Saturday, October 5, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCăng thẳng tại Hồng Công vượt ngoài tầm kiểm soát của TQ?

Căng thẳng tại Hồng Công vượt ngoài tầm kiểm soát của TQ?

Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tội phạm đã kéo dài hai tháng nay tại Hồng Công và chưa có dấu hiệu lắng xuống bất chấp trưởng đặc khu Carrie Lam nói rằng dự luật “đã chết”. Căng thẳng leo thang ở Hồng Công khiến Bắc Kinh lo lắng và tuyên bố nếu cuộc khủng hoảng biểu tình vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền đặc khu, chính quyền trung ương sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Hồng Công đối mặt khủng hoảng nguy nan nhất từ ngày trao trả Đại lục

Văn phòng sự vụ Hồng Công & Macau (HKMAO) của Quốc vụ viện Trung Quốc cùng Văn phòng liên lạc Trung Quốc tại Hồng Công (7/8) triệu tập cuộc tọa đàm chung tại Thâm Quyến. Tại cuộc họp, Chủ nhiệm HKMAO Trương Hiểu Minh cho hay, lần gần đây nhất chính phủ Trung Quốc phải triệu tập một cuộc tọa đàm chung như thế này là vào tháng 8/2014, trước khi phong trào biểu tình “Chiếm lĩnh trung tâm” bùng phát; đồng thời nhận định tình hình Hồng Công hiện nay là đáng lo ngại và cục diện khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ ngày đặc khu được trao trả cho Đại lục (1/7/1997). Theo ông Trương, các cuộc biểu tình hiện nay bắt nguồn từ biểu tình nổ ra ngày 9/6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ, sau đó liên tục kéo dài đến nay đã được 60 ngày, với quy mô ngày càng lớn, các hoạt động bạo lực diễn ra ngày càng ác liệt, ảnh hưởng ngày càng rộng đến nhiều lĩnh vực.

Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Chính phủ Trung ương Trung Quốc tại Hồng Công Vương Chí Dân cho rằng, đây là “cuộc chiến sinh tử” liên quan đến tương lai của Hồng Công và nó đã ở điểm “không còn đường lui”. Ông này cũng khẳng định rằng, điều quan trọng nhất vào lúc này là kiên quyết “ngăn chặn hỗn loạn, kiểm soát tình hình”. Tình hình Hồng Kông hiện vẫn đang leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc biểu tình phản đối luật dẫn độ tội phạm hình sự đã diễn ra ở Hồng Kông từ cuối tháng 3 vừa qua, bởi nhiều người biểu tình lo ngại, nếu dự luật dẫn độ tội phạm hình sự được thông qua, đặc khu sẽ chịu sự ảnh hưởng ngày càng lớn hơn từ chính quyền Bắc Kinh.

Người dân tiếp tục biểu tình

Người dân Hồng Công bao gồm giới trẻ, người gia và cả các trẻ nhỏ (đi theo bố mẹ) tiếp tục xuống đường biểu tình ở Hồng Công. Những người tham gia biểu tình cho rằng họ đang làm là “để bảo vệ cho tương lai của vùng đất này” và kêu gọi cảnh sát hãy “buông súng,” ngưng đàn áp người phản kháng. Cuộc biểu tình của người dân diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp Hồng Công.

Theo đó, hàng trăm người cao niên tuần hành trong suốt hai giờ đồng hồ từ trụ sở cảnh sát Hồng Kông ở Wan Chai đến văn phòng Bộ Trưởng Tư Pháp Hồng Kông, cùng văn phòng Đặc Khu Trưởng ở khu Admiralty để đưa thư phản đối.Tại khu Edinburgh Place, nơi từng xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, đã có cuộc tuần hành được cảnh sát cấp giấy phép, gọi là “Bảo Vệ Tương Lai Trẻ Em”. Cuộc biểu tình này được giới cha mẹ tổ chức, để có thể bày tỏ quan điểm của họ đối với chính quyền trong môi trường an toàn, không lo bị đánh đập hoặc bị hơi cay.Tại khu Central, diễn ra cuộc biểu tình tuần hành của các gia đình, được cảnh sát Hồng Công cấp giấy phép. Theo hãng tin Pháp AFP, cuộc tuần hành của các hộ gia đình diễn ra trong một không khí vui tươi, với các em bé trong xe nôi, các em nhỏ cầm bong bóng bay… Không khí thân thiện của cuộc tuần hành này trái ngược với vụ xô xát ngày càng dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát trong những ngày qua.

