Thư ký Thường trực Hội đồng Hoà bình thế giới (WPC) Iraklis Tsavdaridis (7/8) bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây và khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hy vọng các bên nỗ lực duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông.
Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga và Thư ký Thường trực Hội đồng Hoà bình thế giới (WPC) Iraklis Tsavdaridis, Chủ tịch VUFO đã đánh giá cao vai trò của Hội đồng trong việc lãnh đạo các phong trào hòa bình trên thế giới, bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với những tình cảm, sự ủng hộ quý báu của WPC và các tổ chức thành viên dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường hiện nay, Chủ tịch VUFO bày tỏ hi vọng WPC và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong việc động viên và đoàn kết nhân dân thế giới trong đấu tranh, gìn giữ hòa bình.Đối với Việt Nam, bên cạnh quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, Việt Nam luôn mong muốn đóng góp chung cho sự nghiệp bảo vệ hòa bình, an ninh, công lý trên thế giới, và hi vọng WPC, các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong công cuộc này.Chủ tịch Nguyễn Phương Nga khẳng định, VUFO luôn luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho Ủy ban Hòa bình trong việc không ngừng thắt chặt quan hệ với phong trào hòa bình thế giới, với WPC là trung tâm. Về vấn đề Biển Đông, bà Nguyễn Phương Nga cho biết, lập trường của Việt Nam trước những diễn biến gần đây là giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Thư ký Thường trực Hội đồng Hoà bình thế giới (WPC) Iraklis Tsavdaridis đã chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam, về quá trình đấu tranh kiên cường cho độc lập, tự do, và công cuộc tái thiết, phát triển đất nước sau chiến tranh.Về vấn đề Biển Đông, ông Iraklis Tsavdaridis bày tỏ quan ngại về diễn biến phức tạp gần đây và khẳng định ủng hộ lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hy vọng các bên nỗ lực duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông.
Trước đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới Socorro Gomes cho biết, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và công lý là một khuynh hướng không thể lay chuyển của thời đại ngày nay. Hội đồng Hòa bình thế giới đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh và củng cố xu hướng tiến bộ này. Kể từ khi thành lập, đây là một tổ chức toàn diện, hội tụ tất cả những người đấu tranh chống chiến tranh, vũ khí hạt nhân, quân sự, can thiệp và vi phạm các quyền của người dân và các quốc gia… Đặc biệt, trong thời gian qua, Hội đồng Hòa bình Thế giới đã có tiếng nói tích cực trong việc lên án các cuộc chiến tranh xâm lược chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa can thiệp và đảo chính, đoàn kết với các dân tộc chịu áp bức và yêu cầu các giải pháp chính trị công bằng cho những xung đột trong quá trình hành động.
Được biết, Hội đồng hòa bình thế giới là tổ chức phi chính phủ tập hợp những nhân sĩ, tri thức, những nhà hoạt động xã hội, những nhà hoạt động xã hội, tôn giáo thuộc nhiều nước trên thế giới tự nguyện tham gia đấu tranh chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới. Hội đồng được thành lập năm 1950 tại Hội đồng quốc tế II những người bảo vệ hòa bình ở Vacsava (Ba lan). Cơ quan cao nhất của Hội đồng là Đại hội quốc tế. Cơ quan chấp hành thường trực là Ban thư ký.
Việt Nam được coi là một trong những thành viên sáng lập ra Hội đồng hòa bình thế giới và tham gia rất tích cực vào tổ chức này. Ngay từ Hội nghị đầu tiên, Việt Nam đã tham gia với đoàn đại biểu gồm 11 người, trong đó có một số người tham gia sáng lập tiêu biểu như Giáo sư Phạm Như Thông, Lê Văn Thiêm và một số trí thức Viêt kiều. Bản thân phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, kết thúc chiến tranh và công cuộc đổi mới hiện nay của Việt Nam chính là những minh chứng cho việc thực hiện mục tiêu giữ gìn hoà bình của Hội đồng hòa bình thế giới. Với Việt Nam thì Hội đồng hòa bình thế giới là một trong những tổ chức nòng cốt có tham gia vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, kết thúc chiến tranh ở Việt Nam. Việt Nam cũng đã nhiều lần đứng ra tổ chức thành công những hội nghị quan trọng của Hội đồng hòa bình thế giới.
Hội đồng Hoà bình thế giới được thành lập 4/1949 do sáng kiến tham gia của các trí thức tiến bộ và ủng hộ sự tiến bộ hoà bình thế giới như nhà bác học Anhxtanh, Picasso,… và đã được sự ủng hộ rất tích cực của các Đảng Cộng sản. Ngay lúc đó đoàn Việt Nam có 11 đại biểu tham dự Hôi nghị này. Hiện nay tất cả các nước đều có các tổ chức tham gia vào Hội đồng Hoà bình thế giới, hầu hết là các tổ chức mang màu sắc tiến bộ, cánh tả có mục tiêu đấu tranh vì hòa bình. Mục tiêu chủ yếu của Hội đồng Hoà bình thế giới là chống chủ nghĩa đế quốc, nguyên nhân gây lên chiến tranh, đe doạ hoà bình thế giới và chống vũ khí hạt nhân nhằm thiết lập nền hoà bình, dân chủ, công bằng và bền vững. Suốt từ khi thành lập đến nay thì mục tiêu này vẫn không hề thay đổi. Phải nói rằng đây là một trong những tổ chức nòng cốt một nhân tố tích cực của phong trào đấu tranh vì hoà bình của nhân dân thế giới.