Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTriều Tiên thử thành công vũ khí mới, góp phần nâng cao...

Triều Tiên thử thành công vũ khí mới, góp phần nâng cao năng lực tác chiến cho quân đội

Kể từ Tháng 5/2019 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 9 lần phóng thử tên lửa nhằm kiểm tra loại vũ khí mới và nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng quân sự của nước này.

Truyền thông quốc tế và khu vực cho biết, Triều Tiên (24/8) tiếp tục phóng thử 2 vật thể bay từ tỉnh Nam Hamgyong về phía Biển Nhật Bản. Đây là vụ phóng thứ 5 của Triều Tiên chỉ riêng trong tháng này và là vụ thứ 7 kể từ cuối tháng 7. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho rằng các hai vật thể mới được phóng này dường như là tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Theo JCS, các tên lửa này đã bay được khoảng 380 km, đạt độ cao 97 km và có tốc độ tối đa là 6,5 Mach.

Ngay sau khi Triều Tiên phóng “vật thể bay” trên, Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc) cho biết sẽ tổ chức họp Hội đồng An ninh Quốc gia sau vụ thử vũ khí mới nhất của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết những vũ khí được phóng lên “rõ ràng là tên lửa đạn đạo” và nói chúng rơi xuống biển Nhật Bản (Hàn Quốc còn gọi là Biển Đông), nhưng không trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã tung ra ít nhất 4 hệ thống tên lửa mới từ sau hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2.

Hãng thông tấn Triều Tiên – KCNA (25/8) cho biết, dưới sự chỉ đạo của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nước này đã thử nghiệm thành công một hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng “cực lớn”. Theo KCNA, ông Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ thử nghiệm và vụ phóng thử “đã chứng minh mọi đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật của hệ thống đạt yêu cầu đề ra”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh giá cao mẫu vũ khí mới cũng như nỗ lực của các nhà khoa học Triều Tiên trong quá trình nghiên cứu, thiết kế và hoàn thiện mẫu vũ khí này. Trước đó KCNA (24/8) khẳng định Bình Nhưỡng “không còn quan tâm” tới những biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Mỹ; nhấn mạnh Triều Tiên sẽ không từ bỏ “an ninh chiến lược” để đổi lấy những biện pháp nới lỏng trừng phạt và Mỹ nên hiểu rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ mang vấn đề an ninh chiến lược quốc gia để “mặc cả”. Với Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt, gia tăng sức ép và nới lỏng từng phạt đều vô tác dụng và không thể khiến họ thay đổi.

Giới chuyên gia cho rằng, Triều Tiên gần đây tiến hàng hàng loạt các vụ thử tên lửa và chế tạo tàu ngầm mới có khả năng mang theo cùng lúc 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa, bất chấp cử chỉ thiện chí lịch sử mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử bước chân vào lãnh thổ Triều Tiên. Trong khi Tổng thống Mỹ vẫn mong muốn đảm bảo chiến thắng ngoại giao lớn về Triều Tiên để tạo cú hích trong chiến dịch tranh cử Tổng thống 2020, thì Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đang phải đối mặt với sức ép trong nước. Đã có một số ý kiến thận trọng về quyết định theo đuổi chính sách ngoại giao hạt nhân của Nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra vào năm ngoái, đặc biệt sau khi Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội vào tháng 2 vừa qua không đạt được bất kì sự nhượng bộ nào từ phía Mỹ trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Vì vậy, những cảnh báo của Triều Tiên cùng với các vụ thử tên lửa liên tiếp gần đây cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không chỉ muốn tìm kiếm các đảm bảo an ninh từ Mỹ, mà còn muốn được đối xử bình đẳng trong các cam kết đã đưa ra. Triều Tiên đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không sẵn sàng đưa ra tất cả các nhượng bộ, nếu Mỹ không có biện pháp đáp lại. Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân tại Geneva, nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong-chol (6/8) nhấn mạnh: “Triều Tiên đã cảnh báo nhiều lần rằng các cuộc tập trận quân sự chung sẽ chặn những bước tiến trong mối quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc. Điều này cũng có thể buộc Triều Tiên sẽ cân nhắc đưa ra các bước đi xa hơn. Không có luật nào qui định một nước tuân thủ cam kết trong khi các bên khác lại không thực hiện. Mỹ và Hàn Quốc thường khẳng định tập trận quân sự là phòng vệ và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Vậy chúng tôi cũng phải phát triển và thử tên lửa để bảo vệ quốc phòng cần thiết cho chúng tôi”.