Tại sân bay quốc tế Chek Lap Kok, Hồng Công, hàng trăm người biểu tình đòi dân chủ đã trở lại sân bay quốc tế Hồng Công, chiếm lĩnh khu vực đón khách, một số ngồi bệt xuống sàn vẽ những áp phích phản đối, một số khác thì chào hỏi khách đến một cách hết sức lịch sử.Hoạt động đấu tranh lần này quy tụ được khoảng 1.000 nhà hoạt động. Cuộc biểu tình đó đã diễn ra một cách êm thắm, không một chuyến bay nào bị gián đoạn.Theo thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, những người biểu tình muốn nhắc lại 5 yêu sách, gồm rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, rút lại việc xem phong trào biểu tình là bạo loạn, xóa các cáo buộc chống lại người biểu tình, mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát, quyền bỏ phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử chọn trưởng đặc khu và cơ quan lập pháp vào năm 2020.

Các nước thể hiện sự quan ngại đối với diễn biến tình hình căng thẳng ở Hồng Công

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh thông báo rằng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab lên án việc sử dụng vũ lực của cả hai bên trong những cuộc biểu tình ở Hồng Công và kêu gọi bà Carrie Lam đứng đầu Chính quyền Hồng Công nên tiến hành thảo luận về tình hình khủng hoảng.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (6/8) tuyên bố ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Công, cho rằng những người biểu tình “dũng cảm” so với một “chính phủ hèn nhát”. Theo bà Nancy Pelosi, “như họ đã làm thế suốt cả mùa Hè, hôm nay người dân Hồng Công đang gửi một thông điệp khuấy động thế giới: những giấc mơ về tự do, công bằng và dân chủ không bao giờ có thể bị dập tắt bởi sự bất công và đe dọa. Sự trỗi dậy phi thường của lòng dũng cảm từ người dân Hồng Công trái ngược hoàn toàn với một chính phủ hèn nhát không chịu tôn trọng pháp quyền hay sống theo chế độ “một quốc gia, hai chế độ” như đã được bảo đảm hơn hai thập kỷ trước”. Bà Pelosi nhắc lại lời yêu cầu của người biểu tình và nói Hội đồng Lập pháp Hồng Công “phải rút hoàn toàn và ngay lập tức rút dự luật dẫn độ”. Bà nhấn mạnh Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ thống nhất với việc người dân Hồng Công đòi hỏi một tương lai hy vọng, tự do và dân chủ và kêu gọi ủng hộ dự luật lưỡng đảng Đạo Luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Công.

Trước đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đảng Cộng hòa, Dân biểu Jim McGovern đảng Dân chủ và Dân biểu Chris Smith đảng Cộng hòa (6/2019) đã đệ trình Đạo Luật Nhân quyền và Dân chủ của Hồng Công. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ đình chỉ việc bán đạn dược và thiết bị kiểm soát đám đông trong tương lai cho lực lượng cảnh sát Hong Kong.

Chỉ trích các nước can thiệp vào Hồng Công

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (10/8) tuyên bố rằng Hồng Công đã từ lâu không còn là thuộc địa của Anh và London nên chấm dứt sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Công. Theo bà Hoa Xuân Oánh, “việc Chính phủ Anh trực tiếp gọi điện cho nhà lãnh đạo Hồng Công để gây áp lực là động thái sai lầm. Chúng tôi kiên quyết đòi phía Anh lập tức ngừng chấm dứt can thiệp vào các vấn đề của Hồng Công, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, không cần phải đưa ra những chỉ thị cho Hồng Công và làm chuyện môi giới”. Ngoài ra, bà Hoa Xuân Oánh không quên nhấn mạnh rằn Hồng Công ngày nay là Đặc khu hành chính của Trung Quốc và đã từ lâu không còn là thuộc địa của Anh. Anh không có chủ quyền, không có thẩm quyền hành chính, cũng không có quyền giám sát đối với Hồng Công. Tương ứng với pháp luật cơ bản của Hồng Công, các quan hệ đối ngoại của Hồng Công do Chính phủ trung ương Trung Quốc kiểm soát.

