Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh hơn, Mỹ nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới hợp tác để đối trọng với Bắc Kinh.
Mỹ quan ngại trước hành vi của Trung Quốc hai lần điều tàu khảo sát Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đồng thời ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông. Đây là phát biểu của chuyên gia Elbridge Colby, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ tại cuộc trao đổi với phóng viên VOV. Theo ông Elbridge Colby, Trung Quốc tuy là một cường quốc, nhưng những hành động liên tiếp vi phạm luật pháp quốc tế của nước này khiến dư luận quốc tế hết sức lo ngại.
Phản đối hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông
Chia sẻ quan điểm cá nhân, ông Elbridge Colby nhận định: “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết vào năm 1982 và được coi như một bản Hiến pháp về Biển, đại dương trên toàn thế giới. Trung Quốc đã ký kết và phê chuẩn Công ước này nhưng Trung Quốc lại không tuân thủ nghĩa vụ của mình. Trong khi đó, Mỹ chưa ký kết và phê chuẩn nhưng lại tuân thủ các điều khoản đã có trong công ước đó. Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, trong vụ kiện của Philippines, đã ra phán bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc hoàn toàn không đoái hoài gì đến phán quyết mà tòa đã đưa ra. Như vậy rõ ràng đối với người Trung Quốc, điều họ quan tâm ở đây không phải là luật pháp quốc tế mà là tham vọng củng cố sức mạnh, quyền lực”.
Đáng chú ý, không chỉ gây hấn với Việt Nam, Trung Quốc còn có những động thái gây hấn cả với Philippines, Malaysia. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, Trung Quốc đã điều hai tàu khảo sát của là Zhanjian và Dong Fang Hong 3 hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng bị cáo buộc quấy rối các tàu thăm dò dầu và khí đốt của Malaysia. Đánh gía về động thái này của Trung Quốc, ông Elbridge Colby khẳng định, đây là cách làm mang tính quy luật của Trung Quốc, muốn liên tục gây sức ép với với các nước trong khu vực Biển Đông và Trung Quốc sẽ “thực hiện các hành vi quấy rối bằng hình thức này hay hình thức khác trong thời gian tới”.
Theo chuyên gia Elbridge Colby, ở Biển Đông, có nhiều quốc gia tuyên bố khẳng định chủ quyền, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia. Tất cả đều có lợi ích chung, nhưng quan điểm của mỗi nước rất khác nhau. Phía Philippines ngày 9/8 đã trao công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc. Malaysia phô trương sức mạnh quân sự khi phóng thử tên lửa chống hạm trên Biển Đông, được cho là lời cảnh báo với Trung Quốc. Còn Việt Nam trực diện lên tiếng phản đối Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao. Trong thông cáo hôm 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phản đối hành vi của Trung Quốc điều tàu khảo sát và các tàu hộ tống quay trở lại xâm phạm vùng biển của Việt Nam.
Chuyên gia quốc phòng Elbridge Colby cho rằng, tiếng nói và vai trò của Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Ông Elbridge Colby bày tỏ: “Chúng tôi thấy rằng ASEAN có vai trò hết sức quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và chúng tôi luôn ủng hộ các nỗ lực của khối. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN thì đây là một thời điểm rất quan trọng. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể phối hợp với các nước đối tác như Philippines để củng cố lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn cần phải có cơ chế linh hoạt để các bên không bị bế tắc trong khuôn khổ của ASEAN”.
Mỹ muốn xây dựng sức mạnh đối trọng với Trung Quốc
Theo ông Colby, Mỹ từ lâu đã không chấp nhận việc Trung Quốc tìm cách lấn lướt ở khu vực, xét từ góc độ thương mại và hợp tác. Nhận thức rõ tham vọng “bá quyền” của Trung Quốc, Mỹ đã có nhiều thay đổi thay đổi về mặt chính sách, đưa ra đường hướng kiên quyết hơn trên các mặt trận từ kinh tế, chính trị đến quân sự. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington là củng cố quan hệ liên minh và quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Ông Colby khẳng định: “Điều chúng ta thấy rõ ràng là Trung Quốc đang mạnh mẽ và còn lớn mạnh hơn trong tương lai. Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi tham vọng của nước này mà không quan tâm đến lợi ích của Mỹ hay các nước khác. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ mong muốn tập hợp sức mạnh cùng các quốc gia khác trong khu vực để thuyết phục và buộc Trung Quốc phải tôn trọng các quốc gia khác. Việc tôn trọng lợi ích của nhau trong quan hệ quốc tế sẽ là con đường đúng đắn trong quá trình phát triển tương lai”.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn, Washington nhận thấy tầm quan trọng của việc hợp tác với các quốc gia khác trong đó có Việt Nam để đưa ra đối sách phù hợp với Bắc Kinh.