Trong khi đó, Tạp chí Vox cho rằng, một triển vọng về thỏa thuận hạt nhân càng trở nên xa vời khi Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa. Theo tạp chí này, Chủ tịch Kim Jong-un có nhiều lý do để sản xuất vũ khí mới, trong đó có sự tức giận vì Mỹ – Hàn tập trận chung trong khi ngoại giao với Washington vẫn giậm chân tại chỗ và cả khát vọng bảo vệ chính quyền của mình. Các chuyên gia cũng cho rằng, tốc độ gia tăng các vụ thử vũ khí mới của Triều Tiên cho thấy cơ hội đạt thỏa thuận hạt nhân với chính quyền Kim Jong-un đang tuột khỏi tầm tay. Nó cũng có nghĩa là dù ông Trump nói gì, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục củng cố sức mạnh và ngày càng trở nên lợi hại hơn. Theo tạp chí Vox, dù lý do là gì, các cuộc thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên chứng tỏ một điều rõ ràng rằng nỗ lực của Tổng thống Trump trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã thất bại, vì: Thứ nhất, Tổng thống Trump tuyên bố ông không thấy có vấn đề gì với việc Bình Nhưỡng thử các tên lửa tầm ngắn, ngoại trừ bom hạt nhân hay loại tên lửa có thể bắn tới Mỹ. Triều Tiên nắm bắt rất rõ thông điệp này. Thứ hai, Triều Tiên rất tức giận với Seoul và Washington. Trong một thông cáo tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triều Tiên lên án Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung dù sự kiện này đã được thu nhỏ quy mô để xoa dịu căng thẳng. Thứ ba, Kim Jong-un muốn ông Trump biết rằng thời gian tiến tới một thỏa thuận hạt nhân đang hết dần. Hai nước đã rơi vào bế tắc nhiều tháng qua xoay quanh một vấn đề chủ chốt: Kim Jong-un muốn Mỹ dỡ cấm vận trước khi Triều Tiên từ bỏ một số vũ khí, còn ông Trump muốn Bình Nhưỡng phải giải giáp hết vũ khí thì mới ngừng cấm vận. Bằng cách phóng thử các vũ khí mới, chính quyền Kim Jong-un đang cố gắng thúc ép ông Trump phải nhượng bộ.

Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá có phản ứng khá mềm mỏng với các vụ phóng thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố, Mỹ vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên. Theo ông Mark Esper: “Tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay đó là tiếp tục mở cánh cửa ngoại giao. Hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều Tiên đã có cuộc gặp hữu ích và chúng tôi sẽ không phản ứng thái quá với các vụ phóng tên lửa này. Tuy nhiên Mỹ sẽ giám sát và theo dõi chặt chẽ những diến biến đang xảy ra”. Chính cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Triều Tiên đã giúp cải thiện nhiều mối quan hệ song phương thời gian qua, nhưng vẫn chưa đủ để mang lại hòa bình. Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ nên quan tâm hơn đến những lo ngại của Triều Tiên và một cách tiếp cận “có đi có lại” sẽ mang lại kết quả có ý nghĩa hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ cũng không nên lờ đi những cảnh báo leo thang của Triều Tiên bằng việc “không làm gì” vì kiên nhẫn của Triều Tiên cũng chỉ có giới hạn. Đầu tháng 8, Triều Tiên tuyên bố có thể tiếp tục nối lại các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đặt ra hạn chót rõ ràng cuối năm nay để nối lại đàm phán. Giới quan sát nhận định, nếu Mỹ tiếp tục không phản ứng và hạn chót cuối năm 2019 đi qua mà không có sự thay đổi lập trường trong đàm phán của Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể chào đón năm mới với một vụ “nổ lớn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới