Monday, January 6, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnQuan hệ Mỹ – Trung: Cuộc chiến công nghệ

Quan hệ Mỹ – Trung: Cuộc chiến công nghệ

Căng thẳng Mỹ – Trung không chỉ đơn thuần là tranh chấp thương mại mà còn là một cuộc chiến trong lĩnh vực công nghệ. Thực tế cho thấy, nước nào giành được vị trí siêu cường về công nghệ thì cũng sẽ có được lợi thế tương ứng về thương mại và an ninh quốc gia.

Thực trạng và tham vọng của 2 bên

Trung Quốc

Ngày 8/5/2015, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố kế hoạch Made in China 2025, với tham vọng sẽ nội địa hóa 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025 trong các ngành công nghệ chủ chốt như robot, chất bán dẫn và năng lượng mới…

Các chuyên gia cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ đầu tư 300 tỉ USD cho các doanh nghiệp tham gia kế hoạch chiến lược này.

Mỹ

Ngày 14/8/2017, tổng thống Trump quyết định điều tra thương mại Trung Quốc. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không để cho bất cứ nước nào cưỡng ép một cách không hợp pháp các công ty Mỹ, bắt phải chuyển giao công nghệ như một điều kiện để được tiếp cận thị trường”.

Ngày 13/7/2018, sau một thời gian cấm vận, chính quyền Mỹ dỡ lệnh cấm các doanh nghiệp nước này bán sản phẩm cho ZTE – công ty thiết bị viễn thông lớn thứ 2 Trung Quốc. Trước đó, ZTE đã gần như ngừng hoạt động do bị cấm vận, sau nhờ chủ tịch Tập đề nghị với tổng thống Trump, cho ZTE nộp phạt 1,4 tỉ USD và thay đổi toàn bộ ban lãnh đạo, thì công ty mới được dỡ lệnh cấm.

Ngày 17/5/2019, Tổng thống Mỹ đã bổ sung tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei vào danh sách đen thương mại, cấm tập đoàn này mua – bán các bộ phận và linh kiện điện tử từ các công ty Mỹ. Tiếp sau đó, hàng loạt tập đoàn công nghệ, cả trong và ngoài nước Mỹ, đã tẩy chay Huawei. Tổng thống Trump trước đó cũng liên tục vận động các đồng minh không hợp tác với Huawei trong triển khai mạng 5G vì lý do an ninh. Tháng 12/2018, Canada đã bắt giữ Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei, theo yêu cầu của Mỹ vì lý do vi phạm lệnh cấm vận với Iran.

Mỹ đang phát triển công nghệ viễn thông vệ tinh áp đảo công nghệ 5G. Ngày 25/5/2019, công ty SpaceX đã phóng 60 vệ tinh trong kế hoạch phóng tới 12.000 vệ tinh. Với công nghệ mới này, tốc độ đường truyền Internet sẽ nhanh hơn từ 5 – 10 lần so với công nghệ 5G, và quan trọng là không cần lắp đặt hàng triệu trạm phát sóng, đồng thời những vùng sâu và xa nhất trên thế giới cũng có thể tiếp cận Internet tốc độ cao. Dự kiến công nghệ này sẽ đi vào thử nghiệm cuối năm 2020.

Tổng thống Donald Trump chặn đứng tham vọng vô độ của Trung Quốc

Cùng với chính sách cưỡng ép công ty nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc chuyển giao công nghệ, các hoạt động gián điệp công nghệ, mua lại doanh nghiệp công nghệ nước ngoài và kế hoạch Made in China 2025, tất cả đã nhận được sự chú ý đặc biệt của chính quyền Mỹ. Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói: “Nếu trong lĩnh vực phát triển cho tương lai, Bắc Kinh cạnh tranh lành mạnh như những nước khác thì không có vấn đề; nhưng bằng cách trợ cấp đầu tư 300 tỷ USD, hạn chế tiếp cận thị trường và dùng những thủ đoạn để buộc người ta phải chuyển giao công nghệ, lấy việc hy sinh lợi ích của các quốc gia khác làm cái giá phải trả thì đây dĩ nhiên là một vấn đề khác”.

Trước đây, vì lợi ích trước mắt và thiếu sự hiểu biết về bản chất của chính quyền Trung Quốc, các nhà đầu tư và chính giới phương tây thường chỉ lên tiếng yếu ớt. Tham vọng của Bắc Kinh đã lên cao tới mức muốn bá chủ thế giới ở các ngành công nghệ chủ chốt thông qua chiến lược Made in China 2025. Nhưng sự đắc cử bất ngờ của tổng thống Donald Trump và các hành động quyết liệt của ông đã khiến chính quyền Trung Quốc bị bất ngờ.

Có thể nói Trung Quốc không có môi trường khuyến khích phát triển khoa học công nghệ chiều sâu, bởi thứ nhất là không có tự do tư tưởng, thứ hai là không có môi trường pháp lý bảo hộ bằng sáng chế, thứ ba là tư tưởng của người Trung Quốc hiện nay khá nặng vì tiền, muốn làm giàu nhanh chóng. Chính sách cưỡng ép chuyển giao công nghệ nhìn chung chỉ lấy được các công nghệ tầm trung của nước ngoài. Ngay cả việc đầu tư để đánh cắp công nghệ qua lực lượng hackers và gián điệp cũng chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như quân sự, công nghệ thông tin, công nghệ mới và cũng dưới dạng không đầy đủ. Năng lực sao chép và chế tạo có hạn nên chất lượng sản phẩm cuối cùng thường ở mức trung bình và không ổn định. Ví dụ máy bay tàng hình J20 được cho là sao chép nhiều tính năng của F35, nhưng vẫn phải sử dụng động cơ AL – 31F của Su 27. Kết quả, mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc hầu như không có thương hiệu sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới nào. Thực tế, ở cả ba lĩnh vực công nghệ cơ bản, cơ khí chế tạo, hoá chất và công nghệ thông tin, quy mô sản xuất tại Trung Quốc tuy lớn hàng đầu thế giới, nhưng những phần có hàm lượng công nghệ cao hầu như đều nhập khẩu từ các nước phương Tây và chủ yếu từ Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ thực sự là trung tâm sáng tạo công nghệ lớn nhất thế giới. Rõ nhất là nhìn vào số giải Nobel của nước Mỹ, tính ra gần bằng số giải của tất cả các nước cộng lại. Các yếu tố căn bản cho sự phát triển công nghệ chiều sâu như môi trường tự do tư tưởng, luật pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ chặt chẽ, bối cảnh văn hoá – xã hội… làm cho nhiều người tại Mỹ có xu hướng say mê với nghề nghiệp chứ không quá nặng tâm lý kiếm tiền. Đây cũng là yếu tố nổi trội giúp Mỹ có thành tựu khoa học to lớn.Việc cấm vận Huawei đã cho thế giới rõ rằng các công nghệ cốt lõi của Mỹ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trên thế giới.

Với những yếu tố khác biệt về căn bản của nền tảng tạo ra sản phẩm công nghệ cũng như hiện trạng sản phẩm công nghệ giữa hai nước, tham vọng vô độ mà chính quyền Trung Quốc đặt ra chỉ là hoang tưởng. Âm mưu soán ngôi siêu cường công nghệ của nước Mỹ cũng là phi thực tế. Có thể nói, xuất phát của mâu thuẫn Mỹ – Trung dẫn tới cuộc chiến tổng lực là ở chỗ: Một bên có tham vọng vô độ và một bên thấy bất bình khi bị đánh cắp thành quả và bị đối xử không công bằng trong một thời gian quá dài. Dưới sức ép của các yếu tố chính trị trong nước của cả hai chính quyền, các phát biểu trước công chúng của chính giới hai bên sẽ còn gay gắt hơn. Tuy nhiên bản chất của mâu thuẫn là rất khó giải quyết khi cả hai lực lượng chính trị này vẫn còn cùng tồn tại.

RELATED ARTICLES

Tin mới