“Chúng ta không còn sống trong thế giới đơn cực khi Mỹ là siêu cường duy nhất. Chúng tôi không đơn phương thực hiện các hoạt động mà phối hợp với các đối tác. Song song với việc củng cố quan hệ với những đồng minh truyền thống, chúng tôi muốn xây dựng các quan hệ đối tác mới. Xét từ góc độ này, Việt Nam và Ấn Độ đứng đầu trong danh sách”, chuyên gia Colby nêu rõ.
Ông Colby bày tỏ, Mỹ mong muốn hợp tác với các nước trong khu vực để có sức mạnh lớn hơn, ngăn chặn khả năng và ý đồ trở thành bá quyền của Trung Quốc. Theo ông, Mỹ không có tham vọng xây dựng những căn cứ quân sự lớn ở Tây Thái Bình Dương hay Đông Nam Á vì chúng rất dễ trở thành mục tiêu trong trường hợp xung đột nổ ra với Trung Quốc. Chiến lược của Mỹ là tạo ra các lực lượng nòng cốt đủ năng lực tác chiến, linh hoạt và có thể hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác như Ấn Độ hay Việt Nam.
Mỹ ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông
Cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ Elbridge Colby đánh giá cao lập trường tự chủ, độc lập và sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của chính phủ Việt Nam. Trong bối cảnh lịch sử quan hệ phức tạp giữa hai nước, ông Colby khẳng định, Mỹ hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc trung lập của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng luôn ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Điều này được thể hiện qua tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22/8 vừa qua lên án Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí của Việt Nam, cho rằng đây là vấn đề cực kỳ quan ngại. Ông Colby nói: “Mỹ luôn muốn thấy một Việt Nam hùng mạnh. Khi Việt Nam hùng mạnh thì sự răn đe của Trung Quốc cũng sẽ giảm bớt đi. Hơn nữa, điều đó cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới giữa Mỹ và Việt Nam, trong đó có lĩnh vực quốc phòng”.
Theo ông Colby, để đối phó với hành vi sai trái của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ đã có nhiều hỗ trợ dành cho đồng minh, chẳng hạn như Philippines. “Về cách thức hỗ trợ với Philippines, chúng tôi cũng đã có những hoạt động rất cụ thể để củng cố an ninh song phương. Theo hiệp ước liên minh, Mỹ sẽ bảo vệ tàu, thuyền của chính phủ Philippines hoạt động ở Biển Đông, đồng thời chúng tôi cũng giúp nâng cao năng lực quân sự, quốc phòng cho Philippines để họ có thể đối phó với các hành vi gây rối của Trung Quốc”.
Chuyên gia Colby cho rằng, do quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam rất khác so với quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản hay Philippines, nên cách thức hợp tác cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, Mỹ luôn lắng nghe một cách cởi mở, chân thành và sẵn sàng hỗ trợ nếu Việt Nam mong muốn.
Ông Colby đồng thời cũng gợi mở những khía cạnh hợp tác mà hai bên có thể thực hiện chẳng hạn như tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin, hoạt động huấn luyện chung giữa quân đội hai nước, tăng cường nhận thức các vấn đề liên quan đến biển. “Tôi nghĩ rằng điều cần lưu ý là chúng ta muốn đẩy mối quan hệ giữa hai nước đến mức nào và chúng ta sẽ làm việc với nhau ra sao. Chúng tôi sẽ cố gắng trong phạm vi quan hệ cho phép để nâng cao năng lực tự cường của Việt Nam, giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền của mình. Song song phát triển hợp tác với Mỹ, Việt Nam có thể phối hợp với Nhật Bản, Australia, Philippines để tìm các giải pháp đối trọng với Bắc Kinh”, ông Colby khẳng định