Văn phòng Hồng Công của Bộ Ngoại giao Trung Quốc (8/8) cũng đã yêu cầu phía Mỹ giải thích thông báo về cuộc gặp của nhà ngoại giao Julie Eadeh với các thành viên hoạt động chống đối, công bố trên phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Trước đó, Người phát ngôn của Văn phòng Hồng Công và Macao Dương Quang chỉ trích các chính trị gia Mỹ nên “ngừng ngay việc thông đồng với những kẻ ly khai ở Hồng Công”; đồng thời cảnh báo người biểu tình “không nên đùa với lửa và nó sẽ phản tác dụng”.

Biện pháp đối phó của Trung Quốc

Đầu tiên, cấm nhân viên hàng không Hồng Công ủng hộ biểu tình.Theo quy định được cơ quan hàng không Trung Quốc(9/8) đưa ra với Hãng Cathay Pacific, hãng hàng không Hồng Công phải nộp thông tin cá nhân của các nhân viên phục vụ trên những chuyến bay tới đại lục hoặc bay qua không phận Trung Quốc, để đảm bảo họ không liên quan hay tham gia vào các cuộc biểu tình “trái phép”. Quy định này sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 11/8 và những chuyến bay không đáp ứng yêu cầu sẽ bị “cấm cửa”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng yêu cầu hãng Cathay Pacific cũng phải báo cáo về những biện pháp nhằm “thắt chặt kiểm soát nội bộ và cải thiện an ninh, an toàn bay” trước ngày 15/8. Việc Trung Quốc tìm cách “kiểm soát” Hãng Cathay Pacific là do một số nhân viên của Cathay Pacific đã tham gia hoạt động biểu tình phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Công và một phi công bị buộc tội gây bạo loạn. 

Thứ hai, thể hiện thái độ cứng rắn. Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (9/8) đã lên tiếng cho biết bà sẽ loại trừ mọi nhượng bộ trước “những người biểu tình là thủ phạm của các hành vi bạo lực”; đồng thời mời một lãnh đạo cảnh sát đã nghỉ hưu ra làm việc trở lại. Đó là người đã xử lý thành công phong trào Dù Vàng năm 2014.

Thứ ba, Trung Quốc đưa ra tuyên bố cảnh cáo “đừng đùa với lửa”. Người phát ngôn của Văn phòng Quan hệ Hồng Kông và Macau thuộc Chính phủ Trung Quốc Dương Quang (6/8) kêu gọi người dân Hồng Công chống lại những người biểu tình đang thách thức chính quyền; tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam và nói rằng những nỗ lực nhằm buộc bà Lam phải từ chức sẽ thất bại. Ông Dương Quang kêu gọi người dân Hồng Công “đứng vững và bảo vệ tổ quốc tươi đẹp của chúng ta”, đồng thời dẫn chứng một số ví dụ về người dân địa phương chỉ trích người biểu tình. “Chúng tôi muốn được nói rõ điều này với một nhóm rất nhỏ những phần tử phạm tội vô liêm sỉ và hung dữ, cùng những thế lực bẩn hậu thuẫn chúng – những kẻ đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu rụi”.

Thứ tư, điều lượng lớn cảnh sát, quân đội và “lực lượng giấu mặt” mạnh tay đàn áp, tấn công người biểu tình. Trong những ngày qua, lực lượng chấp pháp Hồng Công đã mạnh tay tấn công người biểu tình. Cảnh sát Hồng Công đã bắt giữ hơn 500 người trong các vụ biểu tình và bắn gần 2.000 loạt đạn hơi cay để trấn áp người biểu tình. Không những vậy, trong khi biểu tình lan rộng, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 6/8 đăng tải video trên tài khoản Twitter, cho thấy hàng nghìn cảnh sát Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận chống bạo động ở thành phố Thâm Quyến. Trong video, cảnh sát tập luyện trấn áp những người mặc áo phông đen và đội mũ lao động màu vàng – hình ảnh quen thuộc trong thời gian qua của những người biểu tình Hồng Công, thậm chí được coi như là một đồng phục không chính thức.

Khả năng Trung Quốc can thiệp quân sự

Người phát ngôn của Văn phòng Quan hệ Hồng Kông và Macau thuộc Chính phủ Trung Quốc Dương Quang (6/8) không bác bỏ khả năng Chính quyền Trung ương Trung Quốc sẽ sử dụng quân sự để trấn áp hoạt động biểu tình ở Hồng Công, nói rằng Bắc Kinh không bao giờ cho phép bất ổn “vượt quá sự kiểm soát” của chính quyền địa phương cũng như đe dọa đoàn kết dân tộc và an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tê, khu vực nhận định Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu sử dụng quân đội trấn áp các cuộc biểu tình ở Hồng Công. Giáo sư Willy Lam, Đại học Hồng Công nhận định, quyết định triển khai PLA trên các tuyến phố của Hồng Công sẽ “gây thiệt hại khó tưởng tượng nổi” đối với Hồng Công và nền kinh tế của. Theo đó, thị trường cổ phiếu sẽ sụp đổ, tiến đến là thị trường nhà ở. Một làn sóng di cư quy mô lớn có thể xảy ra sau đó. Xét về mặt pháp lý, chính quyền Hồng Công được phép đề nghị PLA đồn trú ở thành phố này (hơn 6.000 binh sỹ) hỗ trợ nếu như tình hình trật tự vượt ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhưng do Hồng Công có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, quyết định triển khai quân có thể tạo ảnh hưởng lan rộng khắp cả nước ngay trong lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vốn đang dễ bị tổn thương do cuộc chiến thương mại với Mỹ. Theo ông Willy Lam, “chỉ cần 100 binh sỹ xuất hiện trong khu kinh doanh, nếu họ bất ngờ xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo lớn, điều đó sẽ tạo hiệu ứng rất đáng sợ tới các công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Hồng Công”. Theo ông Lam, khi đối diện với kiểu bất ổn như trên, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu xem xét lại về việc đổ vốn đầu tư vào Hồng Công; họ có thể tìm kiếm một nơi khác để làm ăn. Họ sẽ không ngừng hẳn hoạt động kinh doanh ở Hồng Công, nhưng sẽ di dời nhiều phần doanh nghiệp tới Singapore và biến chúng thành trụ sở chính trong khu vực. Ngoài ra, phần lớn cư dân tầng lớp trung lưu của Hồng Công có thể chuyển tới sinh sống ở các nước nói tiếng Anh. Bằng chứng về một cuộc di cư từ Hồng Công cũng có thể nghiền nát thị trường bất động sản Hồng Công.

Tác động, ảnh hưởng

Cảnh sát Hồng Công cho biết đã bắn hơi cay 800 lần, bắn đạn cao su 140 lần, và sử dụng lựu đạn bọt biển 20 lần. Trước đó, cảnh sát cho biết sử dụng hơi cay 1.000 lần để trấn áp người biểu tình trong thời gian từ 9/6-4/8. Hoạt động biểu tình của người dân Hồng Công đã có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đối với Đặc khu này.

Đầu tiên, do ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình, lượng du khách đến đặc khu này đã giảm 26% vào cuối tháng trước so với năm ngoái và tiếp tục giảm trong tháng 8. Lãnh đạo thương mại Edward Yau Tang-wah cho biết 22 quốc gia và khu vực, bao gồm Mỹ, đã đưa ra cảnh báo đi lại tại Hồng Công. Không những vậy, giao thông ở Hồng Công bị rơi vào tình trạng hỗn loạn vì đình công. Hãng hàng không Cathay Pacific cho biết đã hủy hơn 140 chuyến bay ra vào Hồng Kông trong ngày đầu tuần. Hãng Hồng Kông Airlines cũng phải hủy 30 chuyến.

Thứ hai, ảnh hưởng nền kinh tế. Chỉ số MSCI Hong Kong Index giảm 0,6% khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, đánh dấu phiên giảm thứ 10 liên tiếp. Lần gần đây nhất chứng khoán Hồng Kông có chuỗi phiên giảm dài đến như vậy là vào tháng 6-7/1984, 5 tháng trước khi Trung Quốc và Anh ký thỏa thuận về trao trả Hồng Kông vào năm 1997. Khủng hoảng chính trị đã ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Hồng Kông, gây suy giảm các ngành bán lẻ và du lịch giữa lúc nền kinh tế vốn dĩ đã điêu đứng vì thương chiến Mỹ-Trung. Chính quyền Hồng Kông ngày 5/8 đã cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế nếu biểu tình tiếp diễn.

RELATED ARTICLES

Tin mới