Friday, September 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam là nước đầu tiên gánh chịu hệ quả của việc...

Việt Nam là nước đầu tiên gánh chịu hệ quả của việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông

Cách đây 5 năm khi dư luận đang tập trung sự chú ý vào việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam thì Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh việc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc mà họ chiếm đóng bằng vũ lực năm 1988 thuộc khu vực Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khi đó, một số nhà nghiên cứu, phân tích đã nhận định Trung Quốc đang hướng dư luận vào vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam để rảnh tay triển khai các hành động xâm lấn ở các cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa; đồng thời cảnh báo về sự nguy hại đối với hòa bình, ổn định, tự do an ninh an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông của việc Trung Quốc bồi đắp mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông.

Từ khi đó (năm 2014), một số nhà phân tích còn cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ biến những cấu trúc này thành những căn cứ quân sự, tàu sân bay không thể đánh chìm để làm bàn đạp thực hiện tham vọng làm bá chủ ở Biển Đông của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Trải qua 5 năm, hiện nay các cấu trúc này thực sự đã trở thành những đồn điền quân sự của Trung Quốc với những trang thiết bị quân sự hiện đại, kể cả máy bay chiến đấu, tên lửa, các thiết bị gây nhiễu…. Trên các cấu trúc này, Trung Quốc đã xây dựng cầu cảng lớn, bãi neo đậu cho các tàu chiến, tàu chấp pháp (Hải cảnh, Kiểm ngư…) và các tàu cá dân binh của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Chính từ các căn cứ quân sự trên các cấu trúc này, tàu hải cảnh, tàu kiểm ngư, tàu cá dân binh của Trung Quốc tràn xuống phía Nam Biển Đông để uy hiếp, đe dọa và triển khai các hành động xâm lấn vùng biển của các nước ven biển phía Nam Biển Đông mà trước đây họ không thể triển khai được vì khu vực này nằm cách xa đảo Hải Nam của Trung Quốc 600-800 hải lý.

Hồi đầu năm nay, nhiều tàu cá dân binh của Trung Quốc xuất phát từ các căn cứ trên các cấu trúc này đã tiến hành vây hãm uy hiếp Philippines ở khu vực đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng. Một số nguồn tin tiết lộ, một số tàu của Trung Quốc xuất phát từ các căn cứ này để uy hiếp hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia.

Hoạt động gây hấn của Trung Quốc cho tàu Hải Dương 08 và nhiều tàu hộ tống tiến hành khảo sát địa chấn bất hợp pháp ở khu vực bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 có thể nói là hoạt động lớn nhất mà Trung Quốc sử dụng các căn cứ ở các cấu trúc bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa ở Trường Sa. Các tàu Hải cảnh và tàu cá dân binh của lực lượng dân quân biển Trung Quốc hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính hầu hết xuất phát từ các căn cứ này (có lúc tổng cộng lên tới trên 35 tàu các loại) và thay phiên nhau trở về các cấu trúc này để tiếp nhiên liệu.

Các nhà phân tích đều cho rằng nếu không có các bãi neo đậu, kho chứa nhiên liệu trên các cấu trúc Trung Quốc bồi đắp, mở rộng, quân sự hóa ở Trường Sa thì tàu của Trung Quốc không thể đủ nhiên liệu để hoạt động dài ngày ở khu vực bãi Tư Chính, cách Trung Quốc đến 600 hải lý. Các hoạt động xâm lấn của Trung Quốc hiện nay ở khu vực bãi Tư Chính là một cuộc tập dượt cho sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng Trung Quốc trong triển khai các hoạt động gây hấn ở phía Nam Biển Đông. Việc tập dượt phối hợp giữa các lực lượng tàu thuyền của Trung Quốc xuất phát từ các cấu trúc đó được tiến hành từ nhỏ đến lớn, từ 1 lực lượng đến nhiều lực lượng. Nếu như đối với vụ việc xung quanh đảo Thị Tứ hồi đầu năm thì chủ yếu là lực lượng dân quân biển thì trong vụ việc ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7/2019 là sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Hải cảnh, tàu khảo sát, tàu cá dân binh theo nhiều tầng nấc.

Một số nhà phân tích còn cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không có chung tiếng nói ngăn chặn hành vi của Trung Quốc, sẽ đến lúc Trung Quốc còn triển khai thêm sự hợp đồng tác chiến của tàu chiến Hải quân và máy bay chiến đấu trong các hành động xâm lấn, gây hấn ở Biển. Điều này sẽ tạo nguy cơ rất lớn đối với hòa bình, ổn định của khu vực.

Có thể việc sử dụng bãi Tư Chính của Việt Nam đang trở thành nơi Trung Quốc tiến hành thử nghiệm các căn cứ đã xây dựng trên các cấu trúc nhân tạo ở Trường Sa 5 năm qua cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng trên biển của Trung Quốc. Nếu hành động xâm lấn của Trung Quốc tại bãi Tư Chính không được ngăn chặn, Trung Quốc sẽ càng được đà lấn tới. Vùng biển mà Trung Quốc sẽ gây hấn có thể là của Philippines, của Malaysia, của Indonesia, hay của Brunei vì yêu sách “đường lưỡi bò” đều xâm lấn vào vùng biển của các nước này.

Nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông hiện đang tập trung vào Việt Nam. Tuy nhiên, với chính sách hiếu chiến của Bắc Kinh trong việc thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông thì các nước ven Biển Đông khác sẽ trở thành đối tượng xâm lấn của Trung Quốc trong tương lai không xa. Thậm chí các lực lượng đồn trú ở các cấu trúc do Trung Quốc bồi đắp, mở rộng ở Trường Sa sẽ vươn tới hoạt động ở eo biển Malacca để kiểm soát tuyến đường hàng hải đi qua Biển Đông.

Do vậy, những hành động xâm lăng của Bắc Kinh không chỉ là mối đe dọa của riêng Việt Nam mà còn là nguy cơ cho các nước khác ven Biển Đông khác, là nguy cơ đối với hòa bình, ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không của cả khu vực. Nguy cơ của việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, trong đó có các cấu trúc ở Trường Sa đang ngày càng hiện hữu hơn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế chung tay ngăn chặn. Hành vi xâm lấn của Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế làm dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nước ven Biển Đông khác cũng như cả cộng đồng quốc tế về bản chất bành trướng, bá quyền của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới