Sunday, July 7, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ tiếp tục bao biện cho hành động của họ ở Biển...

TQ tiếp tục bao biện cho hành động của họ ở Biển Đông

Tại các hội nghị liên quan trong khuôn khổ ASEAN ở Bangkok trong những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8/2019, hồ sơ Biển Đông trở thành một chủ đề nóng, do căng thẳng mới bùng lên giữa Việt Nam và Trung Quốc do Bắc Kinh cho tàu khảo sát vào hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời cho tàu hải cảnh vào quấy phá các hoạt động dầu khí hợp pháp của Việt Nam trong khu vực. Vấn đề Biển Đông càng nóng thêm lên sau khi Mỹ lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Trung Quốc qua phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/7/2019, và cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ lên tiếng phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc, yêu cầu Ngoại trưởng Pompeo phải có hành động cụ thể hơn.

Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Việt Nam tố cáo Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, và cáo buộc nước này tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển tranh chấp. Trong cuộc họp ở Bangkok giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc ngày 31/7, ông Minh bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về hoạt động khảo sát của tàu thăm dò Hải Dương địa chất 08 và các tàu hộ tống kể từ đầu tháng 7 tới nay ở khu vực Bãi Tư Chính, tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông. Ông Minh nhấn mạnh “Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC”.

Tuyên bố của AMM-52 cũng đề cập vấn đề Biển Đông một cách mạnh mẽ, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã “bày tỏ quan ngại về các hành vi lấn biển, các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực – những điều này đã dần hủy hoại lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể tác động xấu tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.”

Đáp lại ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc phớt lờ việc tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc đang gây hấn ở khu vực bãi Tư Chính, cố tình làm chìm vấn đề khi nói rằng “tình hình ở Biển Đông đã được cải thiện đáng kể” trong những năm gần đây thông qua những nỗ lực chung của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN, và “không có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)”.

Các học giả và truyền thông Trung Quốc cũng rất ít đề cập đến vụ việc ở bãi Tư Chính. Một số học giả Trung Quốc có bài viết bằng tiếng Anh, không có tiếng Trung cũng chỉ đề cập một cách chung chung là “Trung Quốc và Việt Nam sẽ tìm cách giải quyết ổn thỏa vấn đề”. Cả truyền thông và học giả Trung Quốc không đưa ra được bất cứ cơ sở pháp lý nào để biện hộ cho hành vi xâm lấn của họ ở Tư Chính bởi lẽ trên thực tế yêu sách của họ hoàn toàn trái với các quy định của UNCLOS 1982 và đã bị Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông bác bỏ hoàn toàn trong phán quyết 12/7/2016. Ngay cả ông Vương Nghị cũng tìm cách lấp liếm vấn đề khi trong phát biểu tại Bangkok, nói rằng “một số cọ xát có thể tăng lên theo thời gian” do những tranh chấp lịch sử, và những vấn đề này “cần được giải quyết bởi các quốc gia trực tiếp liên quan thông qua các biện pháp hòa bình”.

Cách làm này của Trung Quốc không phải là điều gì mới lạ. Họ thường dùng sức mạnh tăng cường các hoạt động xâm lấn trên thực địa để ép buộc, bắt nạt các nước nhỏ ven Biển Đông, rồi tìm cách đánh lừa dư luận bằng những thông tin sai lệch, bóp méo tình hình. Trung Quốc hiểu rõ họ không có cơ sở pháp lý nên không dám tranh luận. Họ còn biết rằng tất cả các học giả, nhà nghiên cứu chân chính trên thế giới đều không đứng về phía họ.

Mặt khác, họ làm chìm vấn đề còn nhằm mục đích ngăn cản sự can dự sâu thêm của các nước ngoài khu vực, đẩy Mỹ và các đồng minh ra khỏi Biển Đông. Nên họ cao giọng đổ lỗi cho Mỹ. Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 31/7/2019 tại Bangkok, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc “các nước ngoài khu vực không nên cố tình thổi phồng những khác biệt hay tranh chấp từ quá khứ”; “các quốc gia ngoài khu vực cũng không nên lợi dụng những khác biệt này để gieo rắc ngờ vực giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN”.

Có thể thấy ông Vương Nghị bị đơn độc tại Bangkok khi tìm cách bao biện cho những việc làm của họ ở Biển Đông, nhất là hành vi xâm lấn của tàu Hải Dương 08 tại khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Một số nhà nghiên cứu nhận định rằng những hành động gây hấn của Trung Quốc ở bãi Tư chính từ đầu tháng 7 có thể trở thành đòn bẩy để Mỹ gia tăng áp lực đối với nước này. Bắc Kinh tỏ ra dịu giọng tránh tranh cãi tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN lần này là vì họ “không muốn đổ thêm dầu vào lửa”, khi những người cầm quyền ở Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và phong trào biểu tình ở Hong Kong.

Việc Tổng thống Mỹ tuyên bố áp 10% thuế đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc mới đây là đòn trừng phạt xứng đáng đối với cách hành xử “lá mặt, lá trái” trái với đạo lý và luật pháp quốc tế của Bắc Kinh. Trước việc Trung quốc tìm mọi cách bao biện cho các hành động của họ ở Biển Đông, Việt Nam cần tiếp tục công khai hóa chi tiết về những hành vi sai trái của Bắc Kinh ở bãi Tư Chính để cộng đồng quốc tế có cơ sở cùng lên tiếng bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới