Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐáp trả sự khiêu khích của Bắc Kinh, Mỹ áp thuế bổ...

Đáp trả sự khiêu khích của Bắc Kinh, Mỹ áp thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng hóa TQ

Trung Quốc chỉ áp thuế bổ sung với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp trả bằng gói thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Trung Quốc tuyên bố áp thuế với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ

Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc (23/8) cho biết, từ 1/9 và 15/12, Trung Quốc sẽ chính thức áp thuế 5-10% với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Theo Ủy ban Thuế quan thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, Bắc Kinh buộc phải hành động để đáp lại các biện pháp của Mỹ. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục tuân theo thỏa thuận tại cuộc họp ở Osaka, quay lại các cuộc thảo luận đúng hướng và cùng nhau hành động tích cực để hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột thương mại. Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng mức thuế mới với hàng hóa Mỹ theo hai đợt, có hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12, tương ứng với thời gian áp thuế mà Washington thực hiện với 300 tỷ USD hàng hóa Bắc Kinh. Ủy ban Thuế quan còn khẳng định mức thuế 25% sẽ được áp với xe hơi Mỹ, trong khi phụ tùng và linh kiện ôtô sẽ chịu mức thuế 5%, bắt đầu từ ngày 15/12.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (22/8) tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ không dừng hành động “áp thuế sai lầm”.

Mỹ đáp trả cứng rắn

Đáp trả hành động khiêu khích của Trung Quốc, trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump (23/8) tuyên bố áp gói mức thuế bổ sung với 550 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Theo tuyên bố trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, mức thuế 25% hiện đang áp dụng với khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên 30% vào ngày 1/10 tới. Đồng thời Tổng thống Mỹ cũng quyết định tăng thuế từ 10% lên 15% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc từ ngày 15/12.Trong những dòng Tweet sau đó, Tổng thống Trump còn tuyên bố rằng ông đã yêu cầu các công ty Mỹ lập tức tìm đối tác khác thay thế cho các đối tác Trung Quốc và nói rằng Mỹ “không cần Trung Quốc”. Đồng thời, ông cũng yêu cầu tất cả các hãng vận tải, bao gồm Fed Ex, Amazon, UPS, Bưu điện, phải tiến hành rà soát và từ chối mọi đơn hàng từ Trung Quốc.

Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại vào tháng 9 tới, nhưng chưa có ngày nào được ấn định. Tuy nhiên, động thái đáp trả nhau mới nhất của cả Mỹ và Trung Quốc có thể khiến 2 quốc gia này khó đạt được thỏa thuận thương mại trong năm nay. Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí “đình chiến” trong cuộc họp bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1/9.Tổng thống Mỹ sau đó quyết định hoãn thuế đối với một số hàng nhập khẩu của Trung Quốc đến giữa tháng 12, do lo ngại tác động tiêu cực tới thị trường mua sắm dịp lễ Giáng sinh và năm mới.

Trung Quốc sẽ sử dụng còn bài chiến lược để đáp trả Mỹ

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng dầu mỏ để đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ. Theo đó, các nhà phân tích năng lượng dự đoán, để đáp trả đòn đánh mới nhất từ Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ hạn chế nhập khẩu dầu từ Mỹ hoặc đình trệ hoàn toàn toàn. Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), các nhà nhập khẩu dầu từ Trung Quốc gần đây quan tâm trở lại với dầu thô Mỹ khi nhập khẩu dầu tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng, đạt 247.000 thùng mỗi ngày trong tháng 5. Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường dầu mỏ Stephen Brennock của PVM Oil Associates cảnh báo các diễn biến mới trong thương chiến Mỹ-Trung mới đây có thể sẽ đảo ngược xu thế này. Được biết, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của dầu thô Mỹ trong suốt nửa đầu năm 2018, thời điểm cuộc chiến thương mại giữa 2 bên chưa bùng phát. Khi Mỹ nổ phát súng đầu tiên khơi mào cuộc chiến, lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ lập tức giảm mạnh. Bắc Kinh bắt đầu tìm tới nguồn cung mới là Iran bất chấp các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData cho rằng Trung Quốc không còn quá nhiều vũ khí để so găng với Mỹ nên việc họ nhắm mục tiêu vào dầu thô là điều dễ hiểu. Nhưng kịch bản này nếu xảy ra sẽ là tin không vui với người mua hàng Trung Quốc. Cùng quan điểm trên, Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận định Bắc Kinh có thể sẽ đánh thuế đáp trả với hầu hết hàng nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả dầu thô nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng thuế từ đầu tháng 9 như ông thông báo.

Xung đột toàn diện?

Trong động thái căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến dư luận thế giới dõi theo với quan tâm sâu sắc là việc Bắc Kinh “đe” sẽ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty của Mỹ liên quan đến thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 cho Đài Loan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (21/8) khẳng định, Bắc Kinh sẽ “áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo các lợi ích của nước này”, trong đó có việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ tham gia bán vũ khí cho Đài Loan. Trung Quốc đưa ra tuyên bố được cho là đầy tính cứng rắn và răn đe trên chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua thương vụ trị giá 8 tỷ USD bán cho Đài Loan 66 máy bay chiến đấu F-16C/D Block 70 do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo. Ông Cảnh Sảng thậm chí còn cảnh báo thêm rằng, Washington sẽ phải đối mặt với các hậu quả nếu không ngừng ngay các thương vụ bán vũ khí đã lên kế hoạch đối với Đài Loan.

Căng thẳng mới giữa Mỹ và Trung Quốc về việc bán vũ khí cho Đài Loan đã bùng phát trong bối cảnh hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang có nguy cơ rơi vào cuộc chiến tranh “kép” về thương mại và tiền tệ, hay nói cách khác là cuộc chiến về kinh tế. Bởi thế, đã xuất hiện những ý kiến lo ngại cho rằng căng thẳng kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh có thể leo thang sang cả lĩnh vực an ninh, quân sự.Lo ngại này không phải không có cơ sở khi dù những căng thẳng thương mại và tiền tệ đang thu hút sự chú ý của cả thế giới, song đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông cũng như kiểm soát vũ khí, chạy đua vũ trang… cũng không kém phần quyết liệt. Nhằm ứng phó với sự hung hăng, dùng sức mạnh nhằm hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông, Mỹ một mặt tuyên bố có lợi ích sống còn của một quốc gia nằm bên bờ Thái Bình Dương, một mặt tiến hành các hoạt động tuần tra của máy bay, tàu chiến và tàu sân bay để khẳng định sự tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đáp trả mọi đòi hỏi chủ quyền phi lý.

RELATED ARTICLES

Tin mới