đá Châu Viên lên tới khoảng 0,31 km2; đá Gạc Ma lên tới khoảng 0,11 km2; đá Tư Nghĩa lên tới khoảng 0,081 km2; đá Ga Ven lên tới khoảng 0,14 km2.

Trung Quốc cũng liên tục triển khai phi pháp vũ khí tấn công và phương tiện quân sự tới quần đảo Trường Sa. Dựa vào các hình ảnh vệ tinh chụp được cho biết Trung Quốc đã điều tàu hộ vệ trang bị tên lửa hành trình Type 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên đá Vành Khăn, đá Su Bi và đá Chữ Thập; âm thầm kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị gây nhiễu thông tin và radar trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến tại góc phía Đông Bắc đá Chữ Thập; điều máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 tới đá Su Bi, máy bay vận tải quân sự Y-7 tới đá Vành Khăn…

Tuyên truyền, xuyên tạc

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa và củng cố chứng cứ pháp lý nhằm khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông (phi pháp), Trung Quốc cũng tích cực sử dụng sức ảnh hưởng của truyền thông trong nước nhằm tuyên truyền “chủ quyền” đối với vùng biển này.

Chính giới Trung Quốc đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định “Trung Quốc sẽ kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông; kêu gọi các nước tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục khẳng định Bắc Kinh có “chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông”, tất cả các hoạt động (xây dựng, cải tạo đảo, đá phi pháp, mở tuyến du lịch, triển khai vũ khí sát thương…) đều là công việc nội bộ của Trung Quốc và đây chỉ là các hoạt động phục vụ mục đích dân sự; đồng thời lên án, chỉ trích các nước “tìm cách can thiệp vào vấn đề Biển Đông, gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN”; khẳng định Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, yêu cầu các nước “tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, cho rằng nhiều nước đang tìm cách gây cản trở vấn đề Biển Đông dưới chiêu bài luật pháp quốc tế. Bộ Ngoại giao, Quốc phòng Trung Quốc cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích, thậm chí là cảnh cáo các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng các hoạt động của Mỹ là khiêu khích quân sự và chính trị nghiêm trọng, nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ an ninh và “chủ quyền” quốc gia.

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc công bố, tuyên truyền các văn bản pháp quy quan trọng về quản lý, quy hoạch và phát triển kinh tế biển, cụ thể: Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12h ngày 1/5/2018 đến 12h ngày 16/8/2018 ở Biển Đông, vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến – Quảng Đông kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh cũng thúc đẩy nghiên cứu, điều chỉnh các quy định, quy hoạch về phát triển du lịch ở Biển Đông, nhằm từng bước hợp thức hóa cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng phi pháp.

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động củng cố kiểm soát trên thực địa bằng nhiều biện pháp trong đó tập trung vào các hoạt động dân sự có hàm lượng công nghệ cao; tìm cách biện minh, giải thích các hành động trên là nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế biển, kết nối thương mại, cung cấp dịch vụ công cho hoạt động hàng hải ở khu vực; chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn “Vành đai, con đường” nhằm xoa dịu căng thẳng và ngăn chặn các nước bên ngoài tìm cách can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc cũng lợi dụng việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật để gia tăng ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, chia rẽ đoàn kết trong nội bộ ASEAN, ép buộc một số nước phải lệ thuộc và ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc cũng tuyên truyền về việc thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ công nhằm đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực, cụ thể: Trung Quốc thử nghiệm các chuyến bay dân sự tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; cho phép “Công ty vận tải tư nhân Hải Hiệp” đưa khách du lịch (đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa); tuyên truyền về việc hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu; xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn về giao thông liên lạc, năng lượng, bệnh viện, rạp chiếu phim ở Hoàng Sa và Trường Sa; xây dựng và đưa vào sử dụng một loạt các ngọn hải đăng ở Hoàng Sa và Trường Sa; hoàn thiện lắp đặt và phủ sóng mạng 4G ở Biển Đông…

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền trên tất cả các phương diện về “quyết tâm, thiện chí và nỗ lực” trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, khẳng định Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần tuyên bố “nhờ nỗ lực của Trung Quốc và ASEAN thời gian qua, tình hình Biển Đông đã ổn định”, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh muốn duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Không những vậy, các quan chức Trung Quốc tiếp tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích các nước bên ngoài can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Sau khi các nước (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada…) có các hoạt động, tuyên bố chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa, cải tạo phi pháp, cản trở hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giới chức Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố phản bác lại chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố Trung Quốc “có chủ quyền không thể bàn cãi đối với các đảo và vùng biển xung quanh các đảo trên Biển Đông” và rằng tình hình trong khu vực đang có những tiến triển tốt đẹp nhờ vào “nỗ lực” của Trung Quốc và các quốc gia láng giềng Đông Nam Á; cáo buộc Mỹ “liên tục điều tàu quân sự đi vào vùng biển gần các đảo trên Biển Đông mà không xin phép, đe doạ nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng quan hệ quân sự Mỹ-Trung và gây phương hại nặng hề tới hoà bình và ổn định khu vực”; nhấn mạnh lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ “tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mạnh mẽ thúc giục Mỹ chấm dứt các hành động “gây hấn”, đồng thời “ngay lập tức sửa chữa những sai lầm”.

RELATED ARTICLES

Tin mới