Tổng thống Duterte bóng gió về việc ông sẽ hủy gặp Chủ tịch Tập Cận Bình nếu phán quyết Biển Đông bị gạt ra khỏi cuộc gặp dự kiến diễn ra vào tuần tới.
“Họ nói vấn đề đó sẽ không được đề cập đến. Tôi nói không. Nếu tôi với tư cách là tổng thống của một quốc gia có chủ quyền không được phép lên tiếng về những gì tôi muốn nói, thì tốt nhất là đừng hội đàm gì nữa. Đừng cố chặn miệng tôi vì đó là món quà của Chúa”, ông Duterte nói trong lễ khánh thành một nhà máy điện mặt trời ở tỉnh Romblo, miền Trung Philippines hôm 21/8.
Nhà lãnh đạo Philippines không nói rõ họ ở đây là ai và những điều ông đề cập tới là gì, nhưng nhiều người cho rằng ông đang ám chỉ tới Trung Quốc và phán quyết Biển Đông, điều mà ông khẳng định sẽ mang ra thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình khi tới thăm Trung Quốc vào ngày 28/8.
Cũng trong bài phát biểu mới đây, ông Duterte dường như đề cập tới “một ai đó” trong chính phủ Trung Quốc khi khẳng định: “Dù ông có thích hay không, ông có vui hay tức giận với điều đó hay không. Tôi xin lỗi. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nói đến phán quyết của Tòa trọng tài, sau đó là những gì chúng ta nhận được nếu bắt đầu thăm thăm dò và khai thác bất cứ thứ có giá trị nào”.
Trung Quốc trước đó đề xuất thăm dò dầu khí chung với Philippines với tỷ lệ 60:40.
“Lời đề nghị 60-40 là một khởi đầu tốt. Tôi hy vọng nó sẽ trở thành đường hướng giúp chúng ta giải quyết phán quyết của tòa Trọng tài một cách hòa bình”, ông nói, khẳng định bất cứ cuộc phiêu lưu hay thám hiểm nào trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đều liên quan trực tiếp tới phán quyết của Tòa Trọng tài.
Manila và Bắc Kinh có những tuyên bố chồng chéo về chủ quyền trên Biển Đông. Năm 2016, Toà Trọng tài Thường trực La Hague ra phán quyết bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông và tuyên bố duy trì các quyền của Philippines với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Trung Quốc không công nhận phán quyết này.
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte tránh đề cập tới phán quyết này và tuyên bố hoãn thực thi nó để tránh chiến tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông bất ngờ đổi giọng hồi đầu tháng 8 khi khẳng định đã đến thời điểm đề cập tới phán quyết về Biển Đông với Trung Quốc.