Friday, January 17, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐiều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam:...

Điều tàu hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam: TQ đang phá Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán, thảo luận nhằm sớm có một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả và ràng buộc về pháp lý để đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam là hành động trực tiếp phá vỡ nỗ lực của các bên liên quan khi đàm phán COC.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công tàu chấp pháp Việt Nam

Các nước đang thúc đẩy COC

Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã chính thức bắt đầu đàm phán về COC từ tháng 5/2017 và đưa ra được một dự thảo đầu tiên bao gồm lập trường của các bên liên quan tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 vào tháng 8/2018. Tính đến thời điểm hiện tại, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành vòng đọc thứ nhất về dự thạo COC.

Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (31/7) ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực. ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt COC hiệu lực, thực chất.

Trước đó, phát biểu bên lề Diễn đàn khu vực (ARF) tại Bangkok, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot nói rằng hai bên sẽ đi vào chi tiết của bộ quy tắc được chờ đợi từ lâu sau khi đã đồng ý với “các nguyên tắc cơ bản” trong vòng rà soát đầu tiên dự thảo COC. Ông Arthayudh Srisamoot cho biết, “ASEAN muốn bộ quy tắc ứng xử là một tài liệu sẽ giúp truyền thêm niềm tin vào khu vực này” và “theo quy định của luật quốc tế”. Tuy nhiên, một số Bộ trưởng ASEAN đã bày tỏ “quan ngại” về những sự cố bùng phát trên Biển Đông và nhấn mạnh hoạt động đi lại của tàu chiến và các phương tiện quân sự trên vùng biển này có thể gây nguy hiểm cho việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (2/8) cho rằng“Trung Quốc cùng các nước khác “có ý chí tôn trọng hòa bình và ổn định ở khu vực, bao gồm những khác biệt và tranh chấp trên Biển Đông”; khẳng định “đàm phán COC tiến triển”, đồng thời vu cáo “các quan chức cấp cao từ Mỹ lần nào cũng sử dụng các cách để reo rắc bất hòa giữa các nước và khuấy động rắc rối ở Biển Đông”. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (31/7) tuyên bố hai bên đã có những “tiến triển đáng kể” trong quá trình đàm phán COC. Ông Vương Nghị cho rằng thành quả trên đạt được là nhờ vào thái độ “thiện chí và hòa giải của các bên liên quan”, và “điều này đánh dấu một cột mốc mới tiến tới hoàn tất COC trong vòng ba năm”. Ông Vương Nghị cũng khẳng định những nội dung đầu tiên quy định hoạt động trên Biển Đông của Bắc Kinh và khối ASEAN đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.

Trung Quốc đang cố tình kéo dài quá trình đàm phán COC

Giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế đều cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kéo dài đàm phán phán COC; đồng thời cho rằng với việc Trung Quốc một mặt dùng các biện pháp ngoại giao, một mặt vẫn tiếp tục các hành vi gây hấn trên biển, ASEAN cần phải bước vào vòng đàm phán tiếp theo với một tâm thế dè chừng và cảnh giác.Lâu nay, lập trường của lãnh đạo Trung Quốc đối với phán quyết biển Đông của Tòa trọng tài năm 2016 luôn là nhất mực phản đối, bác bỏ và kiên quyết phủ nhận.Tuy nhiên, do là một nước tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), TQ dĩ nhiên không muốn bị chỉ trích là một nước xem thường luật pháp quốc tế. Vì vậy, nước này đang hy vọng có thể thông qua COC để dứt khỏi sự ràng buộc của phán quyết.

Giáo sư James Kraska, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ, cho rằng Trung Quốc đã trì hoãn tiến trình đàm phán COC để xây dựng lực lượng. “Trung Quốc xem COC như một chiến thuật câu giờ, kéo dài thời gian đàm phán ròng rã 17 năm qua. Trong ngần ấy thời gian, Trung Quốc xây dựng kiên cố vị thế lẫn sức mạnh”.

Theo giới chuyên gia, để hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc trong đàm phán COC, cần tập trung vào nền tảng và khuôn khổ mà văn kiện này hình thành. Thay vì đàm phán dưới danh nghĩa là một khối ASEAN, 10 nước thành viên chỉ đàm phán với TQ trên danh nghĩa độc lập mỗi quốc gia. Do đó, dự thảo COC đầu tiên tồn tại dưới dạng giống như 11 văn kiện khác nhau với mỗi văn kiện đại diện cho lập trường của 11 nước liên quan chứ không chỉ gồm hai văn kiện, một của Trung Quốc và một của toàn bộ phía ASEAN.Ngoài COC, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP, gồm 10 nước thành viên ASEAN và Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) cũng được ASEAN đàm phán theo cách này. Không những vậy, Trung Quốc cũng được cho là đang có động thái thúc đẩy để biến các đàm phán COC trở thành đàm phán 11 bên.Theo giới quan sát, Trung Quốc có ý đồ muốn đòi hỏi COC phải bao gồm các nội dung: Các điều khoản trong UNCLOS sẽ không áp dụng đối với văn kiện này, tất cả cuộc tập trận với các nước ngoài khu vực chỉ được tổ chức với sự đồng ý của tất cả bên liên quan trong COC không hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên nào được thực hiện với các nước ngoài khu vực.Dĩ nhiên, ASEAN không thể nào chấp nhận các yêu cầu này vì như thế sẽ gần như vô hiệu hóa hoàn toàn phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 và hạn chế sự hiện diện của các đối trọng như Mỹ và châu Âu.

Đáng chú ý, Phó Giáo sư Jeffrey Ordaniel thuộc Đại học Quốc tế Tokyo đánh giá: ASEAN cần cảnh giác với bất kỳ tuyên bố tích cực nào về tiến trình đàm phán COC của Trung Quốc. Ông nhấn mạnh việc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán COC trong khi vẫn tiếp tục tái diễn những hoạt động xâm phạm chủ quyền của các nước trong khu vực. “Dường như Trung Quốc lại tỏ thái độ lạc quan trước các kết quả không đáng kể. Nếu Trung Quốc hài lòng với tiến triển của COC thì nhiều khả năng văn bản này vẫn chưa đủ tính ràng buộc và chặt chẽ, còn mơ hồ và chưa theo sát UNCLOS”; đồng thời nhấn mạnh ASEAN cần phải tập trung vào cách hành xử trên thực địa của Trung Quốc.

Trong khi đó, Giáo sư Thayer – Học viện Quốc phòng Australia (2/8) cho rằng, những hành động vừa qua của Trung Quốc trong vùng biển của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế có chủ đích. Dù vậy, Việt Nam vẫn cần phải giải quyết vấn đề này với Trung Quốc thông qua các biện pháp đàm phán ngoại giao. Các hành động của trung Quốc trong các năm qua cho thấy Bắc Kinh có hai mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là nhằm thiết lập bá quyền thông qua phát triển các nguồn lực trên biển (bao gồm dầu mỏ và khí đốt) tại vùng biển trong khu vực “đường chín đoạn”. Vì thế, Trung Quốc ngăn cản các hoạt động khai thác dầu của các quốc gia ven biển và tạo sức ép buộc các nước này phải tham gia các dự án khai thác chung với Trung Quốc. Mục tiêu thứ hai của quốc gia này là loại bỏ sự tham gia của các cường quốc bên ngoài trong việc phát triển nguồn lực biển tại Biển Đông. Điều này được thể hiện rõ qua hành động của phái đoàn Trung Quốc tại các ghi chép đàm phán Bản dự thảo cuối cùng của COC được thông qua bởi các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái. Đại diện Trung Quốc đề nghị hợp tác kinh tế biển cần được tiến hành với Trung Quốc và quốc gia ven biển mà “không được tiến hành thông qua hợp tác với các công ty thuộc các quốc gia bên ngoài khu vực”.

Tiến triển mù mịt

Hai bên đang tiến hành những bước chuẩn bị để bước vào giai đoạn đàm phán tiếp theo. Khác với giai đoạn đầu chỉ đơn giản là rà soát và đọc lại để đưa ra được một văn kiện hoàn chỉnh, ASEAN và TQ sắp tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khỏa lấp những bất đồng của nhau.Với vai trò hết sức quan trọng trong hòa giải các tranh chấp trên biển, ASEAN cần tránh đưa ra những quyết định vội vàng làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng trong khu vực.

Đáng chú ý, cũng có ý kiến cho rằng để tận dụng tốt thời gian từ nay đến năm 2021 trên bàn đàm phán COC, việc Trung Quốc cùng lúc gây sức ép với các nước ASEAN là điều không lạ. Từ vụ tàu Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính của Việt nam cho thấy, các nước ASEAN, trong đó đặc biệt là Philippines, Malaysia và Việt Nam, có các quan điểm khác với Trung Quốc đang bị Trung Quốc chủ động khiêu khích trên thực địa. Ngoài ra, Trung Quốc đã từng trì hoãn và kéo dài việc đàm phán xây dựng COC từ rất lâu nhưng hiện nay họ lại tỏ vẻ mong muốn kết thúc quá trình đàm phán và xây dựng COC. Từ hai chỉ dấu này, rất có khả năng những hành động gây rối trên thực địa của Trung Quốc gần đây là nhằm tạo ưu thế trên bàn đàm phán.

Nhìn chung, thất bại lớn nhất của Trung Quốc đến lúc này có thể kể đến là phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện TQ năm 2016 và chỉ trích, can dự của cộng đồng quốc tế với hành xử của Trung Quốc. Vậy nên Bắc Kinh rất có khả năng sẽ tìm cách tuyên truyền rằng Trung Quốc thúc đẩy và có vai trò quan trọng thúc đẩy COC – một biểu hiện thượng tôn pháp luật và loại bỏ sự ảnh hưởng của UNCLOS ra khỏi văn kiện COC. Qua hai động thái này, Trung Quốc muốn tiếp tục tránh né phán quyết của Tòa Trọng tài và tìm kiếm lại sự ủng hộ của dư luận, dù trong bối cảnh hiện nay điều này là rất khó.Ngoài ra, các phát ngôn ngoại giao của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh tiếp tục muốn đẩy các quốc gia thứ ba ra khỏi Biển Đông, không chỉ ở phương diện quân sự mà cả phương diện ngoại giao. Cụ thể, TQ muốn đẩy Mỹ và đồng minh ra khỏi biển Đông thông qua COC.Tất nhiên ASEAN, đặc biệt các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, sẽ không để ý đồ Trung Quốc thành hiện thực.

RELATED ARTICLES

Tin